Ngày 10/5, ghi nhận 125 ca mắc COVID-19 tại 12 tỉnh, thành phố

22:24' - 10/05/2021
BNEWS Như vậy, trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 458 ca mắc COVID-19 mới, ở 26 tỉnh, thành phố.

 

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 10/5, cả nước đã ghi nhận thêm 129 ca mắc COVID-19, trong đó chỉ có 4 ca nhập cảnh, còn lại 125 ca được ghi nhận trong nước tại các tỉnh, thành phố gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hòa Bình, Hải Dương, Điện Biên, Lạng Sơn, Đắk Lắk. Trong đó, tỉnh Bắc Ninh nhiều nhất với 27 ca, Vĩnh Phúc 20 ca, Đà Nẵng 18 ca, Bắc Giang 15 ca…

Như vậy, trong đợt dịch thứ 4, tính từ ngày 27/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 458 ca mắc COVID-19 mới, ở 26 tỉnh, thành phố.

Tổng cộng đến nay, Việt Nam có 2.028 ca ghi nhận trong nước và 1.433 ca nhập cảnh.

Các chuyên gia y tế nhận định, trong đợt dịch thứ 4 này có 4 điểm xuất phát dịch bệnh, bao gồm: Điểm xuất phát dịch từ Đà Nẵng (với ca bệnh ở khu cách ly trở về Hà Nam và quán bar, thẩm mỹ viện ở Đà Nẵng). Điểm thứ hai, xuất phát từ Yên Bái (với ca bệnh từ các chuyên gia Ấn Độ, lây cho các chuyên gia Trung Quốc, lan xuống Vĩnh Phúc và một số địa phương). Điểm thứ ba là từ Hải Dương (từ một người có liên quan đến lịch sử dịch tễ ở Lào về, lây lan cho 3 ca). Nguồn thứ tư đang nóng nhất, từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, lây lan ra rất nhiều địa phương và bệnh viện.

Đến nay, các bệnh viện và địa phương đã cơ bản kiểm soát, khoanh vùng, lấy mẫu xét nghiệm các ca liên quan. Trong thời gian tới, từ 4 nguồn lây nhiễm này, mỗi ngày cả nước có thể ghi nhận thêm một số ca nhưng cơ bản các nguồn lây nhiễm được kiểm soát.

Mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, nhưng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, về cơ bản tình hình vẫn đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. “Chỉ giãn cách xã hội khi lây nhiễm trong cộng đồng quá mạnh, không phát hiện được nguy cơ, không truy được vết. Không nên giãn cách xã hội khi các lực lượng vẫn đang làm tốt công tác truy vết, năng lực phòng, chống dịch của lực lượng y tế được nâng lên…”.

Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 9/5, nước ta có thêm 42.943 người được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại 36 tỉnh, thành phố và cơ sở y tế của Bộ Công an. Như vậy, Việt Nam đã tiêm chủng 851.513/917.600 liều vaccine phân bổ, đạt 93%.

Những người được tiêm là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương, các lực lượng Công an, Quân đội...

Liên quan đến tiêm vaccine, trong ngày 10/5 đã ghi nhận một ca bị phản vệ sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca tại thành phố Đà Nẵng. Người bị phản vệ là nữ điều dưỡng 31 tuổi của Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng. Bệnh nhân không có tiền sử dị ứng, đã được khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng.

Bệnh nhân được xử lý theo đúng phác đồ và sau đó được cấp cứu tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện tại, bệnh nhân đang an thần thở máy, huyết động ổn định nhờ các thuốc vận mạch.

Ngay trong chiều 10/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi 5 bệnh viện gồm Bệnh viện Bạch Mai, Nhi Trung ương, Phổi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về việc triển khai công tác an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo đó, 5 bệnh viện trên sẽ thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho đối tượng thuộc các cơ quan Trung ương, bộ, ngành, các cơ quan ngang bộ và tổ chức quốc tế trên địa bàn Hà Nội.

Bên cạnh thực hiện khám sàng lọc theo Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca, các đơn vị cần thực hiện xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vaccine COVID-19 theo các Hướng dẫn chuyên môn mà Bộ Y tế đã ban hành.

Cũng trong ngày 10/5, tại Công điện về việc khẩn trương thực hiện giãn cách và tăng cường xét nghiệm tại các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, trường đại học và tuyến cuối, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc trường đại học và bệnh viện tuyến cuối nghiêm túc, khẩn trương thực hiện giãn cách trong bệnh viện.

Đồng thời, tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh và người nhà (nếu được ở lại chăm sóc), chỉ chuyển tuyến khi có kết quả âm tính; đồng thời chủ động xét nghiệm định kỳ theo diễn biến dịch nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục