Ngày càng có nhiều công ty Indonesia tham gia lĩnh vực xe điện

09:26' - 25/02/2022
BNEWS Nhiều tập đoàn lớn cũng như các công ty khởi nghiệp của Indonesia đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực giao thông xanh bằng cách trực tiếp tham gia sản xuất cũng như mua xe điện (EV).

PT Vektr Mobiliti Indonesia (VKTR) là cái tên mới nhất tham gia vào lĩnh vực EV khi công bố sẽ sản xuất xe buýt điện (e-bus) với sự hợp tác của nhà sản xuất xe ô tô địa phương Tri Sakti và nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc BYD Auto.

 

Ông Anindya Novyan Bakrie, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của tập đoàn Bakrie and Brothers (BNBR), khẳng định: “Với sự hợp tác này, chúng tôi sẽ chính thức mở cơ sở sản xuất e-bus đầu tiên tại Indonesia”.

VKTR là chi nhánh của PT Bakrie Autoparts - công ty con chuyên sản xuất linh kiện ô tô của BNBR - tập đoàn với nhiều công ty trong lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, nông nghiệp, sản xuất, thương mại…

VKTR được thành lập để tập trung vào điện khí hóa giao thông, bắt đầu với mảng EV và đặt mục tiêu sớm trở thành công ty khởi nghiệp điện khí hóa đầu tiên đạt được vị thế "kỳ lân".

Ngoài sản xuất, công ty sẽ tham gia các phân khúc vận tải khác như cơ sở hạ tầng EV, sản xuất pin, tài trợ phát triển EV.

Các tập đoàn khác hoạt động trong mảng phân phối ô tô như Indika Group, PT Astra International và Salim Group cũng đã tham gia vào ngành công nghiệp EV. Indika Energy - chi nhánh khai thác than của Indika - đã thành lập PT Electra Mobilitas

Indonesia (EMI) vào năm ngoái để phát triển xe máy điện và hệ sinh thái liên quan như hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS), trạm đổi pin, cơ sở nghiên cứu và phát triển EV. 

Mới đây, Indika Energy đã ký thỏa thuận đầu tư trị giá 8 tỷ USD với các công ty có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) và Tập đoàn Pin Indonesia (IBC) để phát triển hệ sinh thái EV tại Indonesia.

Tập đoàn Salim - vốn đang nắm giữ phần lớn cổ phần của nhà phân phối ô tô PT Nissan thông qua công ty con PT Indomobil Sukses Internasional (IMAS) - đã bắt đầu bán xe điện Nissan Leaf từ tháng 8 năm ngoái.

Trong khi đó, Astra International - thông qua liên doanh PT Toyota Astra Motor - đã giới thiệu xe ô tô điện vào năm 2009 với mẫu xe Toyota Prius.

Các công ty khởi nghiệp chủ yếu dựa vào xe máy cũng đã thâm nhập vào thị trường xe điện. Dịch vụ gọi xe Grab và nền tảng thương mại điện tử Lazada đã bắt đầu sử dụng xe đạp điện cho đội ngũ nhân viên giao hàng của mình.

Ngày 17/2, Lazada Logistics - nhánh dịch vụ hậu cần của Lazada có trụ sở tại Singapore - đã thông báo kế hoạch sử dụng xe máy điện của nhà sản xuất Smoot Motor Indonesia để giao hàng tại Indonesia. Giám đốc hậu cần Philippe Auberger của Lazada Indonesia cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp nhiều xe điện hơn cho đội xe của mình với sự hợp tác của Smoot”.

Trước đó vào tháng 3/2021, Lazada đã hợp tác với Grab để cung cấp xe máy điện cho các đối tác tại khu vực Đại Jakarta. Trong khi đó, Gojek - công ty gọi xe công nghệ “cây nhà lá vườn” của Indonesia - đã tiến một bước xa hơn khi thành lập liên doanh Electrum với công ty PT TBS Energi Utama để phát triển một hệ sinh thái EV đầu cuối.

Giám đốc điều hành Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef) Tauhid Ahmad cho rằng số lượng các công ty tham gia lĩnh vực EV sẽ ngày càng tăng và mang lại lợi ích cho người tiêu dùng vì cạnh tranh giúp giá EV giảm.

Ông Tauhid nói: “Nếu chi phí giảm, người tiêu dùng được ưu đãi thuế và được miễn trừ chính sách giao thông chẵn-lẻ, kết hợp ba yếu tố này sẽ tạo ra một thị trường EV lớn hơn”.

Theo ông Tauhid, hiện thị trường xe máy điện của Indonesia đã phát triển mạnh hơn thị trường xe ô tô điện vì giá xe đạp điện đã nằm trong khả năng tài chính của người tiêu dùng.

Các công ty có thể nắm bắt thị trường Indonesia nếu bán hoặc sản xuất các xe đa dụng (MPV) xanh trong khoảng giá từ 300-500 triệu rupiah (20.882-34.804 USD), vì một chiếc xe như vậy sẽ thu hút được một lượng lớn khách hàng thuộc tầng lớp trung lưu./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục