Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10: Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp

17:02' - 04/10/2024
BNEWS Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị xây dựng đề án về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Tại sự kiện "Gặp mặt các đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam" diễn ra ngày 4/10 tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thủ tướng ghi nhận, với tốc độ như hiện nay, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới năm 2024 tiếp tục cao hơn con số 159 nghìn của năm 2023 và là năm thứ ba liên tiếp lập kỷ lục về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Nếu không tính ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vào những năm 2020-2021, thì số doanh nghiệp thành lập mới đã luôn tăng từ năm 2015 đến nay. Như vậy, tính luỹ kế kể từ năm 2000 đến hết năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 2,1 triệu doanh nghiệp.

Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm, vai trò tiên phong trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín, vị thế quốc tế của đất nước. "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp".

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân chia sẻ, năm 2024 chuẩn bị kết thúc để bước sang năm cuối của nhiệm kỳ để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Cộng đồng doanh nghiệp luôn tin tưởng 15 chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra từ đầu nhiệm kỳ sẽ đạt được; trong đó, mức tăng trưởng GDP sẽ đạt khoảng 6-6,5%.

Với mong muốn đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu này, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét xây dựng đề án cụ thể về "Thu hút nguồn vốn trong nhân dân" để phục vụ siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người dân tham gia. Chính phủ có thể "đặt đề bài" cho các doanh nghiệp tầm cỡ trong nước, bảo lãnh cho họ trực tiếp vay vốn và đàm phán với các đối tác nước ngoài (để mua công nghệ, thuê chuyên gia...). Qua đó, một mặt sẽ tiết giảm chi phí rất lớn từ việc tham gia của cơ quan Nhà nước trong tất cả các khâu, mặt khác sẽ gia tăng hiệu quả và tránh được rủi ro cho các nhà thầu...

Việt Nam hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.

Đại diện Tập đoàn TTC, bà Huỳnh Bích Ngọc kiến nghị, từ đầu năm 2024, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời và đúng đắn khi giảm thuế giá trị gia tăng, yêu cầu các ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh lãi suất cho vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, để thúc đẩy hơn nữa lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế và tạo thặng dư, đóng góp hiệu quả cho ngân sách nhà nước, cần có những chính sách "kích cầu tiêu dùng".

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch cho hay, hiện tại, VLA đang trong giai đoạn chuẩn bị cuối cùng cho Đại hội Thế giới của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Quốc tế (FWC2005). Sự kiện diễn ra tại Hà Nội từ ngày 6-10/10/2025, với chủ đề "Logistics xanh và thích ứng nhanh" đã thể hiện xu hướng phát triển của ngành logistics toàn cầu, cũng như cam kết của Việt Nam đối với một tương lai phát triển bền vững.

Chia sẻ về những việc đang và sẽ làm để tháo gỡ những khó khăn về chi phí logistics hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực, lãnh đạo VLA cho biết hiệp hội sẽ tiếp tục tham gia vào việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics tại các khu vực trọng yếu như đồng bằng Sông Cửu Long, Duyên hải Miền Trung, Tây Nguyên, và vùng biên giới phía Bắc, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt liên quan phát triển xanh, Chủ tịch VLA cho biết, hiệp hội đang tập trung vào hai dự án lớn: Phát triển bền vững (ESG) và Logistics cho nông nghiệp (AgroLog) - thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện 13 về tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Ngoài ra, hiệp hội cũng tham gia tích cực vào việc phát triển Việt Nam thành cửa ngõ và trung tâm logistics của khu vực và quốc tế, bao gồm tư vấn chính sách, đầu tư, và tổ chức vận hành các khu thương mại tự do.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục