Ngày quốc tế đa dạng sinh học 22/5: Cần thống nhất một đầu mối quản lý

14:11' - 21/05/2017
BNEWS Việt Nam là quốc gia giàu có về đa dạng sinh học, được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng của tài nguyên sinh vật.

* Tiềm năng du lịch sinh thái

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái đang trở thành ngành kinh tế đầy tiềm năng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Điều này nhờ tính đa dạng về hệ sinh thái bao gồm rừng, biển, đất ngập nước; sự phong phú và giàu có về các loài và nguồn gen sinh vật.

Quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN

Dịch vụ sinh thái - môi trường cùng hệ thống các kiến thức truyền thống và văn hóa địa phương về quản lý và sử dụng tài nguyên đã làm cho đa dạng sinh học có vai trò và giá trị vô cùng to lớn trong việc đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam, nhất là lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.

Theo dự đoán của các nhà khoa học, số loài thực vật bậc cao có mạch ở Việt Nam ít nhất là 20.000 loài, trong đó có khoảng trên 5.000 đã được nhân dân ta dùng làm nguồn lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc,…

Về hệ thống động vật, hiện đã thống kê được 310 loài thú, 870 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, trên 1.000 loài cá nước ngọt, hơn 2.000 loài cá biển và thêm vào đó là hàng chục loài động vật không xương sống ở cạn, ở biển và ở nước ngọt.

Ngoài ra Việt Nam còn có phần nội thủy và lãnh hải rộng khoảng 226.000km2, trong đó có hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rạn san hô phong phú, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động vật, thực vật có giá trị.

Năm 1994 một hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã được quy hoạch và thành lập trên toàn quốc. Đến nay, Việt Nam đã có 164 khu bảo tồn rừng đặc dụng với tổng diện tích gần 2,2 triệu ha và dự kiến đến năm 2020 sẽ nâng lên 176 khu tương đương 2,4 triệu ha.

Việt Nam đã có 8 khu Ramsar, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 2 khu di sản thế giới, 5 khu vườn di sản Asean, 63 vùng chim quan trọng được Tổ chức Bảo tồn chim thế giới công bố trên toàn cầu.

* Chồng chéo trong quản lý

​Hiện nay, quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý nhà nước về đa dạng sinh học chủ yếu dựa trên cơ sở phân chia các hệ sinh thái tự nhiên. Trong khi đó, các hệ sinh thái biển, rừng và đất ngập nước là một chỉnh thể thống nhất, không dễ phân biệt.

​Theo Luật Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm về quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước. Trong khi đó, theo quy định về chức năng nhiệm vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng.

Điều này tạo nên những bất cập như sự sai lệch về số lượng các khu bảo tồn giữa “Quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và “Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Du khách trải nghiệm đi cầu khỉ tại cù lao Thới Sơn. Ảnh: An Hiếu/TTXVN

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm đối với hệ sinh thái, các khu bảo tồn đất ngập nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý đa dạng sinh học đối với hệ sinh thái, các khu bảo tồn rừng và biển. Trong khi đó, bản thân hệ sinh thái là một chỉnh thể thống nhất và có độ tương tác rất cao, không nên chia cắt để quản lý.

Đối với công tác quản lý nguồn gen và an toàn sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là đầu mối quản lý chung. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang được giao chủ trì việc bảo tồn nguồn gen giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; Bộ Khoa học và Công nghệ được giao là đầu mối triển khai thực hiện các nhiệm vụ về quỹ gen và bản quyền tri thức truyền thống về nguồn gen.

Ngoài ra, thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn gen còn có Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Do đó, thực tế triển khai các hoạt động quản lý an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen, quản lý nguồn gen, cũng như thực hiện quản lý tiếp cận nguồn gen tại nước ta còn thiếu sự liên kết, chia sẻ, trao đổi thông tin.

Việc phân công, phân cấp, quy định trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại còn thiếu rõ ràng, chồng chéo. Vấn đề quản lý, cấp phép nhập khẩu sinh vật ngoại lai vào Việt Nam cũng chưa có sự thống nhất.

* Thống nhất về quản lý

Nghiên cứu 40 quốc gia trên thế giới cho thấy, chủ yếu có 3 mô hình quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, bao gồm quản lý phân cấp, quản lý tập trung, quản lý phi tập trung. Trong đó có 37 quốc gia quản lý đa dạng sinh học và các khu bảo tồn trong cùng 1 Bộ; 18 quốc gia phân công thống nhất cho 1 đơn vị trong bộ quản lý toàn bộ đa dạng sinh học và khu bảo tồn.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Song thực tế hiện có 2 Bộ trực tiếp tham gia quản lý là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tương ứng với mô hình quản lý phi tập trung.

Nhằm tránh nguy cơ trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, để quản lý thống nhất về đa dạng sinh học cần giao 1 Bộ đầu mối quản lý toàn bộ ở cấp quốc gia, thay vì giao quản lý theo các hệ sinh thái như hiện nay.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý nhưng đa dạng sinh học của Việt Nam vẫn đang trên đà bị suy thoái. Rừng và các hệ sinh thái sông, hồ, đầm phá, hệ sinh thái biển và ven bờ tiếp tục bị đe dọa.

Các hành vi buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã nguy cấp vẫn đang diễn ra hàng ngày. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học đang tiếp tục phải đối đầu với nhiều thách thức trong thời gian tới. Để có thể thành công trong công cuộc bảo tồn, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chính phủ cần có sự tham gia tích cực của toàn thể cộng đồng trong xã hội.

Chính vì vậy, Ngày quốc tế về đa dạng sinh học 22/5 năm 2017 với chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững” là cơ hội nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng; giúp các nhà hoạch định chính sách công và tư nhân có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học;

huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đưa du lịch trở thành chất xúc tác cho sự thay đổi tích cực trong việc bảo tồn và sử dụng dịch vụ hệ sinh thái; thúc đẩy thay đổi về chính sách, hành vi kinh doanh và tiêu dùng trong du lịch bền vững, góp phần phát triển bền vững đất nước./.

Xem thêm:

>>Hải Phòng khởi công giai đoạn 1 quần thể du lịch sinh thái Cát Bà

>>Du lịch sinh thái Tiền Giang hấp dẫn du khách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục