Nghệ An có trên 3.600 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá

10:37' - 22/04/2022
BNEWS Tại các vùng trồng sắn nguyên liệu ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An như: huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ... đã xảy ra hiện tượng sắn bị bệnh khảm lá.

Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, hiện tỉnh đã xuống giống trên 9.000 ha sắn nguyên liệu nhưng đã có đến trên 3.600 ha sắn nhiễm bệnh khảm lá.

 

Vụ sắn năm nay, gia đình chị Trần Thị Hợi (xóm 4, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn) trông cậy vào 4 sào sắn nguyên liệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn diện tích sắn của gia đình đều bị bệnh khảm lá. Không chỉ gia đình chị Hợi, nhiều hộ dân khác trong xã cũng lâm vào cảnh tương tự khiến người dân hết sức lo lắng.

Chị Trần Thị Hợi cho biết, các năm trước đây cây sắn của gia đình chị trồng không bị bệnh khảm lá như hiện nay. Song hai năm trở lại đây, khi cây sắn phát triển khoảng từ 15- 20 cm thì lá loang lổ màu vàng, các cây nặng lá bị xoắn, cây còi cọc, phát triển chậm.

Theo chị Hợi, nếu không bị bệnh, với giá sắn cao gần 2.000 đồng/kg, người trồng có thể thu lãi từ 20 – 25 triệu đồng/ha. Nhưng, với việc cây sẵn nhiễm bệnh khảm lá như hiện nay sẽ khiến người trồng thiệt hại rất lớn.

Là một trong những cây trồng chủ lực của xã Hoa Sơn, thời gian qua cây sắn đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người nông dân. Đến nay, toàn xã có hơn 170 ha trồng sắn nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện hầu hết các diện tích sắn trên địa bàn đều bị nhiễm bệnh, sản lượng giảm 30 – 40% so với cây không nhiễm bệnh, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Anh Trần Quốc Dũng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn cho biết, đến thời điểm hiện nay, do bệnh khảm lá sắn, có những hộ mất đến 80%, những hộ ít thì mất đến từ 10 -20% diện tích cây sắn nguyên liệu. Vì bệnh khảm lá do virus gây ra nên không thể cứu chữa được.

Bệnh khảm lá sắn xuất hiện tại Nghệ An từ năm 2020 với chỉ 20 ha sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh. Tuy nhiên, với tốc đố lây lan nhanh nên năm 2022 có hơn 1/3 diện tích trồng sắn nguyên liệu trên địa bàn Nghệ An bị nhiễm bệnh khảm lá. Nguyên nhân chính là do người dân trồng lại giống sắn đã nhiệm bệnh từ mùa trước. Đặc biệt, khi phát sinh bệnh trên cây sắn thì lây lan nhanh qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng.

Ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Anh Sơn cho biết, trước thực trạng bệnh khảm lá sắn xuất hiện, huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra, khảo sát các vùng trồng nguyên liệu sắn nhiễm bệnh tại các địa phương; hướng dẫn chính quyền địa phương và các hộ dân trồng sắn kịp thời nhổ bỏ, tiêu hủy sắn nhiễm bệnh.

Đồng thời, tuyên truyền, tập huấn cho người dân sớm phát hiện mầm bệnh, cách xử lý và bố trí cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ nông vụ nhà máy chế biến tinh bột sắn kiểm tra, giám sát các vùng trồng. Thời gian tới, huyện cũng phối hợp với các nhà máy để cung cấp giống sạch cho bà con nông dân, để bà con tiếp tục sản xuất.

Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An, năm 2022 tỉnh có trên 11.800 ha trồng sắn; trong đó, sắn nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy là trên 9.000 ha; năng suất bình quân đạt trên 268 tạ/ha sắn nguyên liệu. Tuy nhiên, hiện có trên 3.600 ha sắn nguyên liệu bị nhiễm bệnh khảm lá.

Ông Trịnh Thạch Lam, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An cho biết, hiện bệnh khảm lá sắn đang diễn biến phức tạp trên diện rộng.

Để xử lý bệnh khảm lá sắn, Chi cục đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp một số khó khăn như: nguồn giống sạch bệnh trên địa bàn tỉnh là rất ít bởi hầu hết các địa phương đều đã có diện tích xuất hiện bệnh khảm lá sắn. Trong khi đó, người dân chủ yếu sử dụng lại nguồn giống đã bị bệnh để trồng lại, không mua giống tại các vùng sạch, an toàn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã hướng dẫn. 

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn, với các vùng có trên 70% diện tích bị bệnh cần tiêu hủy để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, trên diện tích sắn bị nhiễm bệnh người dân vẫn thu hoạch từ 60 – 70% sản lượng nên hầu hết bà con nông dân không chủ động tiêu hủy mà vẫn để vậy để thu hoạch, vớt vát nguồn vốn đã đầu tư.

Ngoài ra, môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng ngoài gây hại trên cây sắn còn gây hại trên nhiều loại cây trồng khác nên việc phòng trừ, diệt triệt để để tránh lây lan là rất khó.

Theo ông Trịnh Thạch Lam, để hạn chế bùng phát bệnh khảm lá sắn, sau khi thu hoạch sắn, người dân cần vệ sinh, tiêu hủy sạch nguồn bệnh trên đồng ruộng; tuyệt đối không sử dụng nguồn giống tại các diện tích đã bị bệnh để trồng lại cho vụ sau. Các địa phương vùng trồng sắn cần chủ đồng tìm kiếm các nguồn giống sạch bệnh từ các địa phương chưa có diện tích nhiễm bệnh hoặc tự chọn lựa những cây chưa bị bệnh ở trên đồng ruộng để làm giống trồng lại.

Các ruộng sắn bị bệnh nặng trên 70% diện tích cần tiêu hủy, nếu còn thời vụ thì sử dụng nguồn giống sạch trồng lại, nếu đã hết thời vụ có thể chuyển sang trồng các cây màu ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên giám sát ruộng sắn để phát hiện sự gây hại của bọ phấn trắng, nếu số lượng bọ phấn nhiều phải sử dụng biện pháp hóa học để phòng trừ, hạn chế sự lây lan sang các diện tích khác.

“Thời điểm này, sắn vừa lên khỏi mặt đất từ 15-20cm, nguồn bệnh chủ yếu đang ở trong thân cây, trong các hom giống đã bị bệnh. Sắp tới, khi nắng lên, bọ phấn trắng phát triển mạnh thì chắc chắn, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sẽ tăng nhanh nếu không xử lý triệt để, kịp thời”, ông Trịnh Thạch Lam khuyến cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục