Nghề đánh bắt cá trước mối nguy biến đổi khí hậu (Phần 2)

06:00' - 23/12/2018
BNEWS Dù là ở quy mô một quốc gia hay trên toàn cầu, nghề cá và nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm và tạo thu nhập.
Nghề đánh bắt cá trước mối nguy biến đổi khí hậu. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, có khoảng 42 triệu người đang làm việc trực tiếp trong lĩnh vực này, phần lớn ở các nước đang phát triển. Bên cạnh đó là những người làm việc trong các ngành công nghiệp chế biến, tiếp thị, phân phối và các chuỗi cung ứng, với số nhân lực lên đến hàng trăm triệu người. 

Các loại thực phẩm là thủy sản có chất lượng dinh dưỡng cao, đóng góp trên 20% lượng protein bình quân mà con người nạp vào. Trong khi đó, cá cũng là thực phẩm được giao dịch rộng rãi nhất trên thế giới và là nguồn thu nhập xuất khẩu chính của nhiều nước nghèo. Chính vì vậy, vấn đề cấp bách được đưa ra hiện nay là làm thế nào để giảm thiểu tối đa tác động của biến đổi khí hậu lên nuôi trồng thủy sản.

Trước đó, hồi đầu năm 2018, FAO đã tổ chức một buổi hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia nhằm xem xét tác động của biến đổi khí hậu đối với nghề cá và nuôi trồng thủy sản. Buổi hội thảo này sau đó đã công bố một tài liệu tổng quan, xem xét các vấn đề và rủi ro liên quan, đồng thời phác thảo các phản ứng có thể của chính phủ và các nhà hoạch định chính sách để bắt đầu thích nghi, cũng như làm nổi bật trách nhiệm của ngành đánh bắt thuỷ sản trong việc giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với đại dương xanh. 

Trong đó, bên cạnh việc khuyến khích chính phủ nâng cao năng lực quản lý và chất lượng sử dụng các nguồn tài nguyên nước nhằm mục đích hạn chế hoạt động đánh bắt quá mức, gây ô nhiễm môi trường, một trong những giải pháp quan trọng nhất được nhắc đến đó là “xoá sổ” tình trạng đánh bắt cá bất hợp lý. 

FAO ước tính thế giới cần đầu tư khoảng 1 triệu USD vào dự án nhằm giúp các nước đang phát triển từ chối tiếp nhận tàu bè có dính líu đến đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU) cập bến nước mình. Dự án này, ra đời từ năm 2005, sẽ giúp các quốc gia kiểm soát các đầu cảng của mình một cách mạnh mẽ hơn, ví dụ như việc tiến hành kiểm tra tàu ngay khi dừng máy để tiếp nhiên liệu hoặc đổ cá. 

Ngoài ra, những tàu bè có liên quan đến hoạt động đánh bắt cá trái phép có thể bị từ chối quyền cập cảnh, khiến chủ sở hữu chịu thiệt hại nặng nề về tài chính. Đây là một trong những giải pháp tốt nhất nhằm ngăn chặn tình trạng nhập khẩu, trung chuyển cũng như rửa tiền cho hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp. 

Đối với những quốc gia đang phát triển, nơi sự thiếu thốn về điều kiện tài chính và chuyên môn dẫn đến tình trạng giám sát lỏng lẻo ở các cầu cảng, thường là nơi các hoạt động đánh bắt cá IUU nhắm đến. Theo Giám đốc phụ trách ngành nghề đánh bắt cá của FAO Ichiro Nomura, những quốc gia này cần được tiếp xúc với những quy trình đào tạo mới nhất, bên cạnh việc thiết lập đường dây liên lạc tốt hơn ở cấp khu vực để chia sẻ thông tin về các hiện tượng phạm tội. 

Ông Nomura đã nói rằng: “Trong một thế giới đang phát triển, đánh bắt cá đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố an ninh lương thực hộ gia đình, cải thiện dinh dưỡng và cung cấp thu nhập. Trong bối cảnh giá lương thực thế giới tăng, đi cùng và mối đe doạ ngày càng lớn đối với sự tồn tại của một số loài cá hoang dã, chúng ta tuyệt đối không thể để các hiện tượng đánh bắt cá IUU tác động đến cộng đồng”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục