Nghêu Bến Tre chết không phải do dịch bệnh

16:40' - 18/04/2018
BNEWS Hợp tác xã An Thủy, huyện Ba Tri đã xảy ra tình trạng nghêu chết rải rác trên gò cao từ ngày 20/3.
Nghêu Bến Tre chết không phải do dịch bệnh. Ảnh: TTXVN

Trước tình hình nghêu ở một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre chết trong các tháng đầu năm 2018, ngày 18/4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre tổ chức hội thảo đánh giá tình hình nuôi và thiệt hại trên nhuyễn thể (nghêu).

Hợp tác xã An Thủy, huyện Ba Tri đã xảy ra tình trạng nghêu chết rải rác trên gò cao từ ngày 20/3; hiện tượng nghêu thịt chết nhiều trên vùng cao triều được xác định vào ngày 29/3 - 1/4. Sau đó, hiện tượng chết lây sang cả nghêu trung xô, diện tích thiệt hại khoảng 200 ha; trong đó có 3 ha nghêu thịt.

Đại diện Hợp tác xã An Thủy cho biết, hợp tác xã thiệt hại 100% diện tích nghêu. Do nghêu chết nhiều nên các thương lái không đến mua nghêu của hợp tác xã. Hiện tượng nghêu chết đến nay vẫn còn diễn ra.

Ông Trần Văn Thuận - đại diện Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông, huyện Bình Đại cho hay, khi nghêu có hiện tượng chết, hợp tác xã đã chủ động san thưa bãi và bán nghêu thịt. Tuy nhiên, do lượng nghêu quá nhiều, bán không kịp dẫn đến nghêu chết nhiều. Hợp tác xã có hai khu vực nghêu, một khu vực nghêu chết trắng, khách hàng từ chối mua; một khu vực nghêu chết ít vẫn bán được cho thương lái.

Theo ông Nguyễn Văn Xoàng - Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Thạnh Lợi, huyện Thạnh Phú, một trong những nguyên nhân khiến nghêu chết là do mật độ nuôi quá dày. Năm 2017, vào thời điểm này nghêu của hợp tác xã cũng bị chết nhưng sau đó thực hiện khuyến cáo của ngành nông nghiệp, hợp tác xã đã san thưa bãi nghêu, giảm mật độ xuống còn khoảng 200 – 300 con/m2 nên năm nay không xảy ra hiện tượng nghêu chết.

Thạc sĩ Ngô Thị Ngọc Thủy - Trưởng phòng Bệnh và Môi trường, Phân viện Nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu cho biết, nguyên nhân gây nghêu chết tại Bến Tre không phải là hiện tượng bất thường hay do dịch bệnh. Vào tháng 3 - tháng 4 dương lịch hàng năm, nghêu đang trong mùa sinh sản, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố môi trường bất lợi như nhiệt độ cao, độ mặn cao, thời gian phơi bãi kéo dài, hàm lượng khí trong nước vượt bão hòa... dẫn đến nghêu sinh sản chết, lây lan sang các nghêu khác.

Cụ thể, nghêu chết đã diễn ra vào thời điểm có thời gian phơi bãi kéo dài, đặc biệt là thời gian phơi bãi vào ban ngày và nhiệt độ bãi trong thời gian này cao; hàm lượng Vibrio tổng trong nước, trong bùn cao. Các yếu tố theo dõi cũng được đưa vào phân tích, kết quả xác định chỉ có biến độ mặn, nhiệt độ trung bình của không khí và thời gian phơi bãi có liên quan đến hiện tượng nghêu chết.

Trong hầu hết các đợt chết thì nghêu thịt cỡ lớn có tỷ lệ thành thục sinh dục cao chết trước; nghêu trung, nghêu giống chết sau và tỷ lệ của nghêu thịt cao nhất. Nghêu chết thường xuất hiện đầu tiên ở vùng cao triều, đặc biệt ở vùng gò cao hoặc vùng trũng, vùng nước ứ, các vùng khác hiện tượng chết đến sau.

Nghêu chết không thể hiện các dấu hiệu bệnh lý đặc trưng mà thể hiện các dấu hiệu của nghêu yếu: nổi bãi, gầy, ngậm cát, thịt chuyển màu nâu vàng.

Thạc sĩ Ngô Thị Ngọc Thủy cũng nhận định, tình hình nghêu chết thường xảy ra vào mùa nắng nóng từ tháng 1 - tháng 3 âm lịch hằng năm. Vì vậy, để tránh rủi ro, các vùng nuôi nghêu nên thu hoạch nghêu đạt kích cỡ thương phẩm trước tháng 1 âm lịch hàng năm.

Khi nghêu chưa đạt kích cỡ thương phẩm nên được san thưa phòng thiệt hại đặc biệt ở những bãi nuôi nghêu có thời gian phơi bãi quá 6 giờ/ngày, cần san thưa mật độ trong những ngày nắng nóng để nghêu có điều kiện chui xuống sâu, nếu mật độ quá dày nghêu bệnh chồng lên nhau, những con ở trên dễ bị sốc nhiệt độ (nghêu gần đạt kích cỡ thương phẩm 80 - 200 con/kg thì mật độ cần nhỏ hơn 300 con/m2).

Trước mùa nghêu thường chết, nên di chuyển nghêu thương phẩm xuống vùng hạ triều không nuôi vùng cao triều để tránh bãi nghêu bị phơi nắng trong thời gian dài.

Ngoài ra, khi nghêu nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc chết phải báo ngay cho các ngành chức năng để có thể phát hiện các nguyên nhân hay tác nhân gây bệnh ở giai đoạn sớm nhất nhằm đưa ra các biện pháp kịp thời, giảm thiểu tổn thất; đồng thời, vệ sinh bãi nghêu, thu gom xác nghêu chết đưa ra khỏi khu vực nuôi ngay sau khi phát hiện nghêu chết càng nhanh càng tốt nhằm hạn chế việc ô nhiễm môi trường làm tình hình nghêu chết trầm trọng hơn; tạm thời dừng thả nuôi cho đến khi xử lý xong nguyên nhân gây chết nghêu và các chỉ tiêu môi trường trở lại ngưỡng cho phép; không vận chuyển nghêu bệnh ở vùng nuôi này sang vùng nuôi khác để hạn chế sự lây lan bệnh và những rủi ro trong những vụ nuôi tiếp theo.

Tỉnh Bến Tre hiện có 7 hợp tác xã thủy sản nuôi nghêu, tập trung ở 3 huyện biển là Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri. Đầu năm 2018, nghêu ở các hợp tác chết rải rác xảy ra khoảng giữa tháng 3, đầu tháng 4. Diện tích thiệt hại khoảng 282 ha, xảy ra ở các Hợp tác xã An Thủy, Tân Thủy (huyện Ba Tri) và Hợp tác xã Thủy sản Rạng Đông (huyện Bình Đại).

Theo ông Phan Trung Nghĩa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre, hiện tượng nghêu ở Bến Tre chết hàng loạt vào mùa khô diễn ra từ năm 2015 đến nay.

Nguyên nhân dẫn đến nghêu chết không phải do dịch bệnh mà do yếu tố bất thường của thời tiết, môi trường; do nghêu đang trong mùa sinh sản gặp yếu tố bất lợi của môi trường như nhiệt độ tăng đột ngột, độ mặn cao.

Vì vậy, những năm tiếp theo để giảm hiện tượng nghêu chết vào mùa khô, các hợp tác xã nên tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thực hiện các biện pháp san thưa, chuyển nghêu ở bãi cạn xuống các bãi sâu, vệ sinh bãi nghêu thường xuyên, nhằm giảm thiểu các tác động của ngoại cảnh đến nghêu; đồng thời theo dõi giám sát môi trường thường xuyên để có biện pháp kỹ thuật kịp thời tránh sốc cho nghêu./.

>>>Công bố chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” cho dừa tươi uống nước xiêm xanh và bưởi da xanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục