Nghị định 67: Tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi, bám biển

15:16' - 05/11/2020
BNEWS Hiện một số địa phương vẫn ghi nhận khó khăn, vướng mắc xung quanh việc đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67. Ngày 5/11, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với các đại biểu Quốc hội.

Sau 6 năm thực Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67), thực tế tại một số địa phương vẫn ghi nhận tình trạng nhiều tàu đóng mới, nâng cấp theo nghị định này hoạt động không hiệu quả, thua lỗ, có những tàu “đắp chiếu nằm bờ”. Về phía tổ chức tín dụng cho vay đóng mới tàu, nâng cấp tàu, nợ xấu cũng có chiều hướng gia tăng. 

Xung quanh nội dung này, ngày 5/11, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với các đại biểu bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.

*Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam): Cần cơ chế để chuyển đổi chủ sở hữu

 

Tại Quảng Nam, qua thực tiễn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chúng tôi cũng thấy rằng, một trong những nguồn dẫn đến nợ xấu rất lớn xuất phát từ việc thực hiện Nghị định 67. 

Theo đó, vướng mắc, bất cập khi các tổ chức tín dụng cho vay đóng tàu, cụ thể là tàu vỏ thép thì chủ tàu được vay vốn đến 90-95% tổng giá trị đầu tư đóng mới và dùng chính con tàu này làm tài sản thế chấp.

Trong lúc đó, tàu vỏ thép khi đóng mới thì đảm bảo nhiều yếu tố, nhưng ngư dân chưa quen với việc sử dụng con tàu này. Đồng thời, việc vận hành những con tàu này rất tốn nhiên liệu nên khi ra khơi cũng khó khăn. 

Vậy nên, chúng ta cần phải có cơ chế hỗ trợ cho ngư dân cải hoán tàu để phù hợp với chuyên môn, khả năng ra khơi, cũng như truyền thống, thói quen với nghề làm biển. Đối với tàu vỏ gỗ, tàu vỏ composite thì rất hiệu quả, nhưng tàu vỏ thép thì tôi thấy cần phải có cơ chế riêng.

Thứ hai là, cần ưu tiên cho các chủ tàu thanh toán theo biểu khấu hao. Thời gian qua, chúng ta không thể ưu tiên thanh toán cho các tổ chức tín dụng trước, bởi thực tế luôn phát sinh các khoản thu thuế, cho nên phải ưu tiên cho thu thuế trước. Vì vậy, chúng ta phải tính toán và hướng dẫn lại nội dung này.

Thứ ba là, cần cơ chế cho việc chuyển đổi sở hữu những con tàu này. Nghĩa là khi chuyển chủ sở hữu, chủ mới chỉ nhận phần nợ theo giá trị còn lại của con tàu. Phần thế chấp còn lại thì chủ cũ phải thế chấp bằng tài sản khác để đảm bảo cơ chế trong chuyển chủ sở hữu. 

Hiện, khi chuyển đổi chủ sở hữu, giá trị con tàu thế chấp cho ngân hàng có khi chỉ còn từ 30-40% so với 90-95% ban đầu, nên chủ mới không thể nào nhận toàn bộ nợ vay trong ngân hàng. Vậy là, chủ cũ muốn chuyển đổi chủ sở hữu nhưng không chuyển được nợ. 

 

*Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Đoàn Bình Thuận): Cảnh báo nguy cơ nợ xấu gia tăng

Bình Thuận là tỉnh trọng điểm về nghề cá của cả nước, cũng là địa phương sớm thực hiện Nghị định 67 từ khâu tuyên truyền đến giải ngân của ngân hàng. Nhờ thực hiện Nghị định 67, Bình Thuận đã cơ bản thực hiện việc tái cơ cấu nghề cá gắn với khai thác và phục vụ hậu cần. 

 

Song, việc phát triển nghề cá vẫn còn một số khó khăn, như: ngư trường thu hẹp, ứng dụng khoa học - công nghệ trong khai thác chưa đồng bộ nên năng suất hiệu quả chưa cao. Việc này khiến cho hiệu quả hoạt động của các tàu đóng mới, nâng cấp theo Nghị định 67 chưa hiệu quả, thậm chí còn tình trạng thua lỗ, chủ tàu không trả được nợ vay.

Cùng với đó, chủ tàu, ngư dân đang gặp vướng mắc về chính sách hỗ trợ bảo hiểm giảm. Đơn cử, trước đây theo Nghị định 67, tàu hậu cần nghề cá được hưởng bảo hiểm mọi rủi ro từ thân tàu, trang thiết bị, ngư lưới cụ đến 70-90%, thì từ năm 2018 khi có Nghị định số 17/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 2/2/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, thì mức bảo hiểm giảm xuống còn khoảng 50%. 

Lúc này, các tổ chức bảo hiểm không dám bán bảo hiểm cho những con tàu này, rủi ro mất trắng là rất lớn. Nhiều chủ tàu không mua được bảo hiểm, tàu lại “đắp chiếu nằm bờ”. Đây cũng là thách thức, nếu không đánh giá kỹ có thể dẫn tới nợ xấu. 

Theo Báo cáo của Chính phủ việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khoá XIV về lĩnh vực ngân hàng, nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67 hiện là 38,83%, trước đó năm 2019 khoảng 33%, năm 2018 khoảng 17%.

Tôi nghĩ, cần sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho chủ tàu, ngư dân. Theo đó, có thể giữ mức bảo hiểm như Nghị định 67, thay vì Nghị định 17, hoặc nới lỏng mức bảo hiểm, từ đó nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Song song đó, giảm áp lực nợ xấu cho các tổ chức tín dụng từ Nghị định 67./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục