Nghị định mới về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ

06:30' - 21/01/2017
BNEWS Theo Nghị định về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ vừa được ban hành, bảo lãnh chính phủ được thực hiện dưới hình thức thư bảo lãnh, hợp đồng bảo lãnh hoặc văn bản bảo lãnh (Thư bảo lãnh).
Chính phủ chỉ cấp Thư bảo lãnh, không cấp Thư tái bảo lãnh. 

Đối tượng được cấp bảo lãnh chính phủ thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật quản lý nợ công và đáp ứng các quy định cụ thể được nêu tại Nghị định này. 

*Điều kiện cấp bảo lãnh chính phủ 

Nghị định quy định rõ đối với chương trình, dự án đầu tư, người vay, chủ thể phát hành trái phiếu được cấp bảo lãnh chính phủ khi: là tổ chức tín dụng được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam; có khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được sử dụng để thực hiện chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước, phù hợp với điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng đó; đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh chính phủ. Nghị định nêu rõ, tổ chức tín dụng phải đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt. 

*Mức bảo lãnh 

Theo Nghị định, mức bảo lãnh chính phủ đối với trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu cho chương trình, dự án đầu tư không vượt quá 70% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án. Mức bảo lãnh chính phủ được áp dụng đối với từng chương trình, dự án cụ thể theo quy định của Luật đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014 và Luật đầu tư công số 49/2014/QH13 ngày 18/6/2014. 

Cụ thể, đối với dự án được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc dự án thuộc diện phải triển khai cấp bách, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 70% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư. 

Đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 60% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư. Đối với dự án khác, mức bảo lãnh là trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu tối đa 50% tổng mức đầu tư theo Quyết định đầu tư./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục