Quan hệ "mờ ám" giữa Tập đoàn Bombardier và Chính phủ Nga

07:01' - 20/01/2017
BNEWS Tập đoàn Bombardier thừa nhận từng vận động chính phủ liên bang tiền nhiệm không áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trong năm 2014 do lo ngại có những ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động kinh doanh.
Tập đoàn Bombardier Canada. Ảnh: Reuters

Sau khi đăng loạt bài về hoạt động gây quỹ nhiều tranh cãi của đảng Tự do cầm quyền tại Canada, tờ "The Globe and Mail" tiếp tục cho điều tra về mối quan hệ "mờ ám" giữa Tập đoàn Bombardier (Bombardier Inc.) của Canada và Chính phủ Nga.

Trong thư gửi "The Globe" (tên gọi tắt của The Globe and Mail), Bombardier Inc giải thích họ đã rất lo lắng trước việc có thể để lọt cơ hội vào tay các nhà sản xuất châu Á và châu Âu nếu Chính phủ Canada quyết định trừng phạt Tổng thống Nga Vladimir Putin và các đồng minh của ông vì đã "thôn tính" bán đảo Crimea.

Trước đó, vào tháng 3/2014, Mỹ đã áp lệnh trừng phạt đối với nhiều cá nhân thân cận với Điện Kremlin, trong đó có Giám đốc Cơ quan Đường sắt quốc gia (Russia Railways) Vladimir Yakunin, một khách hàng lớn và là đối tác làm ăn quan trọng của Bombardier Inc.

Chính phủ Canada khi đó cũng đã nhanh chóng "theo chân" Mỹ, áp đặt trừng phạt kinh tế đối với 32 công dân Nga dưới hình thức cấm du lịch Canada và đóng băng tài sản của họ tại nước này.

Tuy nhiên, ông Yakunin không có tên trong danh sách đó cho dù được coi là "thân tín" của ông Putin và là một trong những đối tượng chính trong danh sách trừng phạt của Mỹ.

Lý giải trong thư gửi "The Globe", Phó Giám đốc phụ trách truyền thông và quan hệ công chúng của Bombardier, Mike Nadolski, viết: "Cũng giống như nhiều công ty khác, chúng tôi đã thông báo cho Chính phủ Canada về các khoản đầu tư của Tập đoàn Bombardier và những lợi ích của chúng tôi ở Nga khi chính phủ đang xem xét áp đặt các lệnh trừng phạt.

Mối quan ngại chính của chúng tôi là giữ cho công việc kinh doanh đường sắt của mình sẽ không bị đặt vào thế cạnh tranh bất lợi trước các đối thủ quốc tế".

Ông Nadolsk cũng nêu rõ là một số nước có các đối thủ cạnh tranh với Tập đoàn Bombardier đã không áp lệnh trừng phạt đối với người đứng đầu ngành đường sắt Nga. "Các đối thủ cạnh tranh với chúng tôi không phải từ Mỹ, mà từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và châu Âu.

Việc đưa thêm ông Yakunin vào danh sách trừng phạt của Canada chỉ đơn phương gây tổn hại cho chính doanh nghiệp Canada", ông này nói thêm.

Theo luật pháp Canada, những cá nhân có tên trong danh sách trừng phạt không chỉ bị cấm du lịch đến Canada mà còn không được liên doanh với công dân Canada.

Ví dụ, công dân Canada không được hợp tác sản xuất sản phẩm với những cá nhân trong diện trừng phạt, cũng như không được cung cấp tài chính hay các dịch vụ liên quan cho các cá nhân hay phục vụ lợi ích của các cá nhân này.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ trong trường hợp của ông Yakunin, nếu như cá nhân ông này bị đưa vào danh sách trừng phạt thì có khiến Tập đoàn Bombardier phải ngừng mọi hoạt động kinh doanh với Russia Railways hay không.

Hiện Canada đang áp dụng lệnh trừng phạt đối với hơn 100 cá nhân và 30 thực thể của Nga, tăng gấp 4 lần so với danh sách ban đầu, nhưng vẫn không có tên ông Yakunin.

Trong khi đó, bản thân ông Yakunin đã từ chức giám đốc Russia Railways từ năm 2015 sau những cáo buộc tham nhũng.

Những thông tin trên được công bố sau khi "The Globe" đăng bài điều tra hôm 17/12 về doanh số bán thiết bị đường sắt của Tập đoàn Bombardier sang thị trường Nga giai đoạn 2011-2016.

Kết quả điều tra cho thấy Bombardier Inc. đã tiến hành các giao dịch thông qua Công ty Multiserv Overseas Ltd. vốn có mối liên hệ thân thiết với các đồng minh của ông Yakunin và một loạt "công ty ma" được thành lập tại các thiên đường thuế ở nước ngoài như Belize và Panama.

Tuy nhiên, “The Globe” chưa tìm ra bất cứ bằng chứng xác thực nào về những hành vi vi phạm pháp luật của Tập đoàn Bombardier.

Về phần mình, Bombardier Inc. bác bỏ cáo buộc là gây ảnh hưởng lên Chính phủ Canada về danh sách những người bị trừng phạt cũng như việc loại trừ ông Yakunin ra khỏi danh sách này.

Một nguồn tin thân cận với chính phủ Bảo thủ tiền nhiệm Stephen Harper nói với The Globe rằng: "đã có một số vận động hành lang" của Tập đoàn Bombardier trong vấn đề trừng phạt nhưng áp lực đó được thực hiện khá kín kẽ và thận trọng.

Trong thư gửi The Globe, Bombardier Inc. thừa nhận có làm ăn với các văn phòng ở nước ngoài của Multiserv nhưng hoàn toàn là việc làm hợp pháp.

Phóng viên của “The Globe” đã tới các văn phòng của Multiserv ở Cộng hòa Cyprus, Nga và Anh nhưng không lần được thêm manh mối.

Gần đây, Bombardier Inc. đang đối mặt với một loạt khó khăn sau khi mở rộng chương trình sản xuất máy bay phản lực thương mại.

Hiện tập đoàn này đang tìm kiếm các nguồn trợ giúp tài chính từ Chính phủ liên bang Canada cũng như Chính quyền tỉnh British Columbia nhằm quay vòng kinh doanh.

Trong tuyên bố hồi đầu tháng 12 này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau bày tỏ hy vọng Chính phủ Tự do sẽ chính thức loan báo khoản trợ giúp 1 tỷ đô la Canada (CAD) cho Bombardier Inc. trước khi công bố ngân sách liên bang 2017 vào tháng 3 tới.

Theo người phát ngôn của Bộ trưởng Phát triển Kinh tế liên bang Canada, ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Trudeau là phải bảo đảm tạo ra công việc chất lượng cao, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển và giữ trụ sở chính của Bombardier Inc. ở lại Canada.

"Mọi hành động của chính phủ liên quan đến Bombardier Inc. cũng chỉ hướng đến lợi ích và sự tôn trọng đối với người dân và ngành sản xuất này"./.

>>>Tập đoàn Bombardier ký hợp đồng “khủng” với Delta Air Lines

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục