Nghị quyết 68/NQ-CP: Hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp

15:38' - 30/07/2021
BNEWS Với các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn này, theo các doanh nghiệp chính sách hỗ trợ thiết thực nhất được các ngân hàng giãn nợ để có thời gian vượt qua khó khăn, có điều kiện để phục hồi.

Ông Lê Xuân Long, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Thanh Hóa cho biết, Chính phủ triển khai gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.Doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp kinh doanh vận tải nói riêng rất mong được tiếp cận gói hỗ trợ của Chính phủ với hy vọng sẽ là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp đang trên đà phá sản.

Vì vậy, ngành chức năng nên có những đánh giá khách quan, thực tế về thiệt hại của các đơn vị vận tải để có những hỗ trợ thiết thực, hỗ trợ doanh nghiệp khỏi cơn nguy khó này.

Theo ông Lê Xuân Long, dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua khiến cho ngành vận tải thiệt hại nặng nề, phương tiện buộc phải ngừng hoạt động.

Thời gian tới, các cơ quan chức năng có chính sách cơ cấu lại vốn vay, vốn nợ của các doanh nghiệp vận tải để không bị nhảy nhóm nợ, tránh nợ xấu; hỗ trợ cho doanh nghiệp giãn nợ bảo hiểm đến tháng 12/2021.

Về phía các ngân hàng cho vay các gói chính sách với lãi suất đặc biệt để các đơn vị vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh.

Tại Thanh Hoá, hiện nay nhiều tuyến vận tải hành khách liên tỉnh liên tục phải dừng khai thác để phòng, chống dịch COVID-19. Điều này khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn, thu không đủ chi, phải bù lỗ.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ vận tải và Du lịch Bình Hoài tại xã Hợp Thắng, huyện Triệu Sơn có 17 xe limousine chạy tuyến cố định Triệu Sơn - Hà Nội. Trước đây, khi dịch bệnh chưa xuất hiện, hàng ngày, doanh nghiệp khai thác từ 8 - 10 chuyến Triệu Sơn - Hà Nội và ngược lại.

Với lượng khách tương đối đều, doanh nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động với mức thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện, lượng khách đi Hà Nội giảm mạnh. Bên cạnh đó, mỗi đợt dịch bùng phát, doanh nghiệp buộc phải dừng khai thác ít nhất 14 ngày để phòng, chống dịch khiến các xe phải "đắp chiếu" tại gara, lao động mất việc làm.

Bà Trịnh Thị Bình, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại dịch vụ vận tải và Du lịch Bình Hoài chia sẻ: “Để thành lập doanh nghiệp, chúng tôi đã phải vay ngân hàng số tiền lớn. Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, không biết phải xoay sở như thế nào với khoản lãi hàng tháng đến hạn phải trả. Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp về vốn, cắt giảm thuế, gia hạn, giãn nợ... để có thời gian xoay sở vượt qua thời điểm khó khăn này”.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải hành khách và Thương mại du lịch Hải Định tại xã Thọ Vực, huyện Triệu Sơn hiện có 18 xe khách chạy các tuyến đường dài Triệu Sơn - Bình Dương - Bình Phước; Triệu Sơn - Quảng Ninh - Móng Cái; Triệu Sơn đi các tỉnh miền núi phía Bắc… Bình thường, mỗi ngày doanh nghiệp có 2 - 3 chuyến/tuyến với lượng khách đều và ổn định.

Theo bà Trần Thị Hải, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải hành khách và Thương mại du lịch Hải Định, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, toàn bộ 18 xe của doanh nghiệp đã dừng hoạt động. Công ty có 94 lao động, đến nay chỉ giữ lại 6 lao động, gồm: kế toán, thợ sơn, thợ bảo dưỡng, sửa chữa xe.

Xe dừng nhưng các khoản lãi ngân hàng và chi phí vẫn phát sinh, doanh nghiệp phải trả một tháng không dưới 100 triệu để duy trì chờ hoạt động trở lại.

Thực tế, chỉ vài ngày sẽ đến kỳ đáo hạn ngân hàng với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Trước tình hình này, doanh nghiệp hiện không biết phải xoay sở như thế nào.

"Với các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn khó khăn này, chính sách hỗ trợ thiết thực nhất được các ngân hàng giãn nợ để có thời gian vượt qua khó khăn, có điều kiện để phục hồi”, bà Trần Thị Hải mong muốn.

Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 750 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô với gần 5.000 phương tiện; trong đó, có 75 đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định với 685 xe, 700 tuyến vận tải hành khách nội tỉnh, liên tỉnh.

Dù có thời điểm được khai thác trở lại thì lượng khách đi tuyến vận tải hành khách liên tỉnh giảm hẳn do người dân hạn chế đi lại, đi du lịch; học sinh sinh viên học online tại nhà nên cũng mất một lượng khách lớn được xem là tiềm năng của doanh nghiệp.

Nhiều hành khách với tâm lý e ngại dịch bệnh nên đi xe gia đình hoặc thuê taxi nên có nhiều chuyến xe chạy không đủ tiền chi phí./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục