Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ
QUỐC HỘI CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Nghị quyết số: 45/2022/QH15 Độc lập - Tự do - Hạnh phúc NGHỊ QUYẾT Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ QUỐC HỘI Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14; Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14; QUYẾT NGHỊ: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với thành phố Cần Thơ (sau đây gọi là Thành phố) về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ. Điều 2. Đối tượng áp dụng 1. Cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị - xã hội. 2. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Điều 3. Quản lý tài chính, ngân sách nhà nước 1. Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho Thành phố vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. 2. Hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% quy định tại các điểm b, c, d, g, h, i, và q khoản 1 Điều 35 của Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhưng không vượt quá tổng số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu. 3. Thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố như sau: a) Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định áp dụng phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án; b) Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại điểm a khoản này để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố; c) Việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn Thành phố quy định tại điểm a khoản này phải tuân thủ các nguyên tắc: bảo đảm có lộ trình, phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển của Thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư; không gây ra tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với một số hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước. Điều 4. Quản lý đất đai 1. Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Việc ủy quyền phải quy định rõ trách nhiệm của người ủy quyền và cơ quan được ủy quyền, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh tiêu cực, thất thoát, lãng phí. 2. Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa quy định tại khoản 1 Điều này phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. 3. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố quy định tại khoản 1 Điều này do Thủ tướng Chính phủ quy định. Điều 5. Quản lý quy hoạch Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Điều 6. Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể do Thành phố quản lý theo hiệu quả công việc với mức không quá 0,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ hoặc mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo. Mức thu nhập cho các chuyên gia, nhà khoa học, những trí thức có trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cao của Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định. Việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm quy định tại Điều này chỉ được thực hiện khi Thành phố tự cân đối được ngân sách. Điều 7. Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An -Cần Thơ 1. Các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An -Cần Thơ theo phương thức xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện: bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có trọng tải từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của Thành phố và có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư sau đây: a)Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An – Cần Thơ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; b)Miễn tiền thuê đất trong 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất cho thời gian còn lại đối với diện tích đất được thuê để đổ chất nạo vét của dự án. 2. Việc thực hiện các dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều 8. Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ 1. Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ(sau đây gọi là Trung tâm) là khu vực có ranh giới địa lý xác định được Thủ tướng Chính phủ thành lập phù hợp với các quy hoạch có liên quan, để thu hút dự án đầu tư trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông sản, thủy sản. Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm. 2. Doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Trung tâm khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây: a) Tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế trong 02 năm liên tục; b) Thực hiện thủ tục hải quan điện tử, thủ tục thuế điện tử; có chương trình công nghệ thông tin quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp nối mạng với cơ quan hải quan; c) Thực hiện thanh toán qua ngân hàng; d) Có hệ thống kiểm soát nội bộ; đ) Chấp hành tốt quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán. 3. Dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng hình thức ưu đãi đầu tư sau đây: a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư tại Trung tâm được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. b) Miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản tối đa không quá 03 năm kể từ ngày có quyết định cho thuê đất; sau thời gian miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản, được miễn tiền thuê đất 15 năm và giảm 50% tiền thuê đất trong 07 năm tiếp theo. Điều 9. Tổ chức thực hiện 1. Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này; sơ kết 03 năm việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2024; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2026. 2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này. Điều 10. Điều khoản thi hành 1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01tháng 03 năm 2022và được thực hiện trong 05 năm. 2. Các dự án quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết này được ký kết hợp đồng triển khai dự án trong thời gian Nghị quyết này có hiệu thi hành, được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này cho đến hết thời gian thực hiện dự án; các doanh nghiệp thực hiện các dự án này cần thực hiện đúng cam kết hợp đồng theo quy định pháp luật và không được chuyển nhượng dự án. Trường hợp dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ đã được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này, quá trình thực hiện không đáp ứng các điều kiện hoặc không tiếp tục triển khai phương thức xã hội hóa quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị quyết này thì không tiếp tục được hưởng ưu đãi theo quy định tại Điều 7 của Nghị quyết này. Các dự án đầu tư quy định tại Điều 8 của Nghị quyết này được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian Nghị quyết này có hiệu lực thi hành được hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 8 của Nghị quyết này. 3. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn Nghị quyết này thì việc áp dụng do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định./.
- Từ khóa :
- Nghị quyết
- thí điểm cơ chế
- chính sách đặc thù
- Cần Thơ
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Nhiều dự án kéo nguồn thu rất lớn về cho Cần Thơ
20:43' - 12/01/2022
Nếu quy hoạch dầu khí lô B – Ô Môn năm 2022 cùng 4 dự án nhà máy nhiệt điện ở Trung tâm Điện lực Ô Môn với tổng mức đầu tư khoảng 10 tỷ USD sẽ kéo theo nguồn thu rất lớn cho ngân sách cho Cần Thơ.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần Thơ thực hiện 8 dự án giao thông trọng điểm
22:08' - 07/01/2022
Đây là các dự án có vốn đầu tư lớn, khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối nội tỉnh của Cần Thơ và của Cần Thơ với các địa phương trong vùng.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Thị trường nông sản: Xuất khẩu gạo đã vượt 8 triệu tấn
17:25' - 24/11/2024
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.
-
Kinh tế Việt Nam
Tổng thống Bulgaria đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
16:21' - 24/11/2024
Đây là chuyến thăm đầu tiên sau 11 năm của Tổng thống Bulgaria và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông Rumen Radev trên cương vị Tổng thống.
-
Kinh tế Việt Nam
Phối hợp giải đáp những vướng mắc về chính sách sản xuất nông nghiệp
13:26' - 24/11/2024
Ngày 24/11, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói”.
-
Kinh tế Việt Nam
Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49%
12:44' - 24/11/2024
Trong 11 tháng năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Kiên Giang tăng 11,49% so cùng kỳ, đạt 94,3% kế hoạch năm với hơn 51.343 tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư phát triển hệ thống cảng biển
10:55' - 24/11/2024
Nhằm tạo đột phá, phát huy lợi thế cạnh tranh khác biệt, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Long An quyết tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới
10:06' - 24/11/2024
Trong giai đoạn phát triển mới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát huy các lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hiện thực mục tiêu vươn mình trong kỷ nguyên mới.
-
Kinh tế Việt Nam
Triển vọng ngành bán dẫn nơi “thủ phủ” công nghiệp
08:50' - 24/11/2024
Thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) theo hướng ít đất, ít sử dụng lao động nhưng hiệu quả kinh tế và công nghệ cao, tỉnh Bắc Ninh đang hội tụ các yếu tố để phát triển ngành bán dẫn.
-
Kinh tế Việt Nam
Hoàn thiện các tiêu chí để đưa Phú Mỹ lên quy mô thành phố
21:04' - 23/11/2024
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Việt Hùng đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chú trọng quan tâm khắc phục những tiêu chí còn thiếu, đặc biệt là về phục vụ dân sinh đô thị.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước
19:21' - 23/11/2024
Một số đại biểu cho rằng cần làm rõ các khái niệm, phạm vi điều chỉnh, chính sách cần thể hiện, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các doanh nghiệp Nhà nước.