Nghị sĩ Mỹ đẩy nhanh thảo luận về gói giải cứu kinh tế hơn 1.000 tỷ USD

16:36' - 22/03/2020
BNEWS Kế hoạch của ông McConnell nhằm mục đích hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và cả ngành y tế vốn đang phải chuẩn bị cho đợt bùng nổ số bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian tới.
Lãnh đạo Thượng viện, ông Mitch McConnell ngày 21/3 cho biết đảng Cộng hòa và Dân chủ đang nỗ lực thỏa thuận về kế hoạch giải cứu kinh tế ước tính trị giá hơn 1.000 tỷ USD, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp COVID-19 tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế Mỹ.

Dự luật “McConnell CARES”

Theo đó, trước Thượng viện, ông McConnell đã đưa ra dự thảo kế hoạch có tên gọi “McConnell CARES” dài 247 trang của mình. Kế hoạch này đề xuất sẽ cấp trực tiếp 1.200 USD cho mỗi người dân Mỹ, 300 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ để duy trì lực lượng nhân công nhàn rỗi, cùng khoản vay 208 tỷ USD cho các hãng hàng không và các ngành công nghiệp khác.

Kế hoạch của ông McConnell nhằm mục đích hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và cả ngành y tế vốn đang phải chuẩn bị cho đợt bùng nổ số bệnh nhân mắc COVID-19 trong thời gian tới.

Cụ thể, khoản trợ cấp một lần trị giá 1.200 USD sẽ được gửi cho các cá nhân, đồng nghĩa mỗi cặp vợ chồng sẽ nhận được 2.400 USD. Số tiền trên sẽ giảm dần cho những người có ngưỡng thu nhập từ 75.000 USD cho các cá nhân và 150.000 USD cho mỗi cặp vợ chồng. Ngoài ra, mỗi trẻ em sẽ được nhận thêm 500 USD.

Ngoài ra, kế hoạch của ông McConnell sẽ cung cấp khoảng 300 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ. Các khoản vay này về sau cũng sẽ được miễn trừ cho các chủ sử dụng lao động cần chúng để đáp ứng chi phí tiền lương.

Để củng cố các ngành công nghiệp, kế hoạch của ông McConnell sẽ cung cấp khoản vay và bảo lãnh khoản vay trị giá 208 tỷ USD cho nhiều lĩnh vực đang gặp khó khăn. Trong đó bao gồm 50 tỷ USD cho các hãng hàng không thương mại, 8 tỷ USD cho các hãng hàng không chuyên chở hàng và 150 tỷ USD cho các doanh nghiệp đủ điều kiện khác. Song những khoản vay này sẽ phải được hoàn trả.

Các doanh nghiệp cũng sẽ được phép trì hoãn việc thanh toán khoản thuế 6,2% thu nhập từ lương của chủ sử dụng lao động.

Ở cấp độ người tiêu dùng, kế hoạch sẽ luật hóa yêu cầu các công ty bảo hiểm cam kết rằng việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sẽ được miễn phí cho các khách hàng. Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu bảo hiểm chi trả hoàn toàn cho vắc-xin phòng bệnh cho mọi bệnh nhân.

Đối với ngành chăm sóc sức khỏe, dự luật sẽ thiết lập một khoản thanh toán mới thuộc chương trình Medicare để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Kế hoạch sẽ đình chỉ việc cắt giảm 2% khoản thanh toán của chương trình Medicare cho các nhà cung cấp dịch vụ, vốn từng được đưa ra trong ngân sách trước đó, cho tới cuối năm nay.

Hành động nhanh chóng

Trước Thượng viện, ông McConnell kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần phải có hành động mạnh mẽ và càng sớm càng tốt. Dự kiến các cuộc đàm phán giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc sẽ kéo dài xuyên cuối tuần này để nhanh chóng xây dựng một trong những dự thảo lập pháp khẩn cấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Ông McConnell dự kiến kế hoạch sẽ được bỏ phiếu vào 15 giờ Chủ Nhật 22/3 theo giờ địa phương (tức 2 giờ sáng ngày 23/3 theo giờ Việt Nam). Nếu thuận lợi, cuộc bỏ phiếu cuối cùng tại Thượng viện sẽ diễn ra vào thứ Hai tuần tới (23/3). Dự luật sau đó sẽ phải được Hạ viện phê chuẩn trước khi được gửi tới Tổng thống Trump ký thành luật.

Trong một tuyên bố chung, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết họ muốn được hợp tác với những nghị sĩ Cộng hòa để nhanh chóng đảm bảo quyền lợi cho người dân Mỹ sớm nhất có thể.

Song giới quan sát nhận định các cuộc đàm phán chắc chắn sẽ còn gặp khó khăn, bất chấp áp lực buộc Washington phải hành động. Một vấn đề vẫn cần hai bên bàn thảo thêm là cách tốt nhất để gửi khoản tiền hỗ trợ trực tiếp cho dân người Mỹ.

Phía đảng Dân chủ đề xuất đẩy thêm tiền vào hệ thống bảo hiểm thất nghiệp hiện có, trong khi đó một số thượng nghị sĩ Cộng hòa lại không muốn việc thanh toán chỉ một lần. Họ muốn sử dụng các khoản từ quỹ liên bang để duy trì trả lương cho những người lao động đang phải ở nhà vì dịch bệnh thay vì chỉ đưa ra một tấm chi phiếu.

Các quan chức Nhà Trắng cho biết tổng giá trị của dự luật có thể đạt 1.400 tỷ USD, qua đó đưa tổng giá trị tất cả các biện pháp cứu trợ kinh tế được Chính phủ liên bang công bố lên tới 2.000 tỷ USD. Con số trên tương đương 10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Mỹ.

Tính tới hiện tại, Chính phủ Mỹ đã đưa ra hai dự luật nhằm đối phó với dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ 2 trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 miễn phí và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng./.

>>>Ngành hàng không Mỹ cảnh báo “khủng hoảng” nếu không được hỗ trợ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục