Nghiên cứu ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn

20:06' - 29/05/2024
BNEWS Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn, trong đó tập trung năng lượng tái tạo...
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; và nhiều nội dung quan trọng khác.

Cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có phát biểu giải trình làm rõ một số nội dung mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Phó Thủ tướng ghi nhận ý kiến các đại biểu Quốc hội đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến đất đai, biến đổi khí hậu, năng lượng, vật liệu xây dựng và nhiều vấn đề kinh tế - xã hội khác.

 
Phó Thủ tướng đã báo cáo làm rõ thêm với các đại biểu Quốc hội về những công việc, giải pháp mà Chính phủ đang và sẽ làm, cũng như những kiến nghị với Quốc hội.

Về ứng phó với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, từ Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” cho đến Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và đã được điều chỉnh sau khi chúng ta tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm liên quan đến thích ứng biến đối khí hậu cũng như các nội dung liên quan đến vấn đề giảm phát thải khí nhà kính và các giải pháp, chiến lược tăng trưởng xanh.

Chính phủ cũng đã ban hành rất nhiều các văn bản và tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành những nghị quyết liên quan đến vấn đề năng lượng như Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với việc ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý cho ứng phó với biến đối khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Việt Nam đã tham gia các cơ chế quốc tế như Cơ chế Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), cùng với các đối tác phát triển, các nước G7 và một số nước khác đã xác định được nhu cầu của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng. Đồng thời, Chính phủ đã thành lập các Ban Chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các tổ công tác liên quan đến giảm nhẹ phát thải nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng, thu hút đầu tư.

“Hiện nay chúng ta đang phối hợp rất chặt chẽ trong 2 diễn đàn lớn. Đó là diễn đàn liên quan đến JETP với các nước G7 và Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC) liên quan tới ASEAN và Nhật Bản. Như vậy, việc hiện thực hóa các cam kết có rất nhiều kết quả”, Phó Thủ tướng cho biết.

Phó Thủ tướng cũng cho biết thêm, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh, sớm sửa đổi Luật Điện lực, trong đó sẽ đề cập đến năng lượng tái tạo, đề xuất các chính sách về kinh tế xanh. Đồng thời, Chính phủ sẽ nghiên cứu ban hành nghị định về mua bán điện trực tiếp với các khách hàng lớn, trong đó tập trung năng lượng tái tạo; sớm ban hành nghị định về điện áp mái để khuyến khích người dân tham gia đóng góp vào nguồn điện… để từ đây sẽ hình thành một cơ chế quan trọng, đó là cơ chế mua, bán điện trực tiếp, tạo tiền đề để hướng đến thị trường điện cạnh tranh với các nguồn điện.

Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng nêu rõ, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện rất bài bản. Trong đó, với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã có những đánh giá tổng thể tác động từ thượng nguồn và đặc biệt xác định trung tâm của ảnh hưởng là vấn đề tài nguyên nước.

Chính phủ đã ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, Nghị quyết số 120/NQ - CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Kế hoạch để thực hiện quy hoạch tổng thể về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có gần khoảng 60 dự án. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo vay vốn ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất với mức vốn 2,53 tỷ USD cho 16 dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, để tập trung phát triển từ vấn đề thích ứng trong nông nghiệp cũng như xây dựng kết cấu đồng bộ hạ tầng.

Về các vấn đề liên quan đến đất đai, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đặt quyết tâm rất cao, nếu 3 luật: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở, mới được Quốc hội thông qua, đi vào cuộc sống sẽ khắc phục được những vấn đề hạn chế, yếu kém, nguyên nhân đã được các đại biểu Quốc hội nêu.

Còn một số quy định luật giao Chính phủ (14 nghị định), Thủ tướng đã khẩn trương chỉ đạo, làm việc với các địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp lắng nghe ý kiến, sự tham gia của các bộ, ngành sớm ban hành các nghị định hướng dẫn cụ thể, đảm bảo tính liên thông trong quá trình đưa luật vào cuộc sống.

Về vật liệu xây dựng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết đây là một vấn đề không phải lớn đối với Việt Nam, nhưng lại diễn ra trong bối cảnh các dự án cao tốc đẩy rất nhanh tốc độ, tiến độ và quy mô, bởi vậy nhiều địa phương không đáp ứng được nguồn cung vật liệu xây dựng.

Vừa qua Quốc hội đã ban hành nghị quyết về các cơ chế đặc thù, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết để giải quyết vấn đề này. Hiện, Thủ tướng đang chỉ đạo sửa luật về địa chất và khoáng sản. Trước mắt, với nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Chính phủ, nếu các bộ, ngành, địa phương tích cực sẽ không có khó khăn về vật liệu xây dựng.

Đến nay, vấn đề vật liệu xây dựng đã được giải quyết theo 3 giải pháp, đó là: tuyệt đối áp dụng các quy chế đặc thù Quốc hội và Chính phủ đã ban hành; nắm thật sát nhu cầu theo tiến độ và công suất; mở rộng thêm các nguồn cát. Nghị định 157 của Chính phủ vừa ban hành đã giải quyết việc nạo vét luồng lạch kết hợp với khai thác cát, qua đó có thể bổ sung thêm 45 triệu m3 cát, như vậy đã đảm bảo dư thừa so với nhu cầu hiện nay.

"Chúng ta có 145 triệu m3 cát nhiễm mặn ở Sóc Trăng, Bộ Giao thông vận tải đã thí điểm, nghiên cứu và cho thấy cát này đáp ứng các tiêu chí về cơ lý cũng như các điều kiện để có thể san lấp và đảm bảo kiểm soát được vấn đề môi trường. Vấn đề vật liệu xây dựng chúng ta sẽ tính toán để có cái nhìn lâu dài và khoa học hơn, nhưng trước mắt những giải pháp trên đã đủ giải quyết", Phó Thủ tướng khẳng định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục