Ngoại giao kinh tế góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững

10:41' - 29/11/2022
BNEWS Bộ Ngoại giao vừa tổ chức Hội nghị giao ban về đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vào tối 28/11 tại Hà Nội.

Đây là hội nghị đầu tiên dự kiến sẽ được Bộ Ngoại giao tổ chức định kỳ hàng tháng, nhằm đánh giá tình hình thế giới và khu vực, tình hình triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển để từ đó tham mưu, đề xuất các phương hướng triển khai trong thời gian tới, đúng với nhu cầu trong nước và trọng tâm điều hành kinh tế xã hội của Chính phủ.

 

Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì, có sự tham gia của Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ - Trưởng Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế, lãnh đạo một số đơn vị của Bộ Ngoại giao cùng hơn 90 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022 về cơ bản đã bám sát nhu cầu trong nước, các định hướng lớn về đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ.

Thời gian qua, công tác ngoại giao kinh tế đã kịp thời chuyển trọng tâm từ ngoại giao vắc-xin phục vụ phòng, chống dịch bệnh sang thúc đẩy phục hồi và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào các kết quả đất nước đã đạt được 10 tháng của năm 2022.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, tạo sức ép lên các nền kinh tế đang phát triển và có độ mở lớn như Việt Nam như nguy cơ suy thoái, rủi ro lạm phát toàn cầu và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Trước tình hình đó, Chính phủ đặt kỳ vọng lớn vào công tác ngoại giao kinh tế trong tăng cường công tác tham mưu, đóng góp vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Dưới sự điều hành của Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện và Ban chỉ đạo Ngoại giao kinh tế đã tích cực trao đổi theo ba chủ đề trọng tâm: thứ nhất, đánh giá về triển vọng và những vấn đề lớn đặt ra đối với kinh tế thế giới, chia sẻ thông tin về tình hình sở tại và kinh nghiệm xử lý của các nước đối với các thách thức về ổn định kinh tế vĩ mô; thứ hai, kiến nghị các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư và tận dụng xu hướng dịch chuyển chuỗi, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao; các biện pháp thúc đẩy mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đến năm 2030, cho thấy công tác ngoại giao kinh tế đã bước vào giai đoạn phát triển mới với kỳ vọng, yêu cầu cao hơn, tinh thần triển khai quyết liệt, khẩn trương, hiệu quả và thực chất hơn.

Bộ trưởng khẳng định, công tác ngoại giao kinh tế đã trở thành nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng đánh giá cao các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện đã có nhiều đóng góp tích cực vào các kết quả phục hồi kinh tế - xã hội trong 10 tháng của năm 2022, theo đúng tinh thần “lấy địa phương, doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ”.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn, phức tạp, khó dự đoán, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị và các Trưởng Cơ quan đại diện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, dự báo chiến lược về kinh tế, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và khu vực, đánh giá sâu về các sáng kiến liên kết kinh tế mới, xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và kịp thời tìm ra các cơ hội để thu hút đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao,...; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương thúc đẩy quan hệ với các đối tác, tập đoàn lớn của nước ngoài; tìm kiếm các địa bàn, lĩnh vực và cơ chế mới để đẩy mạnh hơn nữa nhiệm vụ mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bộ trưởng đề nghị từng Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện tiếp tục đề cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, phát huy các bài học kinh nghiệm của công tác “ngoại giao vaccine” trong triển khai ngoại giao kinh tế, góp phần để đất nước tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục