Ngư dân Bình Thuận nỗ lực vươn khơi bám biển

16:16' - 28/11/2017
BNEWS Tuy chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và các cơn bão trên biển Đông nhưng hoạt động khai thác hải sản tại Bình Thuận vẫn diễn ra liên tục và ổn định.
Sản lượng khai thác hải sản trong 10 tháng đầu năm đạt gần 184.000 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2016. Ảnh minh họa: TTXVN

Sản lượng khai thác chiếm tỷ lệ lớn và đạt năng suất ổn định tập trung ở các nhóm ngành nghề: lưới kéo, câu khơi, vây rút chì và nghề mành.

Cụ thể, số liệu thống kê từ Chi cục Thủy sản Bình Thuận cho biết, sản lượng khai thác hải sản trong 10 tháng đầu năm đạt gần 184.000 tấn, tăng 4,4% so cùng kỳ năm 2016. Nổi bật, sản lượng khai thác trong vụ cá Nam đạt 122.000 tấn, trong đó 96 nghìn tấn cá các loại, mực 12.000 tấn, tôm 2.000 tấn…

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 11.000 tấn, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, sản xuất tôm giống đạt 20 tỷ con, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016.

Có được thành quả trên ngoài những tiềm năng sẵn có như ngư trường dồi dào, hoạt động đánh bắt thuận lợi còn có nỗ lực vươn khơi bám biển của ngư dân tỉnh Bình Thuận cũng như hiệu quả các chính sách hô trợ ngư dân thời gian qua.

Với lợi thế bờ biển dài 192 km với ngư trường rộng 52.000 km2, Bình Thuận có tiềm năng rất lớn để phát triển hoạt động khai thác trên biển, nhất là khai thác xa bờ. Các tàu cá công suất lớn tập trung nhiều tại các địa phương: Phan Thiết, Tuy Phong, La Gi và Phú Quý.

Sự hình thành các tổ đoàn kết và nghiệp đoàn nghề cá trên biển không chỉ góp phần mang lại hiệu quả sản xuất, hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn khi có sự cố trên biển mà còn góp phần tham gia bảo vệ ngư trường an ninh trên biển. Đến nay, toàn tỉnh duy trì 241 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển. Ngoài ra, Bình Thuận đã thành lập 5 nghiệp đoàn nghề cá tại 4 huyện, thị.

Ngoài nỗ lực bám biển của bà con ngư dân thì chính sách phát triển thủy sản của chính phủ, nổi bật là sự ra đời của Nghị định 67 đã đóng vai trò rất lớn trong việc nâng cao năng lực đánh bắt, thúc đẩy sản lượng khai thác của ngư dân.

Các vấn đề về vi phạm quy định hành nghề, tranh chấp ngư trường do khai thác sai tuyến, sử dụng chất nổ… vẫn còn diễn ra. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, kể từ khi Nghị định 67 có hiệu lực đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt 184 trường hợp đóng mới, nâng cấp tàu cá xa bờ. Đến nay, 89 chiếc tàu cá công suất lớn được hỗ trợ đóng theo Nghị định 67 đã được hạ thủy, nâng số lượng đội tàu đánh xa bờ, công suất trên 400CV trở lên là 667 chiếc. Kết quả này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao năng lực đánh bắt của ngư dân, tạo tiền đề vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi dài ngày trên vùng biển xa.

Tuy nhiên hiện nay, vì số lượng tàu cá trong tỉnh lớn và một số tàu thuyền ngoài tỉnh di chuyển đến ngư trường Bình Thuận nhiều, mặt khác sự gia tăng cường lực khai thác đã ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản mà biểu hiện là suy giảm kích thước khai thác trung bình của sản phẩm, giảm năng suất khai thác…

Bên cạnh đó, các vấn đề về vi phạm quy định hành nghề, tranh chấp ngư trường do khai thác sai tuyến, sử dụng chất nổ… vẫn còn diễn ra, ảnh hưởng đến hoạt động khai thác trên biển cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện quyết định số 375/QĐ- TTg về tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển nghề lợi thế, nghề truyền thống như mành chà, câu rê, hạn chế các nghề khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi, đặc biệt là nghề lưới kéo.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, quản lý tàu cá và an toàn cho người và tàu trên biển…/.

>>> Việt Nam nỗ lực khắc phục sự cố "thẻ vàng" về IUU - Bài 2: Vá “lỗ hổng" từ đâu?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục