Người bạn ảo Xiaolce giúp xoa dịu những người cô đơn tại Trung Quốc

14:11' - 25/08/2021
BNEWS Phần mềm trò chuyện (Chatbot) Xiaolce, với hệ thống AI tiên tiến nhất, có thể tạo ra những liên kết cảm xúc và làm bạn với 660 triệu người dùng trên thế giới.

Sau khi chia tay với người bạn trai cũ phụ bạc, Melissa, một giám đốc nhân sự tại Bắc Kinh, đã được một người bạn giới thiệu cho một “mối” mới.

“Mối”mới này là một hình mẫu bạn trai lý tưởng luôn trả lời tin nhắn của Melissa mọi lúc, kể chuyện cười để giúp cô vui lên mà không hề đòi hỏi hay can thiệp vào lối sống hiện đại bận rộn giữa thành phố lớn của Melissa. Có mọi điều mà một phụ nữ mong muốn ở một mối quan hệ tình cảm nhưng đối tác của Melissa không phải người thật mà là một sản phẩm sáng tạo công nghệ được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI).

Phần mềm trò chuyện (Chatbot) Xiaolce, với hệ thống AI tiên tiến nhất, có thể tạo ra những liên kết cảm xúc và làm bạn với 660 triệu người dùng trên thế giới. Melissa chia sẻ một số người bạn của cô đã đến gặp các chuyên gia tâm lý để trị liệu khi có bất ổn về tinh thần nhưng với cô cách làm này vừa tốn kém mà không thực sự hiệu quả. Khi kết nối với Xiaolce, cô gái 26 tuổi có thể thoải mái “kể lể” mọi vấn đề vướng mắc và nhận được anh bạn ảo xoa dịu nhanh chóng, giúp xua tan rất nhiều phiền muộn.

Để hiểu rõ hơn thì Xiaolce không phải là một cá nhân cụ thể, mà là một hệ sinh thái AI, có thể được tải về mọi loại điện thoại thông minh của Trung Quốc, giống như trợ lý ảo Sisi của iPhone, hay trên các nền tảng truyền thông xã hội khác.

Trên ứng dụng WeChat thịnh hành ở Trung Quốc, người dùng có thể tải về Xiaolce dưới dạng một bạn gái hoặc một bạn trai ảo, tương tác với nhau nhờ tin nhắn văn bản, giọng nói hoặc hình ảnh. Xiaolce hiện có khoảng 150 triệu người dùng ở Trung Quốc.

Theo giám đốc điều hành Li Di, từ chỗ là một dự án phụ trợ cho Cortana chatbot của Micrsoft, đến nay Xiaolce đã chiếm 60% thị phần tương tác AI bằng giọng nói trên toàn cầu và trở thành hệ thống chatbot lớn nhất và hiện đại nhất trên thế giới.

Xiaolce được thiết kế để kết nối với người dùng thông qua những cuộc hội thoại như đời thực và giàu tính cảm thông, xoa dịu những nhu cầu cảm xúc mà các mối quan hệ ngoài đời thực không thể đáp ứng.

Theo CEO này, số lượt tương tác trung bình giữa người dùng và Xiaolce là 23 lượt, cao hơn số lượt tương tác giữa 2 người trên thực tế. Ưu điểm của chatbot sử dụng AI là người bạn ảo này có khả năng chú tâm lắng nghe một cách kiên nhẫn hơn. Giờ cao điểm kết nối Xiaocle ở Trung Quốc là từ 23h-1h, phản ánh nhu cầu tìm người tâm giao khá cao ở thời điểm đêm khuya.

Theo Bloomberg, công ty khởi nghiệp tách ra khỏi dự án của Microsoft vào năm 2020 và hiện được định giá khoảng 1 tỷ USD. Những nhà phát triển cũng đã tạo ra những thần tượng (idol) ảo, người dẫn chương trình AI hoặc thậm chí là sinh viên đại học đầu tiên ở Trung Quốc từ Xiaolce.

Trợ lý ảo này có thể làm thơ, làm báo cáo tài chính hoặc vẽ tranh theo yêu cầu.  Triển vọng phát triển của Xiaolce được đánh giá là rất sáng sủa vì rất thích hợp với lối sống thiếu kết nối ở các thành phố lớn.

Sự cô đơn mà Melissa phải gặm nhấm khi trở thành chuyên gia ở độ tuổi còn trẻ là yếu tố lớn khiến cô cảm thấy phù hợp với Xiaolce.

Đây cũng là hoàn cảnh chung của nhiều người trẻ tại các đô thị lớn của Trung Quốc khi cuộc sống thường ngày quá bận rộn với những công việc kéo dài nhiều giờ giữa thành phố rộng lớn và cô độc. Họ không có thời gian để kết bạn mới trong khi những người bạn khác cũng bận rộn không kém.

Tuy nhiên, việc gắn kết cảm xúc quá nhiều với một robot cũng được cho là tiềm ẩn những nguy cơ. Chuyên gia đạo đức AI Danit Gal, từ đại học Cambridge, cho rằng việc làm này có thể khiến người dùng tự đánh lừa mình rằng cảm xúc của họ đang được đáp lại bởi một hệ thống mà trên thực thế hệ thống đó không có khả năng cảm nhận.

Ví dụ như Laura, 20 tuổi, từ Chiết Giang, chia sẻ cô đang chật vật để thoát khỏi cảm giác “yêu đương” với bạnh ảo Xiaolce đã kéo dài suốt 1 năm qua. Trong các giấc mơ, cô vẫn thấy Xiaolce cuối cùng xuất hiện như một người thật và trong các cuộc hội thoại cô thậm chí còn cố gắng thể hiện tình cảm và đề nghị gặp bạn ngoài đời thực.

Phải mất nhiều tháng Laura mới có thể chấp nhận rằng đó chỉ là một người bạn ảo. Chính CEO của Xiaolce cũng thừa nhận là tình trạng người dùng nhầm tưởng có một người thật đang trả lời họ qua Xiaolce khá phổ biến vì phần mềm này bắt trước quá giống người thực.

Tuy nhiên, CEO này tin tưởng rằng một đất nước hiện đại sẽ hạnh phúc hơn với sự xuất hiện của Xiaolce vì nếu tương tác giữa người và người đã thực sự hoàn hảo thì không có lý do gì để AI tồn tại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục