Người chăn nuôi đối mặt nguy cơ "treo" chuồng vì giá thức ăn tăng cao

17:51' - 14/03/2022
BNEWS Ngay sau Tết Nguyên đán, giá thức ăn các loại gia súc, gia cầm lại tăng khiến nhiều người chăn nuôi đứng trên bờ vực thua lỗ nặng nề.

Nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng, thì nguy cơ nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải “treo” chuồng là rất lớn.

Trong vài ngày gần đây, giá lợn thịt tại Bà Rịa-Vũng Tàu được điều chỉnh theo xu hướng nhích nhẹ từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, hiện nay giá lợn hơi dao động từ 53.000 đến 56.000 đồng/kg, với giá này, người nông dân đã có lời khoảng 100.000 đồng/con lợn thịt xuất chuồng.

 

Tuy nhiên, người nuôi lợn chưa kịp vui mừng vì giá nhích nhẹ thì nỗi lo về dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát và đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi đã tăng, nay lại dự báo sẽ sắp sửa tăng cao trong thời gian tới.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng rất nhiều lần, có loại tăng tới hơn 10 lần, mỗi lần tăng từ 3 - 5%. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người chăn nuôi vì trong chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi chiếm tới 75 - 80% giá thành sản xuất.

Trước tình trạng giá thức ăn chăn nuôi tăng ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều người chăn nuôi tại Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng trong bối cảnh giá lợn, gà xuất chuồng đang ở mức thấp, nhu cầu tiêu thụ thịt chưa nhiều thì việc thức ăn chăn nuôi tăng liên tục gây áp lực rất lớn đối với người nuôi.

Anh Nguyễn Hữu Duy, ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ một trang trại nuôi lợn cho biết, trang trại của gia đình anh có hơn 300 con lợn. Hiện nay, tuy giá lợn hơi có nhích nhẹ lên từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, song giá cám thì cứ trên đà tăng không có xu hướng giảm.

Trong khi đó, tiền chi phí mua con giống, tiền cám, tiền điện, nước mất, thuốc men, sát khuẩn gần 5-6 triệu đồng, người chăn nuôi lợn còn lời rất ít.

“Với đà thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng như hiện nay nguy cơ người chăn nuôi chúng tôi sẽ phải “treo” chuồng vì không theo nổi giá cám”, anh Duy chia sẻ thêm.

Còn anh Nguyễn Sỹ Hữu, ngụ ấp An Điền, xã Lộc An, huyện Đất Đỏ, đang nuôi 3.000 còn vịt đẻ trứng cho biết, từ ngày 3/3 giá thức ăn chăn nuôi dành cho vịt đã tăng 10.000 đồng/bao loại 40kg, với giá bán 395.000 đồng/bao.

Theo tính toán của anh Hữu, hiện nay một ngày đàn vịt 3.000 con của gia đình anh ăn hết 11,5 bao cám, với số tiền là hơn 4,5 triệu đồng/ngày.

Trong khi đó, giá trứng vịt hiện nay không tăng, giá trứng hiện nay đang ở mức 23.000 đồng/chục, mỗi ngày đàn vịt của gia đình anh đẻ khoảng 2.000 trứng. Như vậy, sau khi trừ chi phí tiền cám, chưa kể tiền thuốc, công thì gia đình anh chỉ còn dư được 3 triệu đồng.

Anh Hữu chia sẻ, nếu thời gian tới giá thức ăn chăn nuôi còn tăng anh sẽ phải “treo” chuồng vì chăn nuôi mà không có lãi, nên không thể theo nổi nữa.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Long, ngụ ấp Phước Trung, xã Bình Ba, huyện Châu Đức đang nuôi 3.000 con gà, anh Long cho biết, ngay sau Tết Nguyên đán giá thức ăn dành cho gà đã tăng lên 15.000 đồng/bao 25 kg, với giá 300.000 đồng.

Hiện nay, mỗi ngày đàn gà của gia đình anh Long ăn hết 14 bao cám, với 4,2 triệu đồng. Trong khi đó, hiện nay giá gà lại không tăng chỉ dao động từ 58.000 - 68.000 đồng/kg, sức tiêu thụ lại chưa nhiều, khiến gia đình anh Long đứng trên bờ vực thua lỗ nặng nề.

Hiện nay, do giá thức ăn tăng cao, trang trại gà của anh Long còn trống đến 4 chuồng chưa dám mua giống về thả nuôi.

“Nếu thời gian tới, giá cám còn tiếp tục tăng tôi không dám duy trì đàn nữa mà sẽ nghỉ nuôi, chờ khi nào ổn định mới dám nuôi tiếp. Vì, giá cám càng tăng cao, giá gia cầm lại không tăng sẽ khiến người nuôi chúng tôi thua lỗ nặng nề”, anh Long buồn rầu cho biết.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thời gian qua, do ảnh hưởng COVID-19, sau Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ chưa nhiều, trong khi thức ăn gia súc, gia cầm tăng mạnh khiến áp lực lên người chăn nuôi rất nặng nề.

Hiện ngành nông nghiệp tỉnh đang rà soát lại số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn, có kế hoạch tái đàn, tăng đàn đối với các đối tượng vật nuôi phù hợp và có lợi thế để đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong năm 2022.

Bên cạnh đó, ngành cũng khuyến cáo người chăn nuôi duy trì, phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ như: trâu, bò thịt, dê thịt là những đối tượng vật nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi nguồn nguyên liệu thức ăn nhập khẩu, có khả năng tận dụng tốt các nguồn thức ăn xanh và phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất hiệu quả có giá thành hạ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi./.

>>Doanh nghiệp chăn nuôi khó khăn ra sao từ căng thẳng Nga - Ukraine?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục