Người dân chung sức thực hiện nông thôn mới ở vùng đất khó

20:06' - 30/09/2024
BNEWS Hiện nay, nhiều tuyến đường đến các khu dân cư đã được nhựa hóa, rải bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi.

Bù Đăng (Bình Phước) là huyện miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (hơn 40%), đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Vì vậy, Đảng bộ huyện rất quan tâm việc xóa đói, giảm nghèo , chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách an sinh xã hội đều được thực hiện khá hiệu quả.

* Nông thôn mới bừng sáng

Huyện Bù Đăng có xuất phát điểm thấp khi tiến hành xây dựng nông thôn mới. Nhưng người dân ở đây rất đồng tình ủng hộ phong trào xây dựng nông mới nên đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã có 13/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Tại xã Đoàn Kết, sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực (chiếm 85%). Các cấp ủy đảng, chính quyền xã giúp người dân hiểu chủ trương xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh hoàn thành các tiêu chí theo quy định. Đến năm 2022, xã Đoàn Kết đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiện nay, nhiều tuyến đường đến các khu dân cư đã được nhựa hóa, rải bê tông, giúp người dân đi lại thuận lợi. Xã Đoàn Kết đã có nhiều thay đổi, cơ sở vật chất, văn hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm. Người lao động có công việc thường xuyên, thu nhập từng bước ổn định. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư tại xã được thực hiện hiệu quả, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, phát huy; vệ sinh môi trường được đảm bảo.

Ông Nguyễn Chí Trung, người dân xã Đoàn Kết đã chứng kiến rất rõ sự thay đổi từng ngày của địa phương, nhất là từ khi cả hệ thống chính trị và nhân dân đồng lòng quyết tâm xây dựng nông thôn mới. Ông phấn khởi chia sẻ, trước đây, nhiều tuyến đường vào thôn chỉ là đường đất, đá sỏi. Vào mùa mưa, người dân đi lại khó khăn vì bùn lầy. Người dân cùng xây dựng nông thôn mới, nên đến nay, nhiều đoạn đường đã sạch đẹp, thuận tiện cho con em đi học, trình độ dân trí được nâng cao, vận chuyển nông sản sau thu hoạch cũng nhanh hơn trước.

Người dân cũng được nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế bền vững. Ông Trần Văn Ân, người dân ở thôn 6, xã Đoàn Kết chia sẻ: Sau khi về đích xây dựng nông thôn mới, người dân đã hiểu là để phát triển nông nghiệp hiệu quả thì phải đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn. Trước đây, người dân thường tưới nước cho vườn cây bằng ống tự kéo bằng tay thì nay đã đầu tư phun nước tự động để giảm bớt chi phí nhân công, chăm sóc và áp dụng khoa học, kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng.

Những sắc hoa rực rỡ hai bên đường đã thể hiện rõ sự đổi thay của vùng đất này, bởi trước đây chỉ có đường đất đỏ, cỏ dại. Theo ông Điểu Chon, người uy tín xã Đoàn Kết, từ khi xã về đích nông thôn mới, người dân được hưởng thụ nhiều thành quả như đường bê tông, đường nhựa, nhà văn hóa khang trang. Bản thân ông cũng tích cực hỗ trợ chính quyền địa phương vận động người dân hưởng ứng cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, đô thị văn minh, trồng hoa hai bên đường...

* Đồng bộ giải pháp, phát huy hiệu quả

Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết Võ Minh Phước cho biết, khi về đích nông mới, bộ mặt của xã Đoàn Kết đã thay đổi rất nhiều, từ giao thông nông thôn đến tất cả các tiêu chí đều ổn định. Đặc biệt, công tác an ninh trật tự được đảm bảo, đời sống người dân phát triển cơ bản, tiếp cận được nhiều vấn đề phát triển của xã hội.

Theo ông Võ Minh Phước, thời gian tới, xã xác định tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm xây dựng nông thôn mới. Địa phương tiếp tục nâng chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, quan tâm đến đào tạo, dạy nghề cho lao động phổ thông để thu hút các đơn vị, doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề cần nhiều nhu cầu về lao động, từng bước giảm nghèo bền vững. Xã tiếp tục phấn đấu giữ được 19 tiêu chí nông thôn mới; đồng thời phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để người dân được thụ hưởng nhiều lợi ích hơn trong kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như an ninh quốc phòng.

Hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng thể hiện rất rõ ở nhiều xã của huyện Bù Đăng như: Bom Bo, Đức Liễu, Thọ Sơn... Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Trần Văn Phương cho biết: thời gian qua, các chương trình mục tiêu quốc gia và chính sách an sinh xã hội đều được thực hiện khá hiệu quả. Đặc biệt, các chương trình 134, 135 của Chính phủ đã giúp hàng nghìn hộ dân được thụ hưởng, nhất là với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa. Những năm gần đây, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nghị quyết của tỉnh về giảm hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo chương trình giảm 1.000 hộ nghèo hàng năm. Huyện từng bước phấn đấu đến năm 2025, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 1%-1,5%.

Ông Trần Văn Phương thông tin, xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Đảng bộ huyện đã xây dựng Nghị quyết và sát sao, quyết liệt trong lãnh đạo thực hiện chương trình nông thôn mới để đến năm 2025, huyện về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, năm 2023, UBND huyện Bù Đăng chỉ đạo các ngành tham mưu Ban thường vụ Huyện ủy thống nhất điều chỉnh lộ trình để huyện hoàn thành mục tiêu trong năm 2024. Đến nay, huyện có 13/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Thời gian tới, huyện Bù Đăng tiếp tục chỉ đạo các địa phương thường xuyên tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy nhiều cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực…, tiếp tục đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục