Người dân có xu hướng tiết kiệm hơn khi mua sắm Tết

10:09' - 27/01/2022
BNEWS Dịp này, hàng năm, tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đường, Chợ Đồng Xuân, Chợ Bắc Qua, đều bày bán nhiều gian hàng bánh kẹo, mứt truyền thống trong nước và hàng nhập ngoại, nhưng năm nay thì khác hẳn.
 

Trong sự hối hả của những ngày cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thoáng thấy nét âu lo trên khuôn mặt của người dân đi sắm Tết. Cứ sau ngày 23 tháng Chạp, tức ngày ông Táo chầu trời, là thời điểm sôi động nhất của thị trường bánh mứt kẹo tại Thủ đô Hà Nội.
Hàng năm, vào dịp này, dọc tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đường, Chợ Đồng Xuân, Chợ Bắc Qua, đều có khá nhiều gian hàng bánh kẹo, mứt truyền thống sản xuất trong nước cùng hàng hóa nhập ngoại, nhưng năm nay thì khác hẳn.
Do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và nguy cơ lây nhiễm cao khi tỷ lệ F0 qua mỗi ngày tại Hà Nội vẫn tăng mà chưa có dấu hiệu giảm nhiệt… đã tác động tiêu cực tới các hoạt động giao thương buôn bán ở những điểm sầm uất nhất như khu vực phố cổ hay các trung tâm thương mại… Đã đành là vắng khách mua hàng nhưng cả người bán cũng thưa thớt. Nhiều cửa hàng, cửa tiệm trên các tuyến phố chính đều đóng cửa và treo biển cho thuê, sang nhượng mặt bằng kinh doanh.
Qua tìm hiểu nguyên nhân, đa số người bán đều cho hay, dịch COVID-19 khiến người dân ngại ra đường mua sắm; dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng tới thu nhập của người dân khiến họ phải thắt chặt và kiểm soát chi tiêu….
Bà Phương Lan, Chủ cửa hàng Phương Lan chuyên doanh bánh, mứt, kẹo có tiếng và sở hữu 3 gian hàng tại chợ Đồng Xuân cho hay, kể từ khi dịch COVID-19 diễn ra hồi cuối năm 2019, Tết 2022 năm nay thấy thấm thía nhất những khó khăn của người dân và của thị trường. Ngay từ đầu vụ, do xác định sức mua có thể sẽ giảm sút nên lượng hàng hóa, bánh mứt được shop dự trù nhập về chỉ khoảng 1/3 so với mọi năm.
Giá bán cũng giảm thấp hơn vì dường như, người dân không rộng rãi cho khoản này so với thường lệ. Tâm lý ai cũng nghĩ, trong điều kiện dịch dã thế này, xu hướng chung sẽ là nhà nào ở yên nhà đó, hạn chế giao lưu, thăm hỏi, tiếp xúc nên việc sắm Tết cũng chỉ mang tính tượng trưng. Cơ bản là tiết kiệm, tránh lãng phí.
Theo bà Phương Lan, năm nay, hàng hóa nhập bán, shop cũng chỉ lựa chọn một số chủng loại, mặt hàng truyền thống như bánh kẹo dẻo, hoa quả sấy như mít, khoai… cùng các loại hạt từ Lâm Đồng hay mứt các loại như dừa non, thanh long, xoài, bí, kiwi… từ Long An, Bến Tre. Hầu như không có mặt hàng mới hay những sản phẩm đặc biệt, ấn tượng để giới thiệu tới khách.
Từ góc độ nhà sản xuất, ông Lý Minh Đường, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Chế biến Xuất nhập khẩu Nông sản Long Châu (Long An) cho biết, Tết năm nay là dấu mốc quan trọng và đáng nhớ đối với doanh nghiệp khi phải hoạt động cầm chừng để chờ vãn dịch. Hàng hóa chế biến với số lượng rất ít, chủ yếu chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương và một số đối tác ở các tỉnh lân cận. Một phần do sức mua và các đơn đặt hàng giảm sút đáng kể. Phần quan trọng hơn là do tình hình logistics sang các tỉnh, thành phố ở khu vực xa hơn cũng gặp nhiều khó khăn, rủi ro và chi phí rất cao. Vì lẽ đó, doanh nghiệp xác định hoạt động 1/2 công suất, chờ dịch dã lắng xuống, tác động thị trường bớt căng thẳng hơn sẽ tiếp tục vận hành trở lại.
Qua thực tế thị trường, chị Nguyễn Kim Huệ, cư dân tại địa bàn Ngọc Khánh cho hay, mọi năm vào tầm này, thành phố Hà Nội luôn có các chương trình hội chợ hàng tiêu dùng để đón Xuân. Nhờ vậy, việc mua sắm Tết cũng trở nên thuận tiện hơn trong đi lại, di chuyển. Chủ trương năm nay không tổ chức các hội chợ để phòng tránh dịch COVID-19 cũng khiến việc mua sắm ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh này, năm nay, chi phí dành cho gia đình sắm Tết chắc chắn không thể dư giả như mọi năm vì đã gần tới ngày nghỉ tết nhưng người lao động vẫn thấy có lương, thưởng. Khó khăn sẽ thêm chất chồng hơn đối với những gia đình công nhân, xa xứ. Hơn lúc nào hết, Tết chỉ mong được về nhà, quây quần đoàn viên bên người thân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục