Người dân Nam Trung bộ lao đao vì khô hạn - Bài 1: Suy kiệt vì nắng hạn

10:13' - 26/03/2016
BNEWS Theo Bộ Nộng nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ cuối năm 2014 đến nay do ảnh hưởng của El Nino, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ bị ảnh hưởng nặng nề bởi khô hạn, xâm nhập mặn.
Người dân Nam Trung bộ lao đao vì khô hạn. Ảnh: Minh Quyết-TTXVN

Đã có hơn 42.000 ha đất nông nghiệp phải dừng sản xuất, nhiều nơi ở Bình Thuận, Ninh Thuận và đồng bằng sông Cửu Long không đủ nước sinh hoạt và sản xuất. Nguy cơ tái nghèo là khó tránh khỏi đối với khu vực nông thôn vùng sâu, vùng xa.

Bài 1: Suy kiệt vì nắng hạn

Các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Khánh Hòa đến Bình Thuận đang vào thời kỳ cao điểm của nắng hạn với hơn 20.000 ha đất sản xuất nông nghiệp thiếu nước tưới phải bỏ hoang.

Nhiều nơi dân thiếu nước sinh hoạt, gia súc không có nước uống... Chính quyền địa phương cho hay, dù đã có kế hoạch ứng phó với El Nino như chủ động điều tiết nước tưới, nước sinh hoạt, dừng một số diện tích sản xuất lúa, hoa màu nhưng vẫn không tránh được thiệt hại về kinh tế và cuộc sống người dân bị đảo lộn.

* Khoan đáy hồ vẫn không đủ nước

Người dân ở Ninh Thuận ai cũng biết tới câu vè “Gió như Phan, nắng như Rang” để nói về vùng đất có lượng mưa ít nhất nước này.

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia thì lượng mưa trung bình ở đây chỉ duy trì ở mức trên dưới 700 mm/năm, nhưng thực tế nhiều nơi ở Ninh Thuận chỉ có hai tháng mùa mưa với khoảng 4 – 5 cơn là chấm dứt. Không phải khi xảy ra El Nino mới thiếu nước mà đây luôn là vùng khô hạn nhất.

Ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, do hạn hán kéo dài nên tỉnh đã chỉ đạo dừng sản xuất khoảng gần 6.000 ha đất nông nghiệp vụ đông xuân 2015 – 2016 để giảm thiệt hại về vốn đầu tư của người dân. Dự kiến, diện tích dừng sản xuất trong vụ hè thu sẽ lớn hơn, khoảng 10.000 ha.

Tới giữa tháng 3, lượng nước tích trong 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ còn 53/192 triệu m3, đạt 27,8% tổng dung tích thiết kế. Đặc biệt có 2 hồ cạn kiệt Ông Kinh và Tà Ranh.

Sở đã chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với các huyện di chuyển hơn 3.500 con gia súc (bò, cừu) từ vùng khô hạn đến nơi có đủ nước uống, thức ăn.

Chứng kiến người dân ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải phải khoan xuống đáy hồ Ông Kinh hút từng xô nước lên bể chứa dã chiến lót bằng bạt rồi bơm xa hơn 2 km về tưới cho vườn nho đang héo dần mới thấy sự khắc nghiệt của khô hạn.

Theo thiết kế, hồ Ông Kinh có sức chứa 8.000 m3, cung cấp nước sinh hoạt, nước tưới cho hàng trăm héc ta nho, hoa màu của xã Nhơn Hải nhưng 3 năm trở lại đây mùa khô luôn cạn trơ đáy.

Di chuyển gia súc (bò, cừu) từ vùng khô hạn đến nơi có đủ nước uống, thức ăn. Ảnh: Minh Quyết-TTXVN

Theo ông Nguyễn Hữu Trị ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, từ đầu năm 2015 đến nay, gia đình đã tốn 150 triệu đồng đầu tư khoan giếng, máy bơm, ống dẫn nước để cứu 1,1 ha nho.

Mặc dù tốn kém là thế nhưng vụ này vườn nho của gia đình ông Trị vẫn bị giảm năng suất đến 80% nên rất khó thu hồi được vốn đầu tư.

Gia đình ông đã khoan đến 4 cái giếng mà vẫn không đủ nước tưới, có giếng cũng đã bị nhiễm mặn nên không thể tiếp tục lấy nước.

Cách hồ Ông Kinh khoảng 500 mét là vườn nho rộng 1,2 ha của gia đình ông Huỳnh Văn Hài bị chết khô, phải đánh gốc làm củi.

Dù đã nỗ lực khoan đến 5 cái giếng nhưng vẫn không có nước tưới, ông Hài đành nhìn vườn nho - nguồn nuôi sống cả gia đình chết rũ trong nắng hạn. Vợ chồng ông phải tính đi làm thuê kiếm tiền nuôi con.

* Héo vì nước

Khoảng 9 giờ sáng hàng chục người dân ở thôn Khánh Tân, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải đã mang can đợi xe bồn chở nước của đơn vị hậu cần Quân khu 5 tới cấp phát. Khung cảnh huyên náo hẳn khi chiếc xe bồn xuất hiện bởi đây là sự chờ đợi hữu ích nhất của bà con trong ngày nắng hạn.

Theo ông trưởng thôn Nguyễn Thành, mấy tháng nay 224 hộ dân với 880 nhân khẩu thiếu nước sinh hoạt. Hơn 1 tháng nay, được sự hỗ trợ của đơn vị hậu cần Quân khu 5 đóng trên địa bàn huyện, người dân mới bớt phần khó nhọc.

Trước đây, dân trong thôn phải đi xa vài cây số để mua nước với giá 100.000 đồng mỗi mét khối, thậm chí có hôm không mua được nước uống.

Thượng úy Nguyễn Quốc An, Trung đoàn vân tải 655, Cục hậu cần Quân khu 5 cho biết, mỗi ngày đơn vị chở hai chuyến với khoảng 10 m3 xuống cho người dân nhưng vẫn là ít.

Với tình cảm quân dân, đơn vị vẫn tiếp tục tăng cường thêm nước để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân nơi đây. Mỗi khi xe nước về, trưởng thôn phải trực tiếp cầm vòi phân phát từng can nước dưới cái nắng như thiêu của vùng hạn.

Cụ bà Nguyễn Thị Đậm, 70 tuổi chia sẻ, từ 4 – 5 tháng nay phải đi xa vài km để mua nước uống với giá 100.000/m3, nhưng vì không có tiền nên phải sử dụng cả nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.

Được bộ đội hỗ trợ nước miễn phí mỗi ngày 2 can (40 lít/ngày) đã phần nào giúp gia đình 6 người đủ nước uống.

Không riêng gì ở Ninh Hải, Thuận Nam, Bác Ái của tỉnh Ninh Thuận bị thiếu nước sinh hoạt, đồng khô cỏ cháy. Hiện các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Tân, thị xã La Gi của tỉnh Bình Thuận cũng bị thiếu nước sản xuất, sinh hoạt trầm trọng.

Hình ảnh cụ ông Nguyễn Văn Phương, 83 tuổi ở ấp 1C, xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cố gạn được hai gầu nước từ cái giếng làng rồi đổ vào hai cái chai được khoảng 8 lít nước, treo lên ghi đông xe đạp đẩy về khiến ai nhìn thấy cũng xót xa.

Cụ Phương cho biết con cái đi làm xa, cụ ở nhà một mình không có nước nên mỗi ngày phải ra cái giếng trơ đáy này gạn múc từng gầu nhỏ mang về uống. Nhiều người dân ở ấp 1C cho biết, cái giếng làng này là nguồn cung cấp nước uống cho 50 hộ dân nơi đây.

Ngày xưa dù có hạn hán đến mấy nó cũng không bao giờ cạn, nhưng đợt này đã trơ đáy. Giờ mỗi ngày nó cũng chỉ rỉ ra được vài lít nước.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng ở ấp 1C, xã Vinh Hảo dẫn chúng tôi thăm quan vườn quýt lai rộng 2.500 m2 đang thời kỳ ra hoa, kết trái.

Quan sát quanh cả vùng chỉ có vườn quýt nhà ông Dũng là có màu xanh, nhưng càng vào sâu trong vườn mới thấy cái hạn đang khiến hoa trái không thể lớn.

Những trái quýt to như nắm tay khi vặt xuống, bửa ra thì bên trong không có nước, múi quýt khô queo.

Gia đình đã đầu tư hơn 100 triệu đồng để bơm nước từ lòng hồ Đá Bạc cách xa hơn 2 km để đưa nước về tưới, nhưng do nắng gắt, hơi nước bốc nhanh nên cây quýt vẫn không đủ nước nuôi trái.

Mỗi sào quýt mất khoảng 25 triệu đồng, chưa kể chi phí đầu tư - ông Dũng chia sẻ.

Cây cà phê bị phá bỏ do trồng trong vùng khô hạn, thiếu nước tưới. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Dẫn chúng tôi thăm hồ Đá Bạc, nguồn cung cấp nước tưới và nước sinh hoạt cho khoảng 1.900 hộ dân ở xã Vinh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, anh Nguyễn Lương Trí cán bộ nông – lâm – ngư – diêm nghiệp cho biết, toàn bộ diện tích canh tác lúa của xã 2 năm nay đã dừng sản xuất, chỉ còn một ít diện tích trồng rau, đậu do chủ động được nước tưới.

Hồ Đá Bạc hiện chỉ còn gần 1 triệu m3, so với dung tích thiết kế khoảng 4,7 triệu m3; trong khi đó, để đảm bảo nước sinh hoạt, nước sản xuất cho hai xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân nó phải có từ 3 – 4 triệu m3.

Theo ông Huỳnh Văn Điển, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong, từ cuối năm 2014 đến nay, do lượng mưa thấp nên nước ở các giếng trên địa bàn hai xã Vinh Hảo, Vĩnh Tân hầu hết đã cạn kiệt.

Do đó, trong hai năm 2014 – 2015, cả hai xã này không tổ chức sản xuất lúa. Để đảm bảo nước sinh hoạt, nước tưới huyện Tuy Phong đã vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm; tiến hành kiểm tra, thống kê, cải tạo các giếng cũ còn có thể sử dụng để lấy nước sinh hoạt.

Về lâu dài, tỉnh Bình Thuận cần sớm đầu tư thi công hoàn thành các công trình thủy lợi còn dang dở; trong đó có hệ thống kênh tiếp nước Lòng Sông – Đá Bạc, nâng cấp hồ Đá Bạc dung tích từ 4,7 triệu m3 lên 8 triệu m3, công trình thủy lợi kênh tiếp nước Cà Giây – Cây Cà... để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất - đó cũng là mong đợi của người dân nơi đây./.

Xem tiếp:

Người dân Nam Trung bộ lao đao vì khô hạn - Bài 2: Thích ứng với từng vùng

Người dân Nam Trung bộ lao đao vì khô hạn - Bài 3: Chuyển đổi cây trồng vật nuôi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục