Người dân Thái Lan về nước bằng đường hàng không sẽ phải trả phí cách ly

20:02' - 11/06/2021
BNEWS Từ đầu tháng 7 tới, người dân Thái Lan về nước từ nước ngoài bằng đường hàng không sẽ phải trả chi phí cách ly nhưng vẫn được hưởng quyền lợi về y tế và chăm sóc sức khỏe.

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, hiện nay, giới chức y tế Thái Lan đang lên kế hoạch đóng cửa các cơ sở cách ly của nhà nước dành cho người dân trở về từ nước ngoài bằng đường hàng không vào cuối tháng này nhằm tránh tình trạng lạm dụng.

Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) kiêm Giám đốc phụ trách hoạt động của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Nattapon Nakpanich cho biết thay đổi nói trên là cần thiết vì có nhiều người lạm dụng hệ thống cách ly của nhà nước, đi lại nhiều lần ra và vào Thái Lan.

Thậm chí một số người đã thực hiện tới 10 chuyến đi, gây ra gánh nặng tài chính không cần thiết đối với nhà nước.

Đại tướng Nattapon cho biết CCSA đang tìm kiếm các cơ sở cách ly thay thế (ASQ) với giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu của hành khách đi máy bay. Một số khách sạn đã hoạt động như các cơ sở ASQ trong thời kỳ dịch COVID-19 và là lựa chọn ưu tiên cho những hành khách có đủ khả năng chi trả.

Việc đóng cửa các cơ sở cách ly của nhà nước sẽ chỉ áp dụng cho những người đến bằng đường hàng không và họ sẽ phải lựa chọn những cơ sở ASQ. Đối với những người cần thiết phải đi lại, các cơ quan chính phủ mà họ làm việc sẽ trả tiền cách ly.

Quy định mới vẫn cần sự chấp thuận của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trước khi có hiệu lực. Để giảm chi phí tài chính cho những người đến bằng đường hàng không, chính phủ sẽ thanh toán các hóa đơn y tế và sức khỏe của họ.

Những người này sẽ chỉ phải trả tiền ăn ở và thức ăn trong thời gian cách ly.
Ngày 11/6, Thái Lan ghi nhận 2.290 ca nhiễm mới cùng 27 trường hợp tử vong, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên 189.828 ca, trong đó có 1.402 không qua khỏi. 

Chính phủ Thái Lan cho biết 8,3% trong số 50 triệu người dự kiến tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở nước này đã được tiêm ít nhất là mũi đầu tiên. Đến nay, tất cả các nhân viên y tế của Thái Lan đã được tiêm mũi đầu tiên, và 85,4% trong số đó được tiêm mũi thứ hai. 

Theo một quan chức Bộ Y tế Thái Lan, với tốc độ hiện nay, nước này có thể tiêm 400.000 liều vaccine mỗi ngày và Chính phủ cần ký thêm hợp đồng để có thêm vaccine.

Chính phủ Thái Lan hy vọng sẽ có 50 triệu người, tức 70% dân số, được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào cuối tháng 12. Ngoài 61 triệu liều vaccine từ AstraZeneca và 6 triệu liều từ công ty Sinovac của Trung Quốc, Chính phủ Thái Lan đang tìm cách có thêm 8 triệu liều vaccine từ Sinovac cùng 25 triệu liều vaccine từ Pfizer và Johnson & Johnson nhằm đạt được mục tiêu có 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.

Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng có kế hoạch đặt mua thêm 50 triệu liều vaccine cho năm tới vì nhiều khả năng sẽ cần phải tiêm nhắc lại, đặc biệt nếu có nhiều biến thể mới xuất hiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục