Người dân Thủ đô “khốn đốn” vì nhà ở tái định xuống cấp

16:41' - 15/08/2016
BNEWS Xuống cấp, mất an toàn, ô nhiễm môi trường, mất nước sinh hoạt… là tình trạng phổ biến tại các khu nhà ở tái định cư dù mới được xây dựng và đưa vào sử dụng.
Hiện trường sự cố sụt lún nền sảnh tầng 1 tòa nhà N5, khu chung cư Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Minh Nghĩa-TTXVN

Công tác đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư luôn được Hà Nội xem là nhiệm vụ bức thiết, chú trọng ưu tiên nhằm đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi cho người dân khi nhà nước thu hồi đất.

Nhưng thực tế cho thấy, nhiều người dân đang rất thờ ơ với nhà ở tái định cư khi cả cơ quan quản lý đến các cấp chính quyền đều phải thừa nhận chất lượng nhà tái định cư vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đặc biệt, công tác quản lý, vận hành và sử dụng quỹ nhà này còn nhiều tồn tại, bất cập.

Liên tiếp xảy ra các sự cố gây mất an toàn

Xuống cấp, mất an toàn, ô nhiễm môi trường, mất nước sinh hoạt… là tình trạng phổ biến tại các khu nhà ở tái định cư dù mới được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Nhiều kiến nghị của người dân hết năm này sang năm khác không được giải quyết dứt điểm. Điển hình là các khu tái định cư như: Đền Lừ II, Đồng Tàu, Trung Hoà – Nhân Chính…Đáng chú ý, sau hàng loạt sự cố xảy ra mới đây tại các khu chung cư tái định cư khiến người người dân vô cùng bức xúc và hoang mang.

Đặc biệt, chỉ 2 ngày sau sự cố sụt lún nghiêm trọng nền sảnh tầng 1 toà nhà N5 khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai) thì chiều 14/8, bể nước 30 mét khối trên nóc chung cư N02 Láng Thượng (quận Đống Đa) bất ngờ bục vỡ, nước chảy xối xả khiến tòa nhà ngập trong nước, việc khắc phục sự cố đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Tòa nhà N02 Láng Thượng là chung cư tái định cư 11 tầng với 120 căn hộ và hơn 1000 nhân khẩu dưới sự quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội.

Dù mới được bàn giao, đưa vào sử dụng từ tháng 7/2014, hiện vẫn trong thời gian bảo hành hạng mục công trình nhưng từ đầu năm đến nay, bể nước trên nóc tòa nhà đã 2 lần bục vỡ, gây nhiều khó khăn cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Theo phản ánh của các hộ dân, bể nước này bục lần thứ nhất vào đầu năm 2016. Sau khi khắc phục, sửa chữa, đến nay lại tiếp tục bục vỡ. Toàn bộ 30 mét khối nước đổ ập gây ngập từ tầng 11 xuống đến tầng 1, đồng thời khiến 2 chiếc thang máy bị tê liệt.

Bà Đặng Thị Hiền ở căn hộ số 1003 bức xúc cho biết: “Tôi chưa từng sống ở nơi nào đáng sợ như ở đây. Bể nước thấm, bục liên tục khiến tường nhà tôi và một vài hộ xung quanh luôn ẩm mốc.

Mỗi lần bể bục, nước chảy ào ạt, thang máy không hoạt động, chúng tôi đi lại, sinh hoạt rất khổ. Chưa kể còn có các cháu nhỏ phải đi học, hay tầng dưới có cô cháu đang mang bầu, sắp đến ngày sinh nở mà mấy ngày thang hỏng, hôm nào cũng phải leo bộ cả chục tầng, rất vất vả”.

Bà Hiền cho biết thêm, ngay khi sự cố xảy ra, để tránh tình trạng nước tràn vào nhà và thang máy, người dân đã ngay lập tức hô hào nhau chặn nước, tát nước ra thang bộ.

Ghi nhận của phóng viên, đến 10h sáng 15/8, nước ở các tầng cơ bản đã được tháo và lau dọn cho khô thoáng. Nước chỉ đọng lại thành những vũng nhỏ ở hành lang tầng 7, tầng 10 và cabin trên nóc tòa nhà.

Người dân chung cư N02 phản ánh, trong sự cố bục bể nước hồi đầu năm nay, 2 chiếc thang máy bị tê liệt, ngưng sử dụng trong cả tháng trời. Khác với lần trước, lần này thang máy đã nhanh chóng được sửa chữa. Trưa 15/8, người dân đã có thể sử dụng thang và đi lại bình thường.

Ông Phùng Văn Tung, tổ trưởng Tổ dân phố cho biết, bể nước trên nóc chung cư không chỉ bị bục mà còn có hiện tượng thấm, rỉ nước. Cuối năm 2015, nước thấm sâu và theo đường ống nước chảy xuống dưới gây ra hiện tượng ẩm mốc ở nhiều căn hộ.

“Vấn đề nước thấm không chỉ xảy ra với bể nước trên nóc tòa nhà mà nước ngầm còn thấm từ dưới lên làm cho khu vực hầm để xe lúc nào cũng lõng bõng nước, nhiều khi bốc mùi hôi thối rất khó chịu, ngay cả trong những ngày nắng nóng”, ông Tung bức xúc nói.

Lý giải về nguyên nhân xảy ra sự cố, ông Phùng Văn Tung nhận định, khối lượng nước chứa trong bể là quá nhiều, trong khi kết cấu bể yếu, qua thời gian xảy ra hiện tượng thấm và bục vỡ.

Sau lần đầu xảy ra sự cố, đơn vị sửa chữa chỉ trát keo, dán các vết nứt, công tác khắc phục mang tính khắc phục tình thế, chưa triệt để nên bể nước lại tiếp tục bục vỡ. Nếu không kịp thời sửa chữa tận gốc, có thể những sự việc như vậy sẽ còn tiếp diễn.

Khu vực sụt lún tại khu chung cư Đồng Tầu. Ảnh: Nguyễn Minh Nghĩa-TTXVN

Sáng 15/8, Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và Khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) đã gửi công văn hỏa tốc số 2278/QLDV – QLVH về việc sửa chữa, bảo hành bể nước sinh hoạt tại tầng mái nhà N02 Láng Thượng đến Ban Quản lý Dự án và Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch quận Đống Đa.

Theo đó, để chủ động, kịp thời cung cấp nước sạch cho các hộ gia đình tại tòa nhà và khắc phục sự cố bể nước gây bức xúc dân sinh, Xí nghiệp đề nghị chủ đầu tư tòa nhà là Ban Quản lý dự án quận Đống Đa khẩn trương tiến hành kiểm tra, tổ chức sửa chữa hư hỏng và có thông báo tiến độ để các bên phối hợp thực hiện.

Để xử lý và khắc phục sự cố, phần đông người dân chung cư N02 cho rằng, cần thay bể chứa nước hiện tại bằng các bể chứa nước Inox, chia nhỏ khối lượng nước nhằm giảm áp lực cho bể chứa bê tông, tránh tình trạng bục vỡ như thời gian vừa qua.

Cần xử lý triệt để các tồn tại

Có thể thấy, sự cố bục bể nước tại chung cư N02 Láng Thượng một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng các chung cư ở Hà Nội, đặc biệt các chung cư tái định cư.

Trong khi đó, tại rất nhiều các cuộc giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về việc quản lý, sử dụng, vận hành quỹ nhà tái định cư cũng đã kết luận nhiều vấn đề tồn tại, đồng thời chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trực tiếp quản lý (đặc biệt là Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội) phải khẩn trương khắc phục.

Song đến nay, các đơn vị triển khai thực hiện rất chậm, chưa làm hết trách nhiệm được giao và thường đổ lỗi bởi vướng cơ chế chính sách, thiếu ý thức chấp hành của người dân, thiếu kinh phí duy tu, bảo trì…

Điều này đồng nghĩa với chất lượng sống, thậm chí tính mạng của người dân tại một số khu nhà tái định cư đang bị xuống cấp không được đảm bảo, mất an toàn.

PGS. TS Vũ Thị Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, các khu nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội nói chung đều xây dựng theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, dù chất lượng thế nào cũng được nghiệm thu, đưa vào sử dụng.

Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, rồi bàn giao cho đơn vị khác quản lý, gần như không còn trách nhiệm trong việc bảm đảm chất lượng trong suốt quá trình sử dụng. “Đó cũng chính là lý do vì sao chất lượng các khu nhà kinh doanh lại hơn hẳn các khu tái định cư”, bà Vinh nhấn mạnh.

Để nhà tái định cư không còn là nỗi “ám ảnh” với người dân khi nhà nước thu hồi đất, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách rõ ràng để nâng cao chất lượng nhà ở tái định cư.

Trước mắt, Hà Nội cần có quy trình, quy định vận hành, quản lý từng nhà, từng khu cho phù hợp với nguồn gốc hình thành; đồng thời, xây dựng phương thức quản lý tài sản nhà nước một cách tốt nhất theo hướng dịch vụ công ích, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng quy chế quản lý chung cư và định mức quản lý thu phí dịch vụ của dân.

Người dân Thủ đô “khốn đốn” vì nhà ở tái định xuống cấp. Ảnh minh họa: Hoàng Hải-TTXVN

Theo một số chuyên gia, để giải quyết triệt để những tồn tại, bất cập trong đầu tư xây dựng, quản lý quỹ nhà tái định cư, bên cạnh việc xử lý những vấn đề liên quan chất lượng xây dựng, kinh phí duy tu, bảo dưỡng…, việc xây dựng nhà tái định cư phải gắn với các công trình dịch vụ công cộng, khuyến khích người dân nhận đền bù bằng tiền để tự lựa chọn ngôi nhà mình ở.

Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, nhà tái định cư cũng nên coi là sản phẩm hàng hoá phải được đưa ra thị trường mới đánh giá được đúng chất lượng và nên thực hiện theo phương thức xã hội hoá, nếu không các khu tái định cư sẽ không khác gì các khu tập thể cũ đã đưa vào sử dụng từ 50 - 60 năm trước.

Từ năm 2001 đến nay, Hà Nội đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 166 tòa nhà tái định cư với 13.971 căn hộ.

Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội trực tiếp quản lý vận hành 108 tòa nhà; Tống Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội quản lý, vận hành 18 tòa; 12 tòa do chủ đầu tư hoặc đơn vị thi công được giao quản lý, vận hành sau khi hoàn thành đầu tư xây dựng; 28 tòa nhà do các hộ dân tự quản (là các tòa nhà không có thang máy)…/.

Xem thêm:

>> Sập nền sàn nhà chung cư ở Hà Nội: Người dân không khỏi lo lắng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục