Người Hàn Quốc đổ tiền vào đâu trong đại dịch COVID-19?

09:08' - 24/02/2022
BNEWS Căng thẳng và mệt mỏi vì đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến người tiêu dùng Hàn Quốc quyết định nuông chiều bản thân, mở hầu bao để mua sắm hàng xa xỉ và thử vận may với các loại hình xổ số.

Doanh số bán hàng tại trung tâm thương mại tăng vọt, xa xỉ phẩm thành "hot trend"

Các trung tâm thương mại vốn là đầu tàu trong ngành phân phối ở Hàn Quốc, mới chỉ 3~4 năm trước còn bị coi là một ngành công nghiệp thất thu do xu hướng mua sắm trực tuyến gia tăng và nhiều loại hình cửa hàng tiện lợi có cơ chế giảm giá, chiết khấu mạnh.

Tuy nhiên, với sự bùng phát của của đại dịch COVID-19, một xu hướng mới đã xuất hiện. Năm 2021, doanh số của bộ phận kinh doanh mặt hàng xa xỉ phẩm tại các trung tâm thương mại lớn đã tăng vọt và doanh thu xổ số của Hàn Quốc lần đầu tiên trong lịch sử vượt quá 5 nghìn tỷ won (4,19 tỷ USD).

 

Theo thống kê của lĩnh vực bán lẻ công bố hôm 19/2, doanh thu của các trung tâm thương mại lớn như Lotte, Shinsegae và Hyundai đã tăng đáng kể trong năm 2021 so với năm 2020 và có không ít các chi nhánh có doanh thu hàng năm vượt mốc 1 nghìn tỷ won.

Đặc biệt, trung tâm thương mại Shinsegae chi nhánh Gangnam, quận giàu có bậc nhất ở Seoul, đã có mức doanh thu hàng năm vượt 2,5 nghìn tỷ won, vượt qua chi nhánh Isetan Shinjuku của Nhật Bản và Gallery Lafayette của Pháp để trở thành trung tâm thuong mại có doanh số bán hàng đứng đầu thế giới.

Thống kê cho biết các trung tâm thương mại có cửa hàng của 'top 3 thương hiệu hàng xa xỉ' bao gồm như Louis Vuitton, Chanel và Hermes, đều là những chi nhánh có tên trong câu lạc bộ doanh thu 1 nghìn tỷ won.

Đối với Shinsegae, trung tâm thương mại sở hữu nhiều chi nhánh có cửa hàng của 'top 3 thương hiệu xa xỉ', lợi nhuận hoạt động năm 2021 là 517,3 tỷ won, tăng 484,6% so với năm 2020. Đây là mức cao kỷ lục, vượt qua lợi nhuận hoạt động năm 2019 (467,8 tỷ won) trước khi bùng nổ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Lợi nhuận hoạt động của riêng bộ phận kinh doanh tại trung tâm thương mại là 362,2 tỷ won, trong đó doanh số bán hàng xa xỉ tăng 44,9%, là yếu tố đóng góp quan trọng vào tổng lợi nhuận này.

Một quản lý cấp cao trong lĩnh vực phân phối cho biết doanh số bán hàng xa xỉ đã thúc đẩy doanh thu của tất cả các trung tâm thương mại. Người tiêu dùng Hàn Quốc không thể tham gia vào các hoạt động giải trí như du lịch nước ngoài do các quy định về cách ly, giãn cách phòng chống dịch bệnh kéo dài đã “phục thù mua sắm”. Đây chính là lý do doanh số bán hàng xa xỉ tăng mạnh.

Từ kết quả hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại có thể thấy tốc độ tăng trưởng doanh số của các thương hiệu cao cấp lớn vào thị trường Hàn Quốc cũng đang bùng nổ.

Các công ty con của Louis Vuitton, Chanel và Hermès tại Hàn Quốc lần lượt kiếm được 1,46,8 nghìn tỷ won, 929,6 tỷ won và 419 tỷ won trong năm 2020. Tăng trưởng doanh số của Louis Vuitton Hàn Quốc và Hermes ở Hàn Quốc lần lượt là 33,4% và 15,8%. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh lần lượt tăng 177,2% và 15,9%.

Doanh thu của Chanel Hàn Quốc giảm 12,6% vì không giống như các thương hiệu khác, hoạt động của cửa hàng miễn thuế cũng được phản ánh vào trong doanh thu công bố. Do đại dịch COVID-19, doanh số bán hàng của bộ phận miễn thuế giảm hơn 80%, trong khi doanh số bán hàng tổng hợp tại trung tâm thương mại và các cửa hàng bán lẻ tăng gần 30%. Lợi nhuận hoạt động chung của Chanel Hàn Quốc vẫn tăng 34,4%.

Doanh thu xổ số đạt mức kỷ lục

Một lĩnh vực khác cũng được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19 là các loại trò chơi có thưởng. Theo Bộ Chiến lược và Tài chính, tổng doanh thu xổ số trong nước đạt 5.975,5 tỷ won trong năm 2021, tăng 10,3% so với năm 2020.

Các nhà phân tích cho rằng nhu cầu mua vé số tăng lên vì quy định giãn cách xã hội khiến các hoạt động vốn thu hút người xem tham gia cá độ như đua ngựa, đua xe đạp bị thu hẹp.

Doanh thu bán vé xổ số ở Hàn Quốc tăng dẫn trong những năm qua với mức 4,2 nghìn tỷ won vào năm 2017, 4,4 nghìn tỷ won vào năm 2018 và 4,8 nghìn tỷ won vào năm 2019 và tăng mạnh lên 5,4 nghìn tỷ won trong năm 2020 khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng.

Theo loại hình, doanh thu xổ số đạt 5.137,1 tỷ won, tăng 8,4% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên doanh số bán vé số vượt quá 5 nghìn tỷ won. Vé số cào (19,8%), vé số hưu trí (29,2%), vé số điện toán (25,6%) có mức tăng trưởng cao./.

>>Niềm tin của người tiêu dùng Hàn Quốc giảm do dịch COVID-19 tái bùng phát

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục