Người trồng mía Tây Ninh "tố" bị các nhà máy đường ép giá

17:23' - 10/12/2015
BNEWS Vụ chế biến mía đường bắt đầu chưa đầy 1 tháng nhưng các nhà máy đường tại Tây Ninh gặp phải phản ứng gay gắt của nông dân. Người trồng mía cho rằng họ bị nhà máy đường ép giá và "đánh rớt" chữ đường.
Người trồng mía "tố" bị các nhà máy đường ép giá. Ảnh minh họa: Huỳnh Sử/TTXVN
 

Bước vào vụ chế biến chưa đầy một tháng, nhưng các nhà máy đường tại Tây Ninh gặp phải phản ứng gay gắt của nông dân. Bởi người trồng mía cho rằng bị nhà máy đường ép giá và "đánh rớt" chữ đường, gây thiệt hại nặng nề cho bà con. Nếu trước đây, tại thời điểm này, nông dân tại địa phương khẩn trương thu hoạch mía để giao cho nhà máy thì nay họ "ghim" mía lại. 

Ép giá, "đánh rớt" chữ đường

Ông Nguyễn Đăng Thuận (thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên) hợp tác trồng mía ở Campuchia với diện tích 800 ha, có hợp đồng tiêu thụ tại nhà máy cho biết, giữa tháng 11, gia đình thu hoạch và giao nhà máy đường Biên Hòa gần 1.300 tấn mía. Lượng mía này được được bộ phận kỹ thuật của nhà máy đo chữ đường bình quân là 8.3, tạp chất thực tế là 5%, nhà máy hỗ trợ 3%, gia đình bị trừ tiền 2%.

Tuy nhiên, sau đó, nhà máy đường Biên Hòa ngừng hoạt động, yêu cầu chở mía giao nhà máy đường Thành Thành Công (xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Ông Thuận đưa qua Thành Thành Công 600 tấn mía, nhưng bị nhà máy tại đây đánh rớt chữ đường còn 8 CCS; tạp chất bị tính tăng lên 7%, nhà máy hỗ trợ 3%. Như vậy, tạp chất thực tế bị trừ 4%, tăng gấp đôi so với nhà máy đường Biên Hòa. 

Ông Thuận cho biết thêm, với giống mía trồng và ở thời điểm hiện nay, mía của gia đình thấp nhất cũng phải đạt được 9 CCS. Cách tính này của nhà máy đường kể trên đã khiến ông Thuận chỉ thu được 770.000 đồng/tấn. Với giá này cùng mức năng suất 60 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, lỗ 9 triệu đồng/ha. Trong khi hiện giá mía "sô" (không tính tạp chất hay chữ đường), thương lái từ tỉnh Long An lên mua có giá lên đến 960.000 đồng/tấn.

Như vậy, nông dân bán cho nhà máy đường ở Tây Ninh sẽ bị mất 190.000 đồng/tấn. Do nhà máy đường ở Tây Ninh thu mua giá rẻ hơn so với giá thị trường nên ông dừng việc thu hoạch để yêu cầu nhà máy đường Thành Thành Công xem lại vấn đề này. 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Triển, hợp tác trồng mía ở Campuchia với diện tích 300 ha bức xúc cho rằng, năm trước, giá đường xuống thấp, người trồng mía đã chia sẻ với nhà máy đường để chấp nhận mức giá chỉ 950.000 đồng/tấn (10CCS). Năm nay, khi giá đường tăng trở lại 2.000 - 3.000 đồng/kg; nhưng giá thu mua mía nguyên liệu của các nhà máy tại Tây Ninh lại không tăng theo cam kết mua theo giá thị trường, trong khi đó, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long tăng giá mạnh. Chính vì vậy, dù diện tích mía đã đến ngày thu hoạch nhưng gia đình ông Triển vẫn để đó. 

Về phía nhà máy đường, tuy vào vụ chế biến gần một tháng, nhưng 2 nhà máy đường Biên Hòa và Thành Thành Công tại tỉnh Tây Ninh vẫn ì ạch, không đủ mía để chạy. Do vậy, Nhà máy đường Biên Hòa phải ngưng hoạt động hơn một tuần (từ 30/11 - 8/12) để dồn mía cho Nhà máy đường Thành Thành Công. Tuy nhiên, nhà máy này vẫn không đủ nguồn nguyên liệu hoạt động. 

Nhà máy đường nói gì? 

Nhập mía nguyên liệu vào nhà máy. Ảnh: Lê Đức Hoảnh/TTXVN

Trước thực tế này, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách nguyên liệu của Nhà máy đường Thành Thành Công giải thích, những trường hợp chữ đường bị rớt là do mía của nông đưa vào nhà máy lúc trời chưa dứt mưa, cây mía còn phát triển, chữ đường không cao. Do còn mưa, ruộng sình lầy, mía không được đưa thẳng về nhà máy kịp thời, bị bỏ bãi lâu, phơi ngoài đồng, chữ đường giảm. 

Ông Hùng cho biết thêm, để cây mía có chữ đường cao, nông dân phải chọn giống tốt, đồng thời phải tuân thủ kỹ thuật canh tác đúng theo hướng dẫn, như sử dụng phân bón đúng chủng loại và theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây mía. Mía đưa về nhà máy phải sạch lá, dưới 3% thì nông dân sẽ không bị trừ tạp chất. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội người trồng mía tỉnh Tây Ninh cho biết, trước sự phản ảnh và bức xúc của người trồng mía, Hiệp hội đã cử đại diện Ban lãnh đạo của Hiệp hội vào ngày 11/12 sẽ có buổi làm việc với nhà máy đường Thành Thành Công. Buổi làm việc sẽ tập trung về 2 nội dung chính là xem xét lại cách tính chữ đường và giá mía phải phù hợp với giá thị trường trên tinh thần nhà máy cùng chia sẻ lợi ích với người trồng mía, giúp người nông dân yên tâm sản xuất trong những vụ tới. 

Trước thực tế trên, nếu các nhà máy đường không kịp thời điều chỉnh chính sách thu mía phù hợp, cùng chia sẻ lợi ích với nông dân thì diện tích mía có thể tiếp tục giảm mạnh thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục