Nguồn năng lượng hồi sinh “thị trấn ma” Futaba

14:51' - 11/07/2022
BNEWS Futaba từng là nơi có hơn 7.000 người cùng làm việc và sinh sống, với những cửa hiệu đồ ăn tấp nập người qua lại và những con phố luôn tràn ngập tiếng cười.

Sau hơn một thập niên kể từ thảm họa tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Số 1 ở tỉnh Fukushima, Đông Bắc Nhật Bản, những người trẻ tuổi từ khắp nơi, cả trong và ngoài nước Nhật, đang nỗ lực hồi sinh thị trấn Futaba gần đó, nơi được xem là trung tâm của thảm họa.

Futaba từng là nơi có hơn 7.000 người cùng làm việc và sinh sống, với những cửa hiệu đồ ăn tấp nập người qua lại và những con phố luôn tràn ngập tiếng cười. Đó là khung cảnh trước ngày 11/3/2011 – thời điểm xảy ra thảm họa động đất-sóng thần và hạt nhân.

Sau thảm họa hạt nhân, những dãy nhà đổ nát, những khu phố bỏ hoang, những con đường không còn vẹn nguyên như trước, mới là những gì người ta mô tả về Futaba. Futaba một tháng sau thảm họa đã chẳng còn vang tiếng cười trẻ thơ và dần dần bỗng chốc trở thành một "thị trấn ma", theo cách gọi truyền thông.

Kể từ năm ngoái, sinh viên Masayuki Kobayashi của Đại học Tohoku đã hợp tác với những bạn học người Ấn Độ và một hiệp hội có trụ sở tại Futaba bắt tay vào phục hồi hình ảnh đã bị hoen ố của thị trấn ở tỉnh Fukushima này.

Họ đang mở rộng mạng lưới để thu hút sự tham gia của những người thuộc nhiều quốc tịch, lứa tuổi và kỹ năng, nhiều người trẻ tuổi và không có bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào đến khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở phía Đông Bắc Nhật Bản.

Họ mong muốn thu hút khách du lịch và phát triển các doanh nghiệp “cây nhà lá vườn” một cách bền vững.

Chẳng bao lâu nữa, Futaba có thể sẽ lại có người sinh sống, với lệnh sơ tán để tái thiết và phục hồi thị trấn dự kiến có thể sẽ được dỡ bỏ sớm nhất là trong tháng 7 này. Với việc toàn bộ cư dân Futaba phải sơ tán sau thảm họa hạt nhân, anh Kobayashi đã quyết tâm thay đổi nhận thức về thị trấn.

Anh Kobayashi chia sẻ: “Thị trấn được cho là không thể phục hồi nhưng nếu có thể đạt được mục tiêu đó, chúng tôi có thể nói với thế giới rằng không có gì là không thể".

Anh Kobayashi đã đưa ra ý tưởng lập nên tour tham quan mang tên PaletteCamp. Sát cánh cùng anh là hai đồng môn Trishit Banerjee, 24 tuổi và Swastika Harsh Jajoo, 25 tuổi, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Đại học Tohoku ở Sendai, tỉnh Miyagi. Cả ba đều là thực tập sinh của Hiệp hội Nghiên cứu du lịch khu vực quận Futaba.

Ý tưởng của tour tham quan này là để mọi người tương tác với cộng đồng địa phương thông qua các chuyến thăm tập trung vào Futaba và các khu vực lân cận, tận dụng các hoạt động vui chơi như yoga để tìm hiểu về văn hóa và lịch sử địa phương, thay vì các chuyến tham quan chỉ tập trung vào thảm họa.

PaletteCamp đã được tổ chức 3 lần kể từ tháng 10 năm ngoái, lần gần đây nhất là vào tháng 5.

Anh Tatsuhiro Yamane, người đứng đầu hiệp hội hỗ trợ dự án của 3 sinh viên trên, cho biết nếu cơ sở hạ tầng xã hội phù hợp, họ có thể khuyến khích nhiều người quay trở lại hoặc sống trong khu vực.

Anh Yamane cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có các doanh nghiệp nhỏ phát triển mạnh, đồng thời nhìn thấy tiềm năng du lịch ở một thị trấn lâu nay dựa vào nhà máy điện hạt nhân để tồn tại. Theo anh Yamane, tiến bộ trong cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm là rất quan trọng.

Anh nhận định: “Chúng ta phải có khả năng xây dựng nhiều thứ cùng một lúc. Sẽ không hiệu quả nếu chỉ xây dựng một tòa nhà. Điều quan trọng là tạo ra một cộng đồng có thể sử dụng cấu trúc đó”.

Cô Ainun Jariyah, 21 tuổi người Indonesia, đã có chuyến tham quan Futaba qua chương trình PaletteCamp. Cô nằm trong số khoảng 15 người tham gia chương trình mới nhất bao gồm trò chơi bingo ở thị trấn Namie, gần Futaba, để giới thiệu văn hóa và lịch sử địa phương của thị trấn, và tour đi bộ bằng tiếng Anh và tiếng Nhật ở Futaba.

Dù đã kết thúc chuyến tham quan, song mối liên hệ của Jariyah và những người tham gia với Futaba không kết thúc ở đó. Họ vẫn giữ liên lạc trực tuyến và hiện đang khám phá một dự án làm bánh quy với thiết kế Futaba "daruma" (búp bê Nhật Bản), là biểu tượng của thị trấn, làm quà lưu niệm.

Nhóm cũng đã xuất bản các bản tin, bằng cả tiếng Nhật và tiếng Anh, bản in và trực tuyến, để giới thiệu những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày ở Futaba.

Bên cạnh những nỗ lực hồi sinh Futaba của nhóm sinh viên trên, nhạc sĩ Yoshiaki Okawa, từng là cư dân của thị trấn, vẫn giữ vững và nỗ lực truyền đạt ký ức về quê hương của mình thông qua các buổi biểu diễn trên khắp đất nước.

Trong các buổi biểu diễn của mình, anh Okawa thường nói về tình yêu của mình dành cho Futaba, khung cảnh bình dị của thị trấn, cũng như cách nơi này đã truyền cảm hứng cho âm nhạc của người nghệ sĩ này. Một số sáng tác của Okawa là để tưởng nhớ những người bị ảnh hưởng trong thảm họa năm 2011.

Okawa hy vọng âm nhạc của mình sẽ xoa dịu nỗi đau và khuyến khích những cư dân Futaba "tiến lên phía trước”. Anh chia sẻ muốn thông qua âm nhạc của mình “giúp hàn gắn trái tim của mọi người”./.

>>>Cuộc sống hồi sinh tại thị trấn có nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục