Nguồn sinh khí tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới: Bài 2

11:20' - 29/12/2017
BNEWS Dù năm 2017 để lại dấu ấn tốt đẹp nhưng vẫn còn những điểm nghẽn sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 cũng như mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2016-2020.

Mặc dù đạt được 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nhưng có thể thấy, nền kinh tế năm 2017 vẫn còn khó khăn, đặc biệt những điểm nghẽn đang tồn tại sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 cũng như mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

 Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương tổ chức trong 2 ngày 28-29/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế.

Đó là tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, chất lượng và tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, năng suất lao động còn thấp. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhưng chất lượng, hiệu quả, quy mô hoạt động, sức cạnh tranh còn thấp. Tính kết nối giữa khu vực tư nhân trong nước và khu vực FDI còn nhiều hạn chế. 

Việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đạt thấp. Phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ, thất thoát.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu dựa vào việc gia tăng vốn đầu tư, thâm dụng lao động chi phí thấp và khai thác tài nguyên. Nên dù là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao song tốc độ tăng trưởng kinh tế đã và đang giảm khá nhanh từ 7,3% trong giai đoạn 1990 - 2000, xuống 6,7% (2001 - 2010) và tiếp tục giảm xuống 5,96% (2011 - 2016).

Mặc dù tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam đã tăng từ 5,29% năm 2016 lên 5,87% năm 2017 nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện sức cạnh tranh của nền kinh tế so với các nước trong khu vực.

Công nhân ngành dệt may sản xuất. Ảnh: TTXVN

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhìn nhận, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 4%, trong khi Trung Quốc là 7%. Với tốc độ như vậy sẽ đe dọa sự tụt hậu, kém hiệu quả trong sử dụng các yếu tố đầu vào.

Nợ xấu đang là một điểm nghẽn tuy đã có Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức tín dụng điều chỉnh nhưng vẫn chưa phát huy hiệu quả. Theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu còn ở mức cao làm giảm vai trò và hiệu lực của chính sách tiền tệ trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Cũng theo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nền kinh tế đạt thặng dư thương mại nhưng xuất khẩu phần lớn là do các doanh nghiệp FDI tạo nên.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa thiếu tính kết nối với các doanh nghiệp FDI nên việc thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chưa tạo nên tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước. Điều này dẫn tới vai trò của các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp nước ngoài còn hạn chế.

Với tiến trình hội nhập, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chỉ ra, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn thể hiện một số bất cập đã phần nào giảm hiệu quả của những chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế.

  

Hơn nữa, vấn đề được xem là cốt lõi dẫn dắt quá trình tăng trưởng trong năm 2017 là sự quyết liệt hành động vì một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Mặc dù đã ghi nhận được niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Phát triển chiến lược – Ngân hàng Nhà nước, những nỗ lực đó vẫn đang ở cấp cao nhất còn cấp dưới chuyển động còn chậm.

Lần đầu tiên tham dự Hội nghị trực tuyến Chị phủ và các địa phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá  năm 2017 đất nước đã đạt được những kết quả quan trọng, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho thêm nhiều bài học quý.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: “Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thoả mãn; không say sưa với thành tích, thắng lợi. Bởi vì đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức”.

Cụ thể là, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; xuất hiện xu hướng bảo hộ trở lại và chống tự do hoá thương mại và đầu tư ở nhiều nơi.

Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội nhưng không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục và đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp, sự chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, chắc chắn, khoa học mới có thể giải quyết được.

Đó là tình trạng làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở nhiều doanh nghiệp, dự án. Tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", "trên bảo dưới không nghe", kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi.

Thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

“Trong khi đó, chúng ta phải nỗ lực phấn đấu để nước ta không chỉ năm sau tiến bộ hơn năm trước mà phải phát triển nhanh và bền vững hơn để không tụt hậu, từng bước theo kịp các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành, các địa phương tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương./.

>>>>>>Nguồn sinh khí tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới: Bài 3

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục