Nguồn sinh khí tạo động lực cho giai đoạn tăng trưởng mới: Bài 3

11:22' - 29/12/2017
BNEWS Cùng với đánh giá tồn tại, hạn chế của năm 2017 để rút ra các bài học kinh nghiệm, kịch bản tăng trưởng năm 2018 đã được xây dựng nhằm ngay từ ngày đầu, tháng đầu có thể bắt tay ngay vào thực hiện.

Sản xuất linh kiện xe máy trên dây chuyền tại Công ty CP phụ tùng số 1-Khu công nghiệp Sông Công. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN

Theo Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 được Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV thông qua: GDP tăng từ 6,5 - 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), năm 2018, bối cảnh kinh tế thế giới tại các quốc gia và khu vực không có quá nhiều biến động, dự kiến tăng trưởng GDP thế giới ở mức 3,65%. Giá cả và thương mại thế giới được dự báo duy trì ở mức ổn định. Trong nước, quá trình cải cách pháp lý và cải thiện môi trường đầu tư tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Dự báo kinh tế Việt Nam có thể diễn ra theo 3 kịch bản.

Kịch bản thứ nhất, kịch bản trung bình là kịch bản cơ sở có nhiều khả năng xảy ra nhất. Theo đó tăng trưởng kinh tế năm 2018 của Việt Nam có thể đạt mức 6,71%, trong khi lạm phát duy trì ở mức thấp, khoảng 5%. 

Kịch bản này dựa trên cơ sở giả thiết tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục ổn định ở mức 3,65%. Trong nước, đầu tư khu vực nhà nước được cải thiện hơn cả về tốc độ, hiệu quả và giữ vai trò điều tiết nền kinh tế. Điều hành chính sách có cải thiện, thủ tục pháp lý và môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Mô hình kinh tế phần nào được chuyển đổi theo chiều sâu nhưng về cơ bản vẫn là nền kinh tế tăng trưởng dựa vào vốn và là nền kinh tế nhập siêu. Hệ thống tài chính khá ổn định, điều hành tài chính và tiền tệ tương đối linh hoạt.

Với kịch bản cao (kịch bản thứ hai), tăng trưởng kinh tế sẽ đạt khoảng 7% và lạm phát trung bình có thể ở mức 6%.

Theo NCIF, kịch bản này ít khả năng xảy ra hơn nhưng cũng có thể đạt được, nếu nền kinh tế đạt được những kỳ vọng như kịch bản trung bình.

Ngoài ra, những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách và điều hành kinh tế, tháo gỡ được những nút thắt của nền kinh tế; qua đó đem lại môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Ở kịch bản thấp (kịch bản 3), theo NCIF, tuy không nhiều khả năng nhưng vẫn có thể xảy ra nếu nền kinh tế Việt Nam gặp những khó khăn, bất lợi như tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn do tác động của biến đổi khí hậu, khu vực khai khoáng tiếp tục giảm sút, tăng trưởng khu vực dịch vụ gặp khó khăn, đặc biệt là dịch vụ du lịch không đạt được tăng trưởng như năm 2017.

Trong khi đó, những giải pháp kích thích tăng trưởng nền kinh tế trong năm 2017 không đạt hiệu quả ngay mà lại gây áp lực lạm phát gây bất ổn vĩ mô. Khi đó, nếu cộng hưởng thêm những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ thấp hơn năm 2017, khoảng 6,31% trong khi lạm phát có thể tăng trở lại ở mức 5% và có thể còn cao hơn tùy thuộc vào hiệu lực điều hành của các chính sách.

Theo các chuyên gia, để kinh tế Việt Nam hạn chế những rủi ro, phát triển theo đúng hướng, năm 2018 Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn; trong đó ưu tiên tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đề xuất Chính phủ tiếp tục kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh không cần thiết để cởi trói cho người dân và doanh nghiệp. Quyết liệt giải phóng các bộ, ngành ra khỏi chức năng chủ quản doanh nghiệp nhà nước mà chuyển giao chức năng này cho các công ty đầu tư tài chính để vận hành theo nguyên tắc thị trường.

Ông Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi các chính sách thuế phù hợp đảm bảo với cân đối nguồn lực và thúc đẩy kinh tế bền vững.

Xã viên Hợp tác xã chè Nhật Thức thu hái chè nguyên liệu. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN

Liên quan đến nguồn vốn cho xã hội, sản xuất, kinh doanh ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Phát triển chiến lược – Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành tham gia cùng hệ thống ngân hàng để hỗ trợ xử lý nợ xấu. Bởi nếu dòng tiền nợ xấu quay trở lại hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục được tái tạo đầu tư vào nền kinh tế. 

Về cải thiện năng suất lao động, theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung tương, từ năm 2018 trở đi, năng suất lao động phải tăng tối thiểu 6%/năm để đảo ngược tình hình, góp phần đưa nền kinh tế thay đổi về chất lượng tăng trưởng, rút ngắn thời gian tới đích thịnh vượng. 

Để hiện thực hóa việc này, các giải pháp được đề xuất đó là Chính phủ cần bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận nguồn lực đối với các loại hình doanh nghiệp cũng như có chính sách hợp lý nhằm tăng mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ.

Tuy nhiên, để tạo sinh khí, tạo động lực tăng trưởng mới, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Chính phủ cần có thông điệp mạnh mẽ thúc đẩy động lực của các địa phương, nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục