Nguồn vốn chính sách tại Hậu Giang - Bài cuối: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

09:33' - 26/07/2022
BNEWS Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh duy trì ở mức 0,85% trở xuống.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang Hồ Thu Ánh luôn yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cần phối hợp chặt chẽ nhằm củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng nguồn vốn chính sách.

* Bí thư kiêm Trưởng ấp làm tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn

Thêm chức Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, Bí thư kiêm Trưởng ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Lê Thanh Hà cho biết: Ấp có 285 hộ, trong đó có 146 hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 4,1 tỷ đồng.

 

Nhờ nguồn vốn vay thiết thực này đã giúp nhiều người dân có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Hiện trong ấp chỉ còn 6 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo. Hướng tới cuối năm 2022, một số hộ sẽ thoát nghèo, thoát cận nghèo do làm ăn có hiệu quả.

Bí thư, Trưởng ấp kiêm Tổ trưởng Lê Thanh Hà cho biết thêm: Ngân hàng Chính sách thông báo nguồn vốn về UBND xã, sau đó UBND chia vốn theo từng ấp. Mỗi ấp sẽ mời người dân bình xét cho hộ có nhu cầu theo quy định. Khi bình xét, các hội, đoàn thể sẽ mời hộ cho vay và tổ viên, tổ trưởng, tổ phó, trưởng ấp để bình xét mô hình sản xuất đã có cụ thể trước đó.

Nếu người có nhu cầu vay được trên 50% ý kiến đồng ý sẽ làm hồ sơ theo quy định của ngân hàng. Sau khi giải quyết cho vay, ngân hàng có phiếu kiểm tra vốn vay giúp ấp theo dõi người dân sử dụng vốn đúng mục, đạt hiệu quả.

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Thành A Nguyễn Văn Vũ cho biết: Phòng đã cho vay 20 chương trình. Từ dư nợ nhận bàn giao chưa đến 4 tỷ đồng, đến nay, dư nợ cho vay đã đạt trên 378 tỷ đồng với trên 12.000 hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn tín dụng, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, Phòng giao dịch tiếp tục tham mưu cho các cấp, ngành, lãnh đạo địa phương xem xét chuyển nguồn vốn ngân sách sang ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đây là nguồn vốn thiết thực để cùng nguồn vốn của Trung ương hỗ trợ người dân trên địa bàn.

Đồng thời, phối hợp, tham mưu tốt cho chính quyền địa phương củng cố, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn; trong đó, tham mưu cho chủ tịch UBND xã xem xét, đánh giá lại chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm vay vốn.

Ngoài ra, Phòng giao dịch sẽ phối hợp các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, giới thiệu những mô hình, cách làm hay để người dân xem xét, áp dụng nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

* Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết, thời gian qua, việc thực hiện quy định cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện mang lại hiệu quả tích cực, tạo công ăn việc làm, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cụ thể, mỗi năm trên địa bàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 – 1,5% , tạo từ 2.500 - 3.000 việc làm cho người dân.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận nguồn vốn vay nhằm mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo ông Nguyễn Thanh Triều, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội Hậu Giang là trên 3.100 tỷ; trong đó 99,8% là ủy thác cho hội, đoàn thể. 

Ngoài những chương trình triển khai của Trung ương, ngân hàng còn có những chương trình riêng theo điều kiện thực tế của Hậu Giang như: đối với người có công gặp khó khăn phải cầm cố sổ trợ cấp, Ngân hàng Chính sách xã hội đã có chương trình hỗ trợ vốn chuộc lại sổ để đảm bảo quyền lợi cho người có công. Sau này, đơn bị tiếp tục hỗ trợ vốn sản xuất cho những người có công với cách mạng.

Đồng thời, Ngân hàng cũng quan tâm đến các mô hình hiệu quả như: mô hình khởi nghiệp của thanh niên, phụ nữ và các mô hình sáng tạo khác. Từ đó, nhân rộng để lan tỏa những mô hình hay. Nhờ đó,  tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 1 đến 2%. Cụ thể từ năm 2015 - 2020, toàn tỉnh Hậu Giang có số hộ nghèo và cận nghèo giảm trên 15.000 hộ.

Thời gian tới, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh duy trì ở mức 0,85% trở xuống; hoạt động tín dụng chính sách đơn vị cấp xã 100% xếp loại tốt; tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn từ 75% trở lên; Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt bình quân từ 90 điểm trở lên; vốn huy động số dư tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng từ 10% đến 12% so với đầu năm, tương đương tăng từ 15 tỷ đồng trở lên, tăng trưởng của quý III tương đương 6 tỷ đồng...

Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hậu Giang, để nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác có sự phối hợp chặt chẽ và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ.

Đồng thời, chú trọng chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động giao dịch tại xã; chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan; nắm bắt tình hình thiên tại xảy ra ở các địa phương, những thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục