Nguy cơ kinh tế Thụy Sỹ thiệt hại nặng vì thuế quan của Mỹ

09:10' - 10/04/2025
BNEWS Trung tâm nghiên cứu kinh tế (KOF) của trường ETH Zurich ngày 9/4 cảnh báo rằng kế hoạch thuế quan mới của Mỹ có thể ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Thụy Sỹ.

Theo đó, chi phí xuất khẩu hàng hóa cao hơn có thể dẫn đến tổn thất thu nhập lên tới 0,5%.

Với mức thuế quan mới được Tổng thống Trump công bố vào tuần trước, Thụy Sỹ bị ảnh hưởng nặng nề với mức thuế 31%, cao hơn so với mức 20% của Liên minh châu Âu và 10% của Anh. Báo cáo của KOF cho rằng: “Căng thẳng thương mại do chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ gây ra rủi ro đáng kể cho nền kinh tế xuất khẩu của Thụy Sỹ”.

 

Trong một số viễn cảnh được phân tích, KOF ước tính "mất mát thu nhập thực tế" cho nền kinh tế Thụy Sỹ từ 0,2% đến 0,6% do mức thuế mới của Mỹ. Trung tâm nghiên cứu kinh tế này đánh giá: "Những mất mát thu nhập này có thể được coi là mất mát Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)".

So với các đối tác thương mại châu Âu như Đức và Pháp, Thụy Sỹ sẽ phải đối mặt với "tổn thất cao hơn đáng kể". Và đây chỉ là kịch bản hiện tại. KOF cảnh báo: "Nếu áp thuế đối với các sản phẩm dược phẩm, tổn thất thu nhập thực tế sẽ tăng mạnh".

Một yếu tố quan trọng khác là thời gian áp dụng các biện pháp này. Nếu rào cản thương mại tiếp tục tăng và nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, “hiệu ứng khuếch đại” có thể làm tăng tổn thất thu nhập thực tế lên 1,3 lần. Các biện pháp thuế quan này càng kéo dài thì tác động về mặt cấu trúc càng lớn.

Việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng và năng lực sản xuất không chỉ tốn kém mà còn gây ra sự không chắc chắn về chất lượng, hiệu quả và tính ổn định. KOF ước tính các hệ số mở rộng này là trên 1 và "cao hơn đáng kể trong những trường hợp cực đoan".

Báo cáo trên được đưa ra sau khi UBS cắt giảm dự báo GDP của Thụy Sỹ trong hai năm tới xuống còn 0,5% mỗi năm. Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ cho biết thuế quan mới của Mỹ tác động trực tiếp đến khoảng 1/3 lượng hàng xuất khẩu của Thụy Sỹ sang Mỹ, với các miễn trừ cho các sản phẩm dược phẩm và vàng. UBS lưu ý rằng, bên cạnh đồng hồ, các mặt hàng "nhạy cảm với giá" như máy móc và sản phẩm công nghệ y tế đặc biệt bị ảnh hưởng.

Tổng thống Thụy Sỹ Karin Keller-Sutter ngày 9/4 thông báo bà đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Donald Trump về thương mại và bày tỏ mong muốn sớm đạt được thỏa thuận với Washington.

Viết trên mạng xã hội X, bà Karin Keller-Sutter chia sẻ: “Trong cuộc điện đàm hôm nay, tôi đã nêu quan điểm của Thụy Sỹ về thương mại song phương và các cách để đáp ứng những kỳ vọng của Mỹ. Chúng tôi nhất trí tiếp tục thảo luận theo hướng có lợi cho cả hai nước. Và cùng mong muốn tìm được ra các giải pháp trong tương lai gần”.

Thụy Sỹ, quốc gia đã bãi bỏ thuế quan công nghiệp vào năm ngoái, có nền kinh tế định hướng mạnh mẽ vào giao dịch với phần còn lại của thế giới và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của quốc gia này.

Trước đó, một cuộc khảo sát các nhóm vận động hành lang và công ty trong ngành do Economiesuisse thực hiện cho thấy gần một nửa bị ảnh hưởng mạnh hoặc rất mạnh bởi thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Thụy Sỹ.

Cùng ngày, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ cũng ra thông báo bày tỏ mong muốn tăng cường trao đổi với Mỹ để tìm ra giải pháp cho các vấn đề liên quan cụ thể đến thương mại, kinh tế và tài chính. Hiện Chính phủ Thụy Sỹ quyết định thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo quan hệ song phương với Mỹ, đồng thời nói thêm rằng cơ quan mới này sẽ hoạt động cho đến cuối năm và có sự tham gia của tất cả các bộ phận.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục