Nguy cơ tái phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm

15:46' - 20/05/2020
BNEWS Thời tiết diễn biến bất thường, cùng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn và các hộ dân gia tăng đàn lợn, đàn gia cầm là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, thời tiết diễn biến bất thường, cùng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn (hơn 60% tổng số hộ chăn nuôi) và các hộ dân gia tăng tái đàn, tăng đàn lợn, đàn gia cầm là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ tái phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Hiện nay, tổng đàn gia cầm của thành phố Hà Nội là 33,5 triệu con nhưng nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm còn hạn chế…

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 của Hà Nội đạt từ 4,12% trở lên; trong đó, lĩnh vực chăn nuôi đạt mốc tăng trưởng 7,47%. Để thực hiện mục tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng là làm tốt phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản kiểm soát tốt. Tuy nhiên, dịch cúm gia cầm vẫn bùng phát lẻ tẻ tại một số địa phương như dịch cúm gia cầm A/H5N6, vừa qua lại xảy ra tại thôn Viên Ngoại (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) tại một hộ chăn nuôi, làm chết và tiêu hủy 15.305 con gà hậu bị (trên 3 tháng tuổi).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đi kiểm tra thực tế tại 15 quận, huyện, thị xã, từ ngày 1/3 đến 30/4 cho thấy, các địa phương đã thực hiện tốt chỉ đạo của thành phố về phát triển chăn nuôi, tái cơ cấu chăn nuôi, quản lý tái đàn, tăng đàn lợn. Do đó, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố có xu hướng phát triển, với  1,2 triệu con lợn; 33,5 triệu con gia cầm; 130 nghìn con bò thịt; 24,3 nghìn con trâu.

Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế, chỉ còn huyện Ứng Hòa phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 30 ngày; bệnh cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ đã qua 21 ngày. Mặt khác, các địa phương triển khai theo đúng kế hoạch về tiêm phòng đại trà đợt 1 năm 2020, bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, đúng quy trình; các loại vắc xin tiêm phòng được thành phố hỗ trợ, tỷ lệ tiêm đạt hơn 90%...

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các địa phương hướng dẫn người dân chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Các huyện tổ chức 3 đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường, phòng, chống dịch bệnh và phun thuốc diệt ruồi, côn trùng mùa nắng nóng; đồng thời, giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, phát hiện sớm các ổ dịch để xử lý, bao vây, khống chế, không để dịch lây lan; quản lý chặt chẽ việc tái đàn lợn; áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh để hạn chế dịch bệnh.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục