Nguy cơ thị trường tài chính toàn cầu rơi vào hỗn loạn nếu Mỹ vỡ nợ
Trong bài viết đăng tải trên tờ The Sydney Morning Herald, nhà báo, chuyên gia kinh tế Stephen Bartholomeusz cho biết, hôm 31/7, nước Mỹ đã chính thức chạm mức trần nợ công theo quy định và chính quyền của Tổng thống Joe Biden không thể phát hành thêm nợ mới.
Điều này buộc Washington phải thực hiện các biện pháp bất thường. Washington đã ngừng phát hành nợ mới, bán các khoản đầu tư và tạm hoãn các khoản thanh toán cho một số quỹ hưu trí của nhân viên chính phủ liên bang.
Bộ Tài chính Mỹ đã lên tiếng cảnh báo rằng cơ quan này sẽ sử dụng hết các biện pháp bất thường vào tháng 10 hoặc chậm nhất là tháng 11 tới. Ngày 8/9, trong một lá thư gửi tới Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thông báo ngân sách của Chính phủ Mỹ sẽ cạn kiệt vào tháng 10/2021.
Sự không chắc chắn về mức thu thuế của các doanh nghiệp và cá nhân đến hạn trong tháng này và chi tiêu cứu trợ liên quan đến dịch COVID-19 có nghĩa là Bộ Tài chính Mỹ không thể đưa ra ước tính cụ thể hơn.
Theo bà Yellen, nếu không tăng trần nợ công, nước Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử sẽ không thể đáp ứng được các nghĩa vụ của mình. Bà nói: “Chúng ta đã rút ra bài học ý nghĩa về giới hạn trần nợ công trong quá khứ, rằng việc chờ đợi đến phút chót để tạm hoãn hoặc tăng giới hạn nợ công có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, làm tăng chi phí vay ngắn hạn cho người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín nhiệm của Mỹ”.
Năm 2011 đã chứng kiến sự bế tắc tương tự, do mâu thuẫn giữa hai chính đảng Cộng hòa và Dân chủ, trong thời kỳ cầm quyền của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, vấn đề sau đó đã được giải quyết và nguy cơ vỡ nợ của Mỹ được ngăn chặn. Sự vụ đó dẫn đến kết quả là Tổ chức xếp hạng Standard & Poor's, lần đầu tiên trong lịch sử, hạ bậc tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất AAA xuống AA+ (thấp hơn 1 bậc).
Tới năm 2013 và năm 2018, những cuộc tranh cãi gay gắt và kéo dài khác đã nổ ra liên quan tới mức trần nợ công của Chính phủ Mỹ. Giai đoạn này rất nhiều các dịch vụ không thiết yếu của Chính phủ Mỹ bị đóng cửa, nhân viên buộc phải nghỉ phép và một số tổ chức thuộc chính quyền liên bang và cả các công viên quốc gia đều bị đóng cửa.
Trong tình huống lần này, 46 trong số 50 thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, vào tháng trước, đã cùng ký vào một lá thư cam kết không đồng thuận đình chỉ hoặc tăng trần nợ công cho chính phủ, thể hiện tính chất đảng phái thời kỳ hậu chính quyền cựu Tổng thống Trump. Diễn tiến đó sẽ khiến chính quyền của ông Biden khó khăn hơn trong đàm phán tăng trần nợ. Tại Thượng viện, đảng Dân chủ sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 10 đảng viên đảng Cộng hòa để có thể nâng trần nợ.
Mức trần nợ công của Mỹ hiện tại là 28.400 tỷ USD, áp dụng cho mức chi tiêu đã được Quốc hội Mỹ thông qua và do đó không liên quan gì tới con số 3.500 tỷ USD chi tiêu cho xã hội và môi trường trong đề xuất ngân sách của chính phủ hay 1.000 tỷ USD dự thảo chi cho cơ sở hạ tầng, hiện vẫn chưa được duyệt.
Thực tế hầu hết các khoản chi tiêu làm tăng nợ công của Mỹ lên mức vượt trần đều thuộc về chính quyền của ông Trump. Khi ông Trump bắt đầu lên nắm quyền và đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội, nợ chính phủ Mỹ dưới mức 20.000 tỷ USD. Cho tới tháng 1/2021, nợ chính phủ Mỹ đã tăng lên hơn 27.000 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tăng trưởng nợ là do chính sách cắt giảm thuế và chi tiêu liên quan đến đại dịch.
Giờ đây, đảng Cộng hòa đang yêu cầu lấy cải cách cơ cấu và thể chế của chính phủ Mỹ làm điều kiện để ủng hộ nâng trần nợ công. Họ muốn đảng Dân chủ phải cắt giảm chỉ tiêu cho các chương trình cốt lõi của đảng Dân chủ, như hệ thống chăm sóc sức khỏe Medicare và an sinh xã hội. Vấn đề trần nợ công đang mang đến một đòn bẩy cho đảng Cộng hòa.
Trong năm 2011, vào lúc đỉnh điểm của sự bất ổn, thị trường chứng khoán Mỹ đã suy giảm và lợi tức trái phiếu, lãi suất tăng vọt. Văn phòng Giải trình của Chính phủ Mỹ ước tính những tranh cãi và chậm trễ trong việc nâng giới hạn trần nợ công đã làm tăng thêm 1,3 tỷ USD vào chi phí đi vay trong năm 2011 của chính phủ và thậm chí vào các năm tiếp theo mức chi phí này còn tăng cao hơn.
Khoản nợ Chính phủ Mỹ hiện tại là 28.400 tỷ USD. Con số này tạo ra gần 350 tỷ USD chi phí lãi vay mỗi năm, trong một môi trường lãi suất cực thấp. Nhưng sẽ có thêm một chi phí rất thực tế khác xảy ra đối với nền kinh tế Mỹ và người đóng thuế do sự bế tắc kéo dài trong nền chính trị Mỹ.
Việc Mỹ vỡ nợ là điều gần như khó có thể hình dung ra được. Quốc hội Mỹ đã luôn tìm ra cách để ngăn chặn kết quả này, nhưng không thể loại trừ hoàn toàn, do nền chính trị Mỹ đã trở nên căng thẳng và khó đoán hơn kể từ năm ngoái - sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Với việc thị trường trái phiếu Mỹ luôn là trung tâm của hệ thống tài chính toàn cầu, đây vốn là “nơi trú ẩn an toàn” của thế giới trước bất kỳ dấu hiệu căng thẳng tài chính nào, đồng thời mang lại các tiêu chuẩn cho lãi suất toàn cầu. Trái phiếu chính phủ Mỹ cũng là tỷ lệ tham chiếu của hầu hết các tài sản tài chính và ảnh hưởng tới giá trị của tất cả các loại tiền tệ. Các thành viên đảng Cộng hòa đang đẩy nước Mỹ và cả thế giới vào nguy cơ của một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác.
Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng đảng Cộng hòa đang chơi một trò chơi cá cược chính trị đỉnh cao, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Một vụ vỡ nợ thực sự sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được và trong quá trình đó, nước Mỹ sẽ đánh mất vị thế của mình trên trường quốc tế.
Với vai trò định hướng của thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu, Mỹ không chỉ có thể đi vay với giá rẻ hơn các nền kinh tế khác, mà chính sức mạnh của đồng USD và sự thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu đã đem tới cho quốc gia này sức mạnh bá chủ.
Hy vọng rằng lịch sử sẽ giúp cho nước Mỹ tiếp tục vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và thành công tránh được tình trạng vỡ nợ. Bởi vì sẽ không thể tìm được bất kỳ giải pháp thay thế nào khác nếu nền tài chính và kinh tế toàn cầu một lần nữa sụp đổ./.
- Từ khóa :
- mỹ
- vỡ nợ
- kinh tế mỹ
- trần nợ công
- bộ tài chính mỹ
- quốc hội mỹ
Tin liên quan
-
Ý kiến và Bình luận
Mỹ hối thúc G7 thực hiện cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu
08:15' - 11/09/2021
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi các quốc gia thành viên G7 nhanh chóng thực hiện kế hoạch cải cách thuế toàn cầu nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế.
-
Kinh tế Thế giới
Mỹ sẽ cạn kiệt ngân sách vào tháng 10/2021
09:19' - 09/09/2021
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen ngày 8/9 cảnh báo Chính phủ nước này sẽ hết tiền vào tháng 10/2021, trừ khi Quốc hội có hành động cụ thể để nâng trần nợ công.
-
Kinh tế Thế giới
Hạ viện Mỹ sẽ tranh luận về kế hoạch đầu tư trị giá 3.500 tỷ USD
10:16' - 08/09/2021
Ủy ban Tài chính và Thuế vụ của Hạ viện Mỹ dự định sẽ tiến hành tranh luận về kế hoạch đầu tư trong nước trị giá 3.500 tỷ USD trong hai ngày 9-10/9.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính & Ngân hàng
Đồng USD duy trì sát mức cao nhất trong 13 tháng
15:39' - 22/11/2024
Trong phiên 22/11, đồng USD vẫn ở sát mức cao nhất trong 13 tháng khi các nhà đầu tư đánh giá về lộ trình lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
-
Tài chính & Ngân hàng
Thái Lan lên kế hoạch hoãn thanh toán lãi trong 3 năm với các khoản nợ xấu
09:18' - 22/11/2024
Bộ Tài chính Thái Lan đã ấn định ngày cắt hạn cho các khoản nợ xấu là ngày 31/10/2024, để ngăn chặn các tài khoản mới cố tình vỡ nợ nhằm tham gia chiến dịch.
-
Tài chính & Ngân hàng
Bitcoin nối dài đà tăng, tiến sát ngưỡng 100.000 USD
22:16' - 21/11/2024
Đà tăng của Bitcoin vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi đồng tiền điện tử này đã vượt qua mốc 98.000 USD trong ngày 21/11.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngân hàng trung ương Nga có thể giảm lãi suất vào năm 2025
16:10' - 21/11/2024
Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina không loại trừ việc giảm dần lãi suất cơ bản vào năm 2025 nếu lạm phát chậm lại và không có cú sốc mới bên ngoài.
-
Tài chính & Ngân hàng
Ngân hàng Trung ương châu Âu cảnh báo về bong bóng cổ phiếu AI
08:35' - 21/11/2024
Ngày 20/11, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo rằng bong bóng cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) có thể phát nổ bất ngờ nếu kỳ vọng lạc quan của nhà đầu tư không được đáp ứng.
-
Tài chính & Ngân hàng
Tỷ giá euro-yen có thể giảm vào cuối năm 2025?
17:50' - 20/11/2024
Tỷ giá giữa đồng euro và yen đang ngày càng được quan tâm do chính sách khác biệt giữa hai khu vực.
-
Tài chính & Ngân hàng
Cựu quan chức IMF thúc giục các quốc gia kiểm soát nợ
14:10' - 20/11/2024
Ông Raghuram Rajan, người từng là nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cảnh báo các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, không thể để nợ công tiếp tục gia tăng.
-
Tài chính & Ngân hàng
WHO huy động được gần 4 tỷ USD thông qua cơ chế tài chính mới
12:05' - 20/11/2024
Ngày 19/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã huy động được gần 4 tỷ USD thông qua một cơ chế mới, qua đó giúp đáp ứng nhu cầu tài chính của tổ chức này trong 4 năm tới.
-
Tài chính & Ngân hàng
IMF cảnh báo hệ lụy từ chính sách thuế “ăn miếng, trả miếng”
17:50' - 19/11/2024
Chính sách thuế quan đáp trả lẫn nhau có thể làm suy yếu triển vọng kinh tế của châu Á, làm tăng chi phí và gây đứt gãy chuỗi cung ứng,