Nguyên nhân nào khiến Amazon lỗ ròng?

08:01' - 30/04/2022
BNEWS Trong những năm gần đây, “đại gia” thương mại điện tử Amazon.com Inc đã chi hàng tỷ USD cho các kho hàng mới và khiến lợi nhuận của tập đoàn suy giảm.

Amazon giải thích cho các nhà đầu tư rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

 

Nhưng theo các nhà phân tích, Amazon có lẽ đã xây dựng quá nhiều nhà kho trong thời gian quá gấp.

Hôm 28/4, nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã báo cáo khoản chi phí tăng thêm tới 2 tỷ USD do năng lực vận chuyển và đáp ứng đơn hàng của họ dư thừa.

Đây là một sự thay đổi đáng kể so với chỉ hai năm trước, khi Amazon phải từ chối hàng hóa của các thương gia vì chỉ còn chỗ cho các sản phẩm thiết yếu.

Báo cáo cũng cho hay lợi nhuận hoạt động của tập đoàn giảm 59% xuống còn 3,7 tỷ USD trong quý đầu tiên của năm nay, trong khi cổ phiếu của Amazon tại nhà sản xuất xe điện Rivian sụt giảm dẫn đến khoản lỗ ròng đầu tiên của tập đoàn kể từ năm 2015 tới nay.

Giám đốc Tài chính Brian Olsavsky cho biết tập đoàn sẽ giảm kế hoạch chi tiêu cho sản xuất vào năm 2022.

Theo đó, Amazon sẽ chi tiêu cho các dự án hoàn thiện trong năm nay ít hơn so với năm ngoái, trong khi các khoản đầu tư vào vận tải sẽ giữ nguyên hoặc điều chỉnh giảm nhẹ.

Tình hình bắt đầu thu hút sự chú ý vào nửa cuối năm 2021. Amazon khi đó đang trên đà tăng gấp đôi quy mô mạng lưới kho hàng và giao vận của mình, một việc cần thiết do xu hướng mua sắm tại nhà của người tiêu dùng trong mùa dịch COVID-19 tăng cao.

Lần đầu tiên, không gian không phải là hạn chế chính của nhà bán lẻ: vấn đề đảm bảo đủ lao động cho các cơ sở mới khiến doanh nghiệp đau đầu. Với quy mô của Amazon, điều đó có nghĩa là họ phải thuê tới 270.000 công nhân trong vòng sáu tháng.

Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh năm ngoái, nhu cầu của người tiêu dùng giảm dần như thường xảy ra. Kết quả mới nhất của Amazon cho thấy doanh số bán hàng trực tuyến đã sụt giảm so với cùng kỳ một năm trước. Các cửa hàng truyền thống vẫn đón chào người mua sắm khi làn sóng Omicron dần lắng xuống, trong khi nhiều người khác phải phân vân giữa việc mua hàng và đổ xăng cho ô tô giữa lúc giá nhiên liệu tăng phi mã.

Ông David Glick, cựu Phó Chủ tịch Amazon và hiện là Giám đốc công nghệ của công ty cung cấp dịch vụ ODF (cho phép nhà bán hàng kết nối với các trang thương mại điện tử thông qua nền tảng của phía cung cấp ODF) Flexe, cho biết không gian dư thừa không phải là thách thức lớn của Amazon.

Theo ông, Amazon có thể đi trước hơi sớm về khả năng đáp ứng đơn hàng của mình, nhưng họ sẽ phát triển vượt mức công suất đó trong năm tới. Một chương trình mới dành cho Amazon để lưu trữ và vận chuyển hàng hóa mà các thương gia độc lập trực tiếp bán cho người tiêu dùng, được gọi là Buy with Prime (Mua hàng với Prime) cũng có thể hỗ trợ nhà bán lẻ này.

Đồng ý với nhận định trên, ông Michael Pachter, một nhà phân tích tại công ty môi giới đầu tư Wedbush Securities, cho rằng sau cùng Amazon cũng sẽ cần những kho hàng này. Nhưng tiết lộ của Amazon không mang lại nhiều an ủi cho thị trường.

Ông Pachter lưu ý rằng Amazon đã tăng gấp đôi công suất vốn được xây dựng trong hơn hai thập kỷ chỉ trong 24 tháng – một thời gian quá ngắn. Ông đặt câu hỏi tại sao Amazon không làm điều đó trong 48 tháng?

Báo cáo của Amazon cho biết hoạt động đặt đơn hàng vẫn như cũ. Tuy nhiên, Giám đốc Olsavsky nói với các phóng viên rằng quy mô của công ty dường như vượt quá mức so với nhu cầu hiện tại.

Ông vẫn nói rằng Amazon không hối tiếc vì điều này, rồi lại chia sẻ với các nhà phân tích rằng nhiều quyết định xây dựng đã được đưa ra từ 18 đến 24 tháng trước. Vì vậy, có những hạn chế về những gì công ty có thể điều chỉnh vào giữa năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục