Ford, Boeing đưa ra dự báo tích cực về triển vọng lợi nhuận

07:00' - 29/04/2022
BNEWS Ban lãnh đạo Ford cho biết do nhu cầu tiêu dùng mạnh, nguồn cung ô tô hạn chế và lạm phát ở mức cao đã khiến giá bán ô tô tăng mạnh, giúp các nhà sản xuất bù đắp được chi phí thép, niken.

 

Công ty sản xuất ô tô Ford (Mỹ) ngày 27/4 đưa ra dự báo lạc quan về triển vọng lợi nhuận trong năm nay, trong bối cảnh doanh số bán hàng theo quý giảm nhưng giá bán xe tăng cao đã giúp bù đắp những ảnh hưởng từ chi phí vận hành tăng và tình trạng thiếu hụt chip bán dẫn.

Ban lãnh đạo Ford cho biết do nhu cầu tiêu dùng mạnh, nguồn cung ô tô hạn chế và lạm phát ở mức cao đã khiến giá bán ô tô tăng mạnh, giúp các nhà sản xuất bù đắp được chi phí thép, niken và vận tải hàng hóa tăng vọt. Theo số liệu từ trang Edmunds.com, trong quý I, giá bán trung bình của một chiếc xe tải Ford F-150 là 57.514 USD, tăng 16% so với năm 2020. Ford đã ghi nhận khoản lỗ 3,1 tỷ USD trong quý I liên quan đến khoản đầu tư vào công ty sản xuất xe tải điện Rivian, với doanh thu giảm 5% xuống còn 34,5 tỷ USD. Tuy nhiên, hãng vẫn giữ nguyên dự báo lợi nhuận được điều chỉnh trước lãi vay và thuế trong năm 2022 trong khoảng từ 11,5 - 12,5 tỷ USD.

Mặc dù nguồn cung thiết bị bán dẫn vẫn hạn chế trong hai tháng đầu năm, nhưng sản lượng đã cải thiện đáng kể trong tháng 3. Giám đốc Tài chính Ford John Lawler xác nhận công ty đã chủ trương nâng giá sản phẩm để bù đắp xu hướng chi phí gia tăng. Dự kiến trong nửa cuối năm 2022, Ford sẽ tung ra thị trường thêm nhiều loại xe mới.

 

Cùng ngày, công ty chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) đã công bố khoản lỗ 1,2 tỷ USD trong quý I, tăng gấp đôi so với mức lỗ 537 triệu USD cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu quý I của Boeing đạt 14 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Giám đốc điều hành Boeing - Dave Calhoun, nguyên nhân của khoản thua lỗ trên là do các khoản chi phí một lần trong hoạt động kinh doanh ở Nga, chi phí vận hành chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ cũng như việc hãng này tiếp tục hoãn đưa ra thị trường dòng máy bay Boeing-787 do các vấn đề về sản xuất. Những con số tiêu cực này đã khiến giá cổ phiếu của Boeing giảm mạnh xuống còn 154,46 USD/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, Boeing cũng ghi nhận một số tín hiệu tích cực trong mảng kinh doanh máy bay thương mại, tiến triển trong việc bàn giao dòng máy bay Boeing-737 MAX - vốn bị cấm bay hơn một năm sau các vụ tai nạn thảm khốc năm 2018 và 2019. Cụ thể, trong quý I, số lượng máy bay Boeing-737 MAX được ban giao đã tăng mạnh và hãng đang trong quá tình nâng sản lượng của dòng máy bay này lên 31 chiếc/tháng trong quý II. Đối với dòng máy bay 777X, công ty dự định bàn giao những sản phẩm đầu tiên vào năm 2025, mang về khoản lợi nhận lên tới 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, Boeing vẫn chưa công bố thời điểm nối lại việc bàn giao dòng máy bay 787, nhưng cho biết đã nộp kế hoạch xin cấp chứng nhận an toàn lên Cơ quan Hàng không dân dụng liên bang Mỹ (FAA).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục