Nguyên nhân nông sản rớt giá mạnh tại Tây Nguyên

11:46' - 24/03/2018
BNEWS Hiện nay, giá một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của các tỉnh Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su…đang “rớt giá “ mạnh khiến người sản xuất lao đao.
Cà phê đang là một trong số các mặt hàng nông sản "rớt giá" mạnh khiến người sản xuất lao đao. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Cụ thể, giá hồ tiêu giảm liên tục xuống chỉ còn 50.000 đến 51.000 đồng/ kg, giá cà phê nhân giảm xuống chỉ còn 36.500 đến 36.800 đồng/kg, gần sát với giá thành sản xuất, trong đó, giá thành sản xuất của hồ tiêu là 45.000 đến 47.000 đồng/kg, cà phê cũng từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg.

Thống kê cho thấy, hiện nay tại 5 tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cà phê tăng lên đến gần 583.000 ha, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất, kế đến là tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai và địa phương có diện tích cà phê thấp nhất là tỉnh Kon Tum (hơn 16.600 ha).

Ngoài ra, đối với cây hồ tiêu tại khu vực này cũng có tổng diện tích gần 85.500 ha, tăng gần gấp đôi so với quy hoạch, Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất với trên 42.560 ha, tăng 250% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, theo các đơn vị chức năng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các nông hộ ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu, cà phê không theo quy hoạch, kế hoạch. Chẳng hạn như đối với cây hồ tiêu, trong vài năm trở lại đây có lúc giá tăng lên đến 220.000 đồng/kg nên các nông hộ bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng ồ ạt tăng diện tích. Thậm chí, các cấp chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát được dẫn đến tình trạng được mùa mất giá như hiện nay.

Để cải thiện tình trạng này, theo GS-TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trước mắt cần phải tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp nói chung và các loại cây nông sản chủ lực nói riêng, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng của các mặt hàng này gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên phải tiến hành quy hoạch các loại cây nông sản này phát triển theo chỉ dẫn của thị trường, gắn với lợi thế so sánh của từng vùng, liên vùng theo từng loại sản phẩm.

Đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên nên giảm diện tích cây phê xuống chỉ còn 530.000 ha (trong vùng quy hoạch, Đắk Lắk giảm xuống còn 190.000 ha, Lâm Đồng 150.000 ha, Đắk Nông 115.000 ha và Gia Lai còn 75.000 ha).

Ngoài ra, chuyển diện tích trồng các loại cây kém hiệu quả , khó tiêu thụ, giá cả bấp bênh sang các loại cây trồng khác có thị trường, có thu nhập cao hơn. Đặc biệt, trong điều kiện hạn hán ngày càng khốc liệt, các tỉnh Tây Nguyên cần chuyển một số cây trồng ngoài vùng quy hoạch có yêu cầu nước lớn hơn sang các loại cây trồng có nhu cầu nước thấp hơn, có khả năng chịu hạn tốt hơn nhưng cho thu nhập cao hơn cây trồng cũ.

Cụ thể, chuyển một số diện tích cà phê ngoài vùng quy hoạch sang trồng các loại cây ăn quả lâu năm như sầu riêng, bơ. mít nghệ…cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây cà phê, hồ tiêu.

Cùng với việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định,lâu dài, các doanh nghiệp ở vùng Tây Nguyên cần phải gắn sản xuất với thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm.

GS-TS Trần Đức Viên cũng cho rằng cần kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Khoa học- Công nghệ, các ngân hàng và các tỉnh Tây Nguyên xây dựng chương trình hỗ trợ và có cơ chế chính sách thuận lợi để xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh công nghệ cao, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân để đưa cac ngành hàng nông sản chủ lực của Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị nội địa và chuỗi giá trị toàn cầu…/.

>> Giải cứu nông sản sao lại cứ "đến hẹn lại lên"?

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục