Nhà đầu tư là đối tượng cần được bảo vệ nhất trên thị trường chứng khoán

20:31' - 28/07/2020
BNEWS Chiều 28/7, Câu lạc bộ nhà báo chứng khoán tổ chức tọa đàm Ký ức và kỳ vọng kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam, với sự tham dự của những nhà quản lý, nhà đầu tư, công ty chứng khoán...

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đầu tiên, ông Lê Văn Châu chia sẻ, ngay từ đầu những năm trước năm 1990, các vị lãnh đạo khi cải cách kinh tế đã nghĩ đến việc làm thế nào để có vốn đầu tư phát triển.

Quá trình đó dẫn dắt đến việc thành lập Ủy ban Chứng khoán. Buổi đầu mới thành lập rất khó khăn từ nhân sự đến vật chất, quá trình chuẩn bị mở thị trường cũng rất ngắn, chỉ khoảng 3- 4 năm.

Ban đầu có 15 công ty được Ủy ban Chứng khoán chuẩn bị tham gia thị trường, nhưng chỉ cách 2 – 3 ngày lại có công ty xin không tham gia nữa. Vì vậy, cơ quan quản lý cần thật sự quyết tâm và đã quyết định nếu có 1- 2 công ty tham gia cũng sẽ cho mở thị trường.

Ông Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời điểm đầu tiên khi xây dựng thị trường chứng khoán từ bàn tay trắng nên rất khó khăn. Thời điểm đó hệ thống ngân hàng, tiền tệ chưa phát triển, hoạt động cổ phần hóa còn hạn chế. Đa phần các công ty nhà nước không muốn lên sàn. Đội ngũ cán bộ quản lý, vận hành thị trường còn chưa hiểu hết về thị trường chứng khoán.

Trải qua rất nhiều khó khăn để phát triển thị trường thì đến nay thị trường chứng khoán đã có những bước tiến lớn, nhà đầu tư cũng có kinh nghiệm hơn. Nếu mở được thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp thì thị trường gần như hoàn thiện. Ông Bằng cho hay.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), điều quan trọng nhất trong phát triển là thị trường cần minh bạch và đối tượng cần được bảo vệ nhất là nhà đầu tư.

"Nếu chỉ nói chung chung tính minh bạch thì rất khó, nhưng cuối cùng phải xác định được đối tượng cần bảo vệ. Những người nào không chủ động được hành vi của mình là những đối tượng cần được bảo vệ nhất. Vì vậy theo tôi, nhà đầu tư là đối tượng cần được bảo vệ nhất trên thị trường", ông Hưng nói.

Ông Hưng cho rằng, đối tượng bảo vệ ở đây không có nghĩa là “cầm tay chỉ việc” nhà đầu tư mà là đưa ra những chuẩn mực nhất định để áp dụng công bố thông tin minh bạch.

Theo Chủ tịch SSI, chuẩn mực thì không bao giờ hoàn thiện, luôn cập nhật sửa đổi nhưng hướng đến đối tượng cần bảo vệ nhất là nhà đầu tư trong nước.

Ông Hưng cũng cho rằng, tiền trong dân còn rất nhiều và thị trường có muốn tồn tại hay không thì phải chuyển được tài khoản tiết kiệm của người dân vào thị trường chứng khoán. Đây mới là kênh huy động quan trọng nhất của thị trường.

Theo ông Lê Hải Trà, Phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), tính từ năm 2006 đến nay, các công ty chứng khoán tăng trưởng vốn chủ sở hữu khoảng 41% năm, tính về giá trị thì khối các công ty chứng khoán tăng trưởng vốn chủ sở hữu khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng/năm.

Đây là con số khá ấn tượng, nhưng so với hệ thống ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường chứng khoán thì con số này còn kém tới khoảng 6 lần. Mỗi năm hệ thống ngân hàng thương mại niêm yết huy động được hơn 32.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu. 

Vì vậy, ông Trà cho rằng, trong thời gian tới, một trong những việc quan trọng nhất của thị trường chứng khoán là tăng quy mô vốn của công ty chứng khoán để các công ty chứng khoán có khả năng, năng lực cung cấp dịch vụ đầy đủ hơn, toàn diện hơn cho các nhà đầu tư ở trên thị trường.

Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng nhận định, chặng đường phát triển thị trường chứng khoán trong thời gian tới dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời kỳ ban đầu xây dựng thị trường chứng khoán là gian nan, vất vả hơn rất nhiều so với chặng đường sắp tới.

 

Ông Dũng nhìn nhận, với nền tảng nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn lên rất nhiều sau 20 năm sẽ là “vốn” để quản lý và vận hành thị trường chứng khoán trong giai đoạn tiếp theo.

“Các thế hệ đi trước đã đưa thị trường chứng khoán thành khái niệm và đưa khái niệm đấy vào cuộc sống. Giai đoạn tới là giai đoạn thị trường chứng khoán sẽ được ghi nhận, phát triển và thể hiện vai trò của mình”, ông Dũng nói.

Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho rằng, điều quan trọng là tạo dựng được lòng tin của nhà đầu tư với cơ quan quản lý, đây là lòng tin để cơ quan quản lý xây dựng cơ sở pháp lý tốt hơn, tổ chức hệ thống, thanh tra giám sát hiệu quả.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, cơ quan quản lý coi việc phát triển nhà đầu tư cá nhân cũng quan trọng như phát triển nhà đầu tư tổ chức, bởi hiện nay mới có hơn 2,5 triệu tài khoản chứng khoán được mở, nhưng số lượng giao dịch thực tế ít hơn nhiều. Trong khi đó, dân số của Việt Nam đã đạt tới 100 triệu người và số lượng tài khoản tiền gửi tiết kiệm cũng rất lớn./.

>>> Những dấu mốc thăng trầm 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục