Tâm lý ngại rủi ro và bẫy nợ: “Chướng ngại vật” trên thị trường chứng khoán Mỹ

22:01' - 26/07/2020
BNEWS Những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, với số ca mắc mới đảo chiều tăng cao trong khi tăng trưởng phục hồi chậm và bất ổn chính trị leo thang đang được cảm nhận rõ hơn bao giờ hết ở Phố Wall.

Theo bộ phận nghiên cứu toàn cầu của ngân hàng Bank of America (BoFA), đà phục hồi chứng khoán Mỹ đã đột ngột dừng lại trong tuần này, khiến giới đầu tư đã chuyển hướng rót 24,5 tỷ USD vào thị trường trái phiếu, trong khi rút 3,8 tỷ USD  khỏi thị trường cổ phiếu.

Trong khi đó, giá vàng tăng mạnh còn đồng USD lại rơi xuống mức thấp nhất của gần hai năm, một phần do các nhà đầu tư quyết định thoái vốn khỏi một số tài sản được định giá bằng đồng USD để chuyển hướng sang khu vực châu Âu. Trên thị trường trái phiếu, lợi tức của Chứng khoán chính phủ bảo vệ nhà đầu tư khỏi lạm phát (TIPS), vốn được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát – gần như ở mức thấp nhất từ trước tới nay.

Nhận định về các diễn biến này, người phụ trách mảng trái phiếu toàn cầu tại tập đoàn quản lý tài sản toàn cầu Janus Henderson Investors Nick Maroutsos cho biết: “Chúng tôi đang thật sự lo ngại”, bởi trong hoàn cảnh hiện nay, các nhà giao dịch không thể lựa chọn đầu tư một cách mù quáng.

Giải thích về lý do chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong thời gian qua, chuyên gia Maroutsos cho biết một số nhà đầu tư lo sợ sẽ bỏ lỡ đà tăng của thị trường. Họ hy vọng rằng các biện pháp kích thích kinh tế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục khiến giá trị tài sản có rủi ro tăng cao, và đó là lý do họ chuyển hướng sang đầu tư vào những tài sản này.

Trước đó, Fed đã cam kết mua tài sản tài chính không giới hạn. Trong khi phần lớn các giao dịch mua bán này chỉ bao gồm trái phiếu và chứng khoán thế chấp, việc thể chế này thông báo sẽ thúc đẩy thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã tạo ra một "cơn sốt" mới trên các thị trường trái phiếu và cổ phiếu.

Tuy nhiên, hiện nay, những yếu tố đang làm quan ngại giới đầu tư đó là khả năng các trường hợp mắc COVID-19 tăng cao ở các bang miền Nam và miền Tây nước này, căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh, đi cùng những biến động tiềm ẩn bắt nguồn từ cuộc bầu cử Tổng thống vào ngày 3/11 tới và quy mô nợ khổng lồ tích lũy từ các biện pháp nhằm chống lại tác động của COVID-19.

Trong bối cảnh đó, cuộc họp vào các ngày 28-29/7 sắp tới của Fed được cho là có thể mang lại bước ngoặt đối với nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong, theo một cuộc thăm dò của Reuters.

Cùng với đó, vấn đề nợ cũng đang đặt ra nhiều thử thách cho nền kinh tế Mỹ. Jeffrey Gundlach, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản Doubleline Capital, cho biết ông lo ngại về quy mô nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn đã được tích lũy thông qua nhiều chương trình kích thích kinh tế trong nhiều năm qua.

Chuyên gia Gundlach tin rằng đây sẽ là yếu tố tạo sức ép lên đồng USD một khi thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng lên. Mặc dù đồng nội tệ nước Mỹ có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn nếu thị trường chứng khoán đi xuống, nhưng cuối cùng, đồng tiền này sẽ yếu đi nhanh chóng vì tình hình nợ của Mỹ đang là rất tồi tệ đối với một quốc gia phát triển.

Trong khi đó, sự hồi sinh đột biến của chỉ số S&P 500 từ các mức thấp nhất trong tháng 3/2020, nhờ vào các mã cổ phiếu của các công ty công nghệ lớn, đã tạo ra lo ngại về sự lặp lại của kịch bản năm 1999, thời điểm trước khi bong bóng dotcom bị vỡ.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cho biết giá trị cổ phiếu của 5 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới bao gồm Facebook, Amazon, Apple, Microsoft và Google hiện chiếm 22% vốn hóa thị trường của chỉ số S & P 500.

Tuy nhiên, nếu điều này thật sự xảy ra, hậu quả sẽ tồi tệ hơn rất nhiều bởi nước Mỹ giờ đây không còn khả năng cắt giảm lãi suất thêm nữa, và Washington cũng đã sử dụng tất cả các công cụ có thể để cứu vãn nền kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục