Nhà ở xã hội cho thuê tại Hà Nội trong cảnh “chợ chiều”

10:01' - 01/04/2019
BNEWS Trái ngược với cảnh đội mưa gió rét mướt, xếp hàng dài nộp đơn để được mua nhà ở xã hội thì phân khúc nhà ở xã hội cho thuê tại Thủ đô Hà Nội lại đang trong cảnh “chợ chiều” chưa từng có.

Thực tế này đang làm “đau đầu” các chủ đầu tư có nhà ở xã hội cho thuê khi mà tỷ lệ căn hộ cho thuê được tại một số dự án chỉ đếm trên đầu ngón tay.

*Tồn đọng căn hộ cho thuê

Theo quy định, chủ đầu tư phải dành 20% trong tổng số nhà ở xã hội để cho thuê phục vụ người dân thu nhập thấp. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư như ngồi trên "đống lửa" vì sau hàng chục lần rao bán và cho thuê công khai nhưng vẫn không có người thuê. 

Một trong những dự án điển hình cho việc chủ đầu tư liên tục thông báo bán và cho thuê nhà ở xã hội có thể kể đến Dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (huyện Quốc Oai).

Với tổng số 432 căn hộ nhà ở xã hội; trong đó có 346 căn để bán, 86 căn hộ để cho thuê, từ giữa tháng 10/2018, Sở Xây dựng Hà Nội đã chính thức thông báo nhận hồ sơ mua nhà và cho thuê nhà tại dự án này.

Nhưng sau 15 lần mở bán, chủ đầu tư vẫn chưa bán hết số căn hộ để bán, còn số căn hộ cho thuê thì vẫn chưa có khách nào mặc dù giá cho thuê được cho là khá rẻ (48.000 đồng/m2/tháng, đã bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Hay tại Dự án nhà ở xã hội Đông Hội (huyện Đông Anh), chủ đầu tư cho biết, suốt thời gian qua, đơn vị này cũng nhiều lần rao cho thuê 99 căn hộ nhà ở xã hội nhưng vẫn không có khách đăng ký thuê, trong khi giá cho thuê chỉ ở mức 66.617 đồng/m2/tháng.

Tình trạng này cũng diễn ra tại Dự án nhà ở xã hội Phú Lãm (quận Hà Đông) khi có tới 384 căn hộ bị ế. Chủ đầu tư thông báo đến lần thứ 4 song số lượng cho thuê đến thời điểm hiện tại vẫn là con số 0.

Tương tự, tình trạng tồn đọng căn hộ cho thuê cũng diễn ra ở nhiều dự án khác như Kiến Hưng, Gia Lâm... Điều này khiến các chủ đầu tư lo lắng khi hàng tháng vẫn phải trả lãi ngân hàng, nhà không cho thuê được để lâu ngày sẽ dẫn đến xuống cấp.

Theo Sở Xây dựng thành phố Hà Nội, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành đầu tư xây dựng hơn 6,3 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội. Tính đến nay, nếu cộng 9 dự án đã hoàn thành, 43 dự án đang triển khai và 20% quỹ đất dành cho nhà ở xã hội của 58 dự án nhà ở thương mại (dự kiến hoàn thành từ nay đến năm 2020) thì Hà Nội có tổng số khoảng hơn 4 triệu m2 sàn nhà ở xã hội.

Điều lo ngại là nếu tính 20% của số diện tích này được dành cho thuê theo quy định thì số căn hộ để cho thuê cũng không hề nhỏ trong bối cảnh người dân không còn mặn mà với loại hình nhà ở này.

*Cần quy hoạch phù hợp và linh hoạt chính sách

Câu hỏi đặt ra là vì sao người dân thu nhập thấp lại không mặn mà với nhà ở xã hội cho thuê như vậy? Tìm hiểu thực tế cho thấy, muốn mua đứt để được sở hữu là suy nghĩ chung của khá nhiều người khi chia sẻ về vấn đề này. 

Anh Nguyễn Thành Hưng, cán bộ công tác tại quận Hà Đông trăn trở: “Nếu thuê nhà trong vòng 40 năm thì số tiền thuê gia đình tôi phải bỏ ra khoảng từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng, bằng với số tiền mua căn hộ nên tôi quyết định không thuê”.

Còn chị Bùi Thu Hương, cán bộ công tác tại quận Nam Từ Liêm thì cho biết, tâm lý đi thuê nhà vẫn không phải nhà của mình khiến chị quyết định không thuê nhà ở xã hội mà chờ mua cho bằng được.

Lý giải cho điều này, một số chuyên gia bất động sản cho rằng, tư tưởng sở hữu nhà vẫn còn phổ biến ở hầu hết người dân Việt Nam. Ngay cả giới trẻ, khi chưa đủ tiềm lực tài chính để mua nhà cũng vẫn muốn được sở hữu nhà. Tuy nhiên, một lý do quan trọng khiến các dự án này gặp khó khi cho thuê đó là các dự án đều xa trung tâm, nơi hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

Đơn cử như dự án nhà ở xã hội tại huyện Quốc Oai, lý do kén khách với dự án này chính vì vị trí quá xa trung tâm. Những người đang làm việc tại nội thành dù chưa có nhà nhưng cũng không thể mua nhà về đây để ở được vì phải di chuyển quá xa.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, các dự án nhà ở xã hội ở khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, thiếu và yếu về chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ. Còn những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại là những nơi có rất ít dự án nhà giá rẻ, bình dân.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, cái người dân cần là nơi ở chứ không phải chỉ là nhà ở. Nơi ở phải có hạ tầng giao thông, điện nước, trường học, những cái đó không tốt thì cũng không ai ở, thứ hai là môi trường xung quanh phải đáp ứng nhu cầu làm việc của con người. Đây cũng là một trong các lý do khiến nhà ở xã hội cho thuê kém hấp dẫn.

Dù thực tế việc cho thuê nhà ở xã hội đang gặp nhiều khó khăn, song theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì về lâu dài, người dân cần chuyển từ quan niệm phải “sở hữu nhà” sang “có chỗ ở”, tức là có thể đi thuê nhà. Bởi thực tế, giá nhà tại các thành phố lớn của Việt Nam; trong đó có Hà Nội vẫn còn cao so với thu nhập của dân. Điều đó có nghĩa người thu nhập thấp, người trẻ khó tiếp cận với việc mua nhà.

“Với người trẻ, chưa có nhiều tích lũy, có thể cân nhắc không nên dốc hết tiền mua nhà mà vẫn có chỗ ở như mong muốn bằng cách đi thuê nhà tại những dự án phù hợp, hoặc nhà ở xã hội để thuận lợi cho công việc của mình”, ông Nam chia sẻ.

Đại diện một doanh nghiệp đã đầu tư nhiều dự án nhà ở xã hội tại các quận Hoàng Mai, Long Biên và Hai Bà Trưng cho biết, chính sách cho thuê nhà ở xã hội hiện nay khiến cả chủ đầu tư và người thuê đều gặp khó. Bản thân người thuê nhà cũng muốn mua luôn căn hộ đang thuê để ổn định lâu dài nhưng lại bị khống chế thời gian, còn chủ đầu tư thì chậm thu hồi được vốn.

Do đó, chủ đầu tư này đề xuất chính sách cho thuê cần linh hoạt hơn nữa cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Đối với các chủ đầu tư trong trường hợp cho thuê khó khăn thì cần phải được điều chỉnh để bán thu hồi vốn, đối tượng mua nhà cần nên mở rộng hơn nữa.

Làm rõ hơn quan điểm trên của đơn vị chủ đầu tư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà dẫn chứng, tại Hàn Quốc, người nghèo, người không đủ khả năng thuê nhà sẽ được Chính phủ cho thuê nhà với mức giá thấp hơn thị trường khoảng 30%. Nhóm có thu nhập cao hơn được áp dụng phí thuê nhà thấp hơn giá thị trường khoảng 15 - 16%. Đối với nhóm có thu nhập trung bình, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ mức lãi suất thấp hơn để họ có thể mua nhà...

Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải quy hoạch vị trí xây dựng nhà ở xã hội phù hợp, đồng bộ về cơ sở hạ tầng, đặc biệt cần sửa đổi cơ chế chính sách đối với nhà ở xã hội, nhất là với các thành phố lớn như Hà Nội phải có cơ chế đặc thù trong quá trình phát triển nhà ở xã hội nói chung, nhà ở xã hội cho thuê nói riêng nhằm tạo cơ chế mở cho cả chủ đầu tư và người dân./.

Xem thêm:

>>Chính phủ quy định mức lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội

>>Hà Nội sắp có thêm gần 1.300 căn nhà ở xã hội

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục