Nhà ở xã hội: Giấc mơ trong tầm với

15:05' - 06/02/2019
BNEWS Nằm ở một góc phố xinh xắn thuộc khối phố 5, phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, ngôi nhà mới của gia đình anh Trịnh Văn Kiên và chị Tống Thị Thảo Ngọc tràn ngập tiếng cười.
Dự án nhà ở xã hội giải quyết chỗ ở cho hàng nghìn người dân thu nhập thấp. Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN

Dẫn chúng tôi đến thăm ngôi nhà này, anh Nguyễn Thọ Pha, Chủ tịch UBND phường An Sơn, thành phố Tam Kỳ hóm hỉnh nói: "Thế là giấc mơ 18 năm đã thành hiện thực của anh chiến sỹ và cô giáo làng".

Bên ấm trà xanh, trong căn phòng còn đậm mùi vôi vữa, anh Kiên chỉ cười hiền nhưng không giấu nổi niềm vui: "Coi như đã hoàn thành một việc lớn trong đời, phấn khởi lắm chứ nhà báo!"

Anh Kiên nhập ngũ ngót nghét hai chục năm, còn chị Ngọc miệt mài với nghề "lái đò" hàng ngày cặm cụi với từng con chữ. 18 năm kể từ khi cưới nhau, anh chị phải ở chung trong căn nhà nhỏ của bố mẹ chị Ngọc cùng với các anh chị em.

Là lính biên phòng thường xuyên xa nhà, anh Kiên mới được chuyển công tác về thành phố gần vợ con. Lúc này nhu cầu có một ngôi nhà riêng cần hơn bao giờ hết. Tiền tích cóp bấy lâu của anh chị đủ mua được mảnh đất và xây được một phần ngôi nhà.

"Nghe đài báo mấy năm nay có chương trình cho vay mua, xây mới, sửa chữa nhà ở tôi rất hy vọng và mong đợi. Chỉ cần được vay thêm một khoản nữa là căn nhà mơ ước của vợ chồng tôi sẽ thành hiện thực", anh Kiên chia sẻ.

Và rồi mong ước của vợ chồng anh Kiên, chị Ngọc đã đến khi Ngân hàng Chính sách Xã hội chính thức giải ngân chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP (Nghị định 100) về phát triển nhà ở xã hội từ đầu tháng 4 vừa qua. Ngay lập tức anh Kiên cùng vợ ra phường hỏi thủ tục và làm hồ sơ vay vốn.

Tuy nhiên, có một vướng mắc khiến anh chị gần như hết hy vọng ngay sau đấy. Hộ khẩu của anh Kiên ở đơn vị theo quy định của Quân đội, trong khi thủ tục vay vốn lại yêu cầu vợ chồng phải cùng hộ khẩu tại địa chỉ xây nhà.

"Gần như hết hy vọng nhưng khi ấy tôi nghĩ phải tìm giải pháp khác, may mắn thay khi trình bày với phường thì được các anh nhiệt tình hỗ trợ và đã có giải pháp hợp tình hợp lý", chị Ngọc kể.

Chủ tịch UBND phường An Sơn Nguyễn Thọ Pha chia sẻ: "Thấy vợ chồng anh chị ấy sốt sắng, cộng thêm 18 năm họ xây ước mơ, chúng tôi đi hỏi các cơ quan chuyên môn về hộ khẩu rồi cùng anh Kiên tìm ra giải pháp phù hợp với quy định pháp luật để anh chị có thể hoàn thiện hồ sơ vay vốn”.

Chị Ngọc chia sẻ thêm, với sự hỗ trợ 400 triệu đồng vay ưu đãi qua Ngân hàng Chính sách Xã hội gia đình chị đã có ngôi nhà khang trang, áp lực trả nợ không quá lớn và phần nào tạo động lực cho anh chị tiếp tục những mục tiêu lớn hơn trong đời.

Ở khu phố số 4, phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyết và anh Lê Văn Ba cũng đã có một ngôi nhà khang trang nhờ nguồn vốn hỗ trợ 500 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Vợ chồng chị Tuyết đều làm việc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, vợ là hộ lý còn chồng lái xe. Ngôi nhà cũ của anh chị ở khu phố số 5, phường An Mỹ thuộc diện giải toả để làm đường, anh chị được đền bù mảnh đất ở khu phố số 4 cũng thuộc phường An Mỹ.

Chị Tuyết kể, khi xây ngôi nhà này anh chị thiếu một khoản tiền lớn và xác định đi vay thêm từ ngân hàng. "Không thể chờ đủ vốn mới xây nhà được nên chúng tôi đã làm hồ sơ vay vốn tại một ngân hàng thương mại, may mắn thay khi đúng lúc ấy có thông tin được hỗ trợ vốn từ Chính phủ với lãi suất ưu đãi, vợ chồng tôi liền rút lại hồ sơ và chuyển qua Ngân hàng Chính sách Xã hội".

Giờ đây với 500 triệu đồng được vay, vợ chồng chị Tuyết đã có căn nhà khang trang. Điều đáng mừng là "gánh nặng" lãi suất trên vai anh chị đã vơi bớt phân nửa bởi nếu vay ngân hàng thương mại như phương án ban đầu anh chị sẽ phải trả lãi suất gấp đôi.

"Tôi không biết dùng lời nào để diễn tả niềm vui, tôi thấy mình quá may mắn khi được hỗ trợ đúng lúc", chị Tuyết nói.

Gia đình anh Kiên hay chị Tuyết chỉ là một trong số những trường hợp ở tỉnh Quảng Nam đã được thụ hưởng từ chính sách cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100. Quảng Nam cũng là một trong những địa phương thực hiện chính sách cho vay mua nhà ở xã hội quyết liệt và cũng là địa phương giải ngân nhanh ngay sau khi chương trình được triển khai.

Ông Phan Thái Bình, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhận định, tại Quảng Nam, nhu cầu về nhà ở rất lớn, đặc biệt là đối với người thu nhập thấp.

“Ngay cả những đối tượng không được thụ hưởng chính sách họ cũng rất đồng tình ủng hộ bởi đối tượng được vay vốn có thể là một họ hàng nào đó trong gia đình của họ và việc vay vốn đó có thể giải quyết chỗ ở không chỉ cho đối tượng được vay, mà cả các thành viên trong gia đình họ. Vì vậy, chính sách về cho vay nhà ở xã hội nhận được sự vào cuộc, đồng tình rất lớn từ nhân dân”, ông Bình phân tích.

Ông Phan Thái Bình cũng cho rằng: "Thực hiện chính sách này muốn thuận lợi, thì chính quyền cơ sở phải có sự đồng thuận, khi hiểu rõ vấn đề thì triển khai nhanh. Bởi quan trọng nhất vẫn là cấp chính quyền cơ sở, đơn cử như khi làm hồ sơ, thủ tục, mà vướng ở cấp cơ sở, lúc đó chính quyền cơ sở vào cuộc sẽ giải quyết nhanh chóng".

Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội nhìn nhận, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100 thực sự được sự mong đợi rất lớn của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, thu nhập thấp, cán bộ công nhân, viên chức, công chức quốc phòng. Nguồn vốn dự kiến dành cho chương trình trong năm 2019 là 1.326 tỷ đồng; trong đó ngân sách nhà nước bố trí số vốn 663 tỷ đồng, cùng với 50% do Ngân hàng Chính sách Xã hội tự huy động.

Thực chất chương trình mới cho vay từ tháng 4/2018. Đến 31/12/2018 đã có 59 tỉnh, thành phố thực hiện cho vay và cơ bản hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giao. Trong đó các chi nhánh triển khai cho vay tốt như: thành phố Hà Nội 62 tỷ đồng, Hà Tĩnh 54 tỷ đồng, Khánh Hòa 52 tỷ, Quảng Nam 50 tỷ đồng, thành phố Đà Nẵng 50 tỷ đồng, Hưng Yên 33 tỷ đồng, Thanh Hóa 30 tỷ đồng, Bắc Giang 30 tỷ đồng, Bắc Ninh 26 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 20 tỷ đồng, Quảng Bình 20 tỷ đồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục