Nhà Trắng ủng hộ dự luật thắt chặt quy định về đầu tư nước ngoài

17:38' - 25/01/2018
BNEWS Thông qua việc "củng cố" Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), dự luật sẽ nới rộng quyền hạn của chính phủ trong việc ngăn chặn nước ngoài mua công ty Mỹ.

Nhà Trắng ngày 24/1 cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ dự luật nhằm thắt chặt các quy định về đầu tư nước ngoài tại Mỹ, giữa bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mua lại các công ty công nghệ cao của Mỹ.

Dự luật này được các nghị sỹ đảng Cộng hòa John Cornyn và Robert Pittenger đệ trình lên Quốc hội Mỹ hồi tháng 11/2017.

Thông qua việc "củng cố" Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), dự luật sẽ nới rộng quyền hạn của chính phủ trong việc ngăn chặn nước ngoài mua công ty Mỹ, đồng thời đạt được mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và bảo toàn chính sách đầu tư mở bấy lâu nay của nước này.

CFIUS nổi tiếng cứng rắn đối với những thỏa thuận công nghệ cao, đặc biệt là những thỏa thuận có liên quan đến Trung Quốc. Ngay đầu tháng này, CFIUS đã bác đề xuất mua lại công ty dịch vụ chuyển tiền MoneyGram International Inc với giá 1,2 tỷ USD của Ant Financial (Trung Quốc) vì những lo ngại về vấn đề an ninh.

Động thái trên là "tin buồn" đối với ông Jack Ma, Chủ tịch điều hành tập đoàn Internet Alibaba Group Holding Ltd – sở hữu Ant Financial. Ông Jack Ma đang tìm cách củng cố “chỗ đứng” của Ant Financial trước sự cạnh tranh quyết liệt ở thị trường trong nước từ đối thủ WeChat của Tencent Holdings Ltd.

Vụ việc trên là sự kiện mới nhất trong một loạt thương vụ doanh nghiệp Trung Quốc mua lại công ty Mỹ đã không được CFIUS thông qua.

Trong số những thương vụ đã từng "thất bại" trước CFIUS có quỹ Canyon Bridge Capital Partners LLC mua lại nhà sản xuất chip Lattice Semiconductor Corp (Mỹ) với giá 1,3 tỷ USD; China Oceanwide Holdings Group Co Ltd mua lại công ty bảo hiểm nhân thọ Genworth Financial Inc (Mỹ) với giá 2,7 tỷ USD và công ty Orient Hontai Capital mua lại công ty tiếp thị di động AppLovin (Mỹ) với giá 1,4 tỷ USD.

>>> Các nhà kinh tế nhận định về triển vọng tái đàm phán NAFTA

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục