Nhận định chứng khoán tuần từ 11 – 15/1: Động lực tiếp tục đến từ dòng tiền

14:28' - 09/01/2021
BNEWS Giới phân tích có nhận định lạc quan về xu hướng thị trường trong tuần tới (từ 11 – 15/1).

 

Sự "hưng phấn" dâng cao khiến thanh khoản đạt mức kỷ lục trong tuần qua (từ 4 – 8/1), với sắc xanh lan tỏa ra hầu hết các nhóm ngành. Trước diễn biến này, giới phân tích nhận định lạc quan về xu hướng thị trường trong tuần tới (từ 11 – 15/1).

* Xu hướng tăng

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS, dòng tiền lớn vẫn đang vào thị trường, nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm đến thị trường hơn, triển vọng kinh tế vĩ mô vẫn đang là động lực khiến động thái giải ngân từ phía nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh hơn.

Về kỹ thuật, chỉ số VN - Index đã vượt ngưỡng 1.100 điểm một cách thuyết phục. Do vậy, rõ ràng thị trường đang trong xu hướng tăng dài hạn. Trong ngắn hạn, đường về mốc 1.200 điểm đang trở nên rộng mở.

Có quan điểm khá lạc quan, các chuyên gia tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt – VDSC nhận định, dù có động thái chốt lời trong phiên cối tuần, nhưng VN - Index nhanh chóng được hỗ trợ và ổn định trở lại. Chỉ số chưa lấy lại được vùng cao điểm trong phiên, nhưng cũng ghi nhận tín hiệu tích cực từ dòng tiền.

“Thị trường vẫn đang theo chiều hướng đi lên dù trải qua nhiều đợt rung lắc, chúng ta cần chờ tín hiệu dừng đủ mạnh mới có thể đánh giá lại trạng thái thị trường”, VDSC nhìn nhận.

Công ty chứng khoán Bảo Việt – BVSC cho rằng, thị trường đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh 1.180 - 1.200 điểm. Rủi ro rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường sẽ tăng cao khi chỉ số tiếp cận vùng kháng cự này, đặc biệt khi trạng thái quá mua (thuật ngữ chỉ một chứng khoán mà những nhà phân tích và người giao dịch tin rằng đang được giao dịch cao hơn giá trị nội tại của nó) của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ tiếp tục luân phiên có diễn biến tăng để hỗ trợ thị trường. Dòng tiền vẫn sẽ tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này.

Cổ phiếu thuộc các ngành như: bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh trong quý IV tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.

Thực tế, thị trường đã lập kỷ lục mới từ năm 2007 đến nay với chuỗi 10 tuần tăng điểm liên tiếp và với mức tăng hơn 26% giá trị vốn hóa của toàn sàn HOSE trong tuần qua.

Bên cạnh đó, thanh khoản tính cả khớp lệnh và thỏa thuận trong tuần qua cũng lập kỷ lục từ trước đến nay với gần 3,9 tỷ cổ phiếu trao tay, giá trị ước đạt hơn 85.000 tỷ đồng. Mặc dù đã nâng lô tối thiểu lên 100 cổ phiếu trong tuần này, nhưng sự nghẽn lệnh vẫn xảy ra vào phiên chiều trong 4 phiên liên tiếp.

Sự hưng phấn tột độ cũng được thể hiện trên thị trường phái sinh khi hợp đồng tương lai tháng gần nhất (VN30F1M) cao hơn VN30 tận 28,74 điểm, cao nhất kể từ tháng 12/2017.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), trong tuần tới (từ 11 - 15/1), các nhịp rung lắc có thể xảy ra thường xuyên hơn khi nhà đầu tư quyết định chốt lời dần trong bối cảnh VN - Index dần tiệm cận với đỉnh thời đại quanh 1.211 điểm (đỉnh tháng 4/2018).

Về diễn biến giao dịch tuần qua, chỉ số VN - Index tăng 63,82 điểm lên 1.167,69 điểm; HNX-Index tăng 14,28 điểm lên 217,4 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn tiếp tục gia tăng và lập kỷ lục mới với khoảng hơn 19.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 59,9% lên 85.237 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 49,1% lên 3.887 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 51,1% lên 10.902 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 31,1% lên 761 triệu cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất tuần qua, với 8,5% giá trị vốn hóa. Các đại diện trong nhóm như: BID tăng 1,3%, VCB tăng 7%, ACB tăng 7,5%, VPB tăng 9,4%, CTG tăng 12%, SHB tăng 12,4%, TCB tăng 13,3%, MBB tăng 15,7%... Đây là động lực chính kéo thị trường tăng mạnh.

Tiếp theo là nhóm công nghệ thông tin với mức tăng 7,2% giá trị vốn hóa, với các đại diện là CMG tăng 0,3%, FPT tăng 7,1%...

Các cổ phiếu trong ngành bất động sản như: VIC tăng 3,3%, VHM tăng 7,7%, NVL tăng 14,7%... và các cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán như: SSI tăng 3,2%, HCM và VCI đều tăng 3,8%, SHS tăng 6,8%... cũng là một động lực dẫn dắt thị trường chung.

Các nhóm ngành còn lại đều có mức tăng tốt như: nhóm dầu khí tăng 5,8% giá trị vốn hóa, nhóm tiện ích cộng đồng tăng 5,2%, nhóm hàng tiêu dùng tăng 4,1%, nhóm công nghiệp tăng 2,4%, dược phẩm và dịch vụ y tế tăng 2%, dịch vụ tiêu dùng tăng 1,9%, nguyên vật liệu tăng 1,4%...

Đà tăng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tuần qua là khá tương đồng với các thị trường chứng khoán trên thế giới.

* Chứng khoán thế giới khởi sắc

Thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 8/1, sau khi chứng kiến các mức cao kỷ lục được xác lập tại Phố Wall vào phiên trước, giữa bối cảnh giới đầu tư đang chú ý vào khả năng Chính phủ Mỹ sẽ tung ra gói cứu trợ kinh tế có quy mô lớn hơn sau khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện với chiến thắng trong hai cuộc bầu cử bổ sung tại Georgia.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng mạnh 2,36% lên 28.139,03 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng chứng kiến phiên tăng điểm theo ngày mạnh nhất trong bảy tháng qua khi cộng thêm 3,97% lên 3.152,18 điểm.

Tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng khép lại tuần giao dịch đầu tiên của năm mới 2021 trong sắc xanh khi tiến 0,68% lên 6.757,90 điểm, mức cao nhất trong 10 tháng qua.

Các thị trường chứng khoán khác của khu vực châu Á-Thái Bình Dương gồm: Singapore, Mumbai (Ấn Độ), Đài Bắc (Đài Loan- Trung Quốc), Jakarta (Indonesia) và Bangkok (Thái Lan) cũng đều ghi nhận các mức tăng trong phiên này.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại biến động ngược chiều. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,2% lên 27.878,22 điểm. Trong khi chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại hạ 0,17% điểm xuống 3.570,11 điểm.

 

Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Mỹ lập các kỷ lục mới trong phiên 8/1, khép lại tuần đầu tiên của năm 2021 khi những cam kết của Tổng thống đắc cử Joe Biden về việc tăng hỗ trợ cho người dân đã bù lại cho báo cáo tháng 12/2020. Điều đó cho thấy số việc làm tại Mỹ bị mất lần đầu tiên kể từ tháng Tư trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng mạnh.

Tại thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ), chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên cuối tuần tăng 0,2% lên 31.097,97 điểm, sau bốn tuần liên tiếp tăng điểm.

Chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,6% lên 3.824,68 điểm, khép lại tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 1% lên 13.201,98 điểm.

Trong cả tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,6%, chỉ số S&P 500 tăng 1,8% và chỉ số Nasdaq Composite tăng 2,4%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục