Nhận định chứng khoán tuần từ 2- 4/5: Thị trường liệu có ngừng rơi?

09:39' - 01/05/2018
BNEWS Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, tuần tới là một tuần khá khó khăn khi dòng tiền vẫn chưa ủng hộ và rủi ro thị trường vẫn đang ở mức cao.
Chỉ riêng tháng 4/2018, VN-Index đã rơi 124,2 điểm, tương ứng 10,5%. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 4 (từ 23- 27/4), thị trường tiếp tục giảm mạnh. Đây cũng là tuần giảm mạnh thứ 3 liên tiếp của chỉ số VN-Index. Chỉ riêng tháng 4/2018, VN-Index đã rơi 124,2 điểm, tương ứng 10,5%.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 69,6 điểm xuống 1.050,26 điểm; HNX-Index giảm 9,94 điểm xuống 122,64 điểm.

Áp lực bán tăng trên diện rộng, đặc biệt tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản khiến các mã cổ phiếu thuộc các nhóm này giảm sâu.

Các mã cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh có thể kể đến như: GAS giảm 16,8%, VJC giảm 5,1%, BVH giảm 2,7%...

Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng tiếp tục giảm mạnh với các mã trụ cột như PVD giảm 6,8%, PVS giảm tới 15,7%, PVC giảm 7,5%...

Theo giới phân tích, thị trường chung đang giảm trong ngắn hạn, cùng với việc giá dầu thế giới lên, xuống thất thường trong các phiên giao dịch khiến nhóm cổ phiếu dầu khí có lẽ chưa có cơ hội cụ thể nào để tăng trưởng.

Thực tế, chi phối tâm lý thị trường tuần qua là sự quan ngại về kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ ngày một đầy lên, cũng như nguy cơ bất ổn chính trị tại khu vực Trung Đông.

Phiên cuối tuần ảm đạm đã khiến giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) ghi nhận mức giảm gần 0,5% trong tuần, trong khi giá dầu Brent vẫn đi lên tuần thứ ba liên tiếp.

Mặc dù thị trường năng lượng khởi động tuần qua khá thuận lợi, song xu hướng này không duy trì ổn định tới cuối tuần.

Trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 27/4, giá dầu đồng loạt đi xuống, sau khi báo cáo mới nhất của công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ tăng 5 giàn trong tuần qua, lên 825 giàn, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng đồng loạt giảm rất mạnh với VCB giảm 6,3%, CTG giảm 12,5%, BID giảm 8,5%, VPB giảm 12,6%, MBB giảm 9%, ACB giảm 11,9%, SHB giảm 10,9%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm theo xu hướng của thị trường chung với nhiều mã có mức giảm từ 2 con số như: Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành chứng khoán SSI giảm 14,3%, HCM giảm 10,6%, VCI giảm 11,5%, VND giảm 13,9%, SHS giảm 11%, MBS giảm 11,6%...

Quan sát các phiên giảm mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán có thể nhận thấy, các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán bị bán rất mạnh đã đẩy giá phiếu 2 ngành này lùi sâu dưới mức tham chiếu trong thời gian rất ngắn.

Diễn biến giao dịch cũng cho thấy, dường như một bộ phận nhà đầu tư bất chấp giá thấp và vẫn bán ra với mục tiêu là chốt lời hoặc thu hồi vốn và thoát ra khỏi thị trường bằng mọi giá. Giới quan sát cho rằng, có lẽ nhiều nhà đầu tư bị áp lực lãi vay cận biên nên diễn biến thị trường mới như vậy.

Anh Nguyễn Thành Nam, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho rằng, thị trường tăng rất mạnh trong một thời gian dài, có những nhà đầu tư mua cổ phiếu tại vùng giá thấp nên hiện nay họ bán ra để chốt lời.

Thị trường nếu có giảm xuống vùng 1.000 điểm thì nhiều nhà đầu tư vẫn nắm giữ những cổ phiếu đã tăng giá mạnh, nhất là những mã cổ phiếu vốn hóa lớn nên họ sẽ bán ra nếu không còn kỳ vọng vào việc cổ phiếu tiếp tục tăng trưởng.

Là nhà đầu tư dài hạn, anh Nam cho rằng, điểm số thị trường không quan trọng, cái nhà đầu tư cần quan tâm là tìm kiếm được những cổ phiếu tốt để nắm giữ. Tuy nhiên, anh Nam thừa nhận, do là nhà đầu tư nhỏ lẻ nên thị trường tăng mạnh cũng không có ý nghĩa nhiều với anh vì anh chỉ nắm giữ những cổ phiếu thị giá trung bình và nhỏ không có biến động nhiều trong giai đoạn vừa qua.

Chuyên viên môi giới chứng khoán Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của đợt điều chỉnh là do yếu tố cung cầu mất cân bằng và mặt bằng định giá của thị trường ở mức cao.

Nhiều cổ phiếu tăng quá nhanh, quá mạnh, vượt trước kỳ vọng của tăng trưởng kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nên mực dù kinh tế vĩ mô, tăng trưởng doanh nghiệp vẫn tốt nhưng thị giá cổ phiếu vẫn tiếp tục giảm.

Trong khi áp lực bán ra của nhà đầu tư rất mạnh nhưng bên mua có vẻ vẫn dè dặt. Ngay chính những nhà đầu tư kỳ cựu còn có những do dự khi mua thêm cổ phiếu thì có lẽ những nhà đầu tư mới đang đứng ngoài quan sát, chưa dám ra nhập thị trường. Dòng tiền tham gia mua ở vùng giá thấp khá yếu và trong những phiên thị trường tăng sức mua lại càng yếu hơn.

Thị trường giảm, lực cầu không đủ để có thể ngăn đà rơi cũng như tạo đáy. Có lẽ rất khó để xác định, cũng như cho rằng mức VN-Index đã rơi về vùng đáy nếu dòng tiền chưa nhập cuộc giúp thị trường ngừng rơi.

Thực tế, thanh khoản tuần qua sụt giảm nhẹ và ở mức trung bình với khoảng gần 7.200 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Không những nhà đầu tư nội dè dặt giải ngân, nhà đầu tư ngoại cũng có xu hướng giao dịch bất lợi cho thị trường.

Tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 880 tỷ đồng trên cả hai sàn; trong đó, khối ngoại bán ròng trên HOSE với hơn 825 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 55 tỷ đồng. Việc nhà đầu tư nước ngoai bán ròng mạnh có thể tác động xấu đến tâm lý của thị trường trong tuần giao dịch tới.

Bên cạnh đó, tuần tới, thị trường có thể rơi vào vùng trũng thông tin, vì vậy nhà đầu tư có thể vẫn còn thận trọng, thị trường có thể đi ngang tích lũy với thanh khoản thấp, hoặc trong kịch bản xấu rất có thể thị trường sẽ tiếp tục giảm.

Theo chuyên viên môi giới Nguyễn Văn Hanh, nếu thị trường tích cực thì cũng chỉ hồi phục 1 đến 2 phiên, sau đó có khả năng tiếp tục đi xuống.

Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, tuần tới là một tuần khá khó khăn khi dòng tiền vẫn chưa ủng hộ và rủi ro thị trường vẫn đang ở mức cao.

Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho rằng, rủi ro thị trường hiện tại đang ở mức cao, tuy nhiên sẽ vẫn có những nhịp hồi phục xen kẽ để nhà đầu tư có thể cơ cấu lại danh mục về trạng thái an toàn hơn.

SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (2/5-4/5), VN-Index có thể sẽ hồi phục kỹ thuật để lấy lại ngưỡng 1.080 điểm (MA20) nhằm đưa tín hiệu trung hạn từ tiêu cực về lại trung tính.

Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agriceco) nêu quan điểm, phiên phục hồi cuối tuần qua mang nhiều tính chất kỹ thuật, thị trường đã giảm sâu và mạnh 3 tuần liên tiếp, đi kèm với đó là thanh khoản ở mức thấp và tâm lý nhà đầu tư đang ở mức rất thận trọng.

Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index đã phá vỡ mức kháng cự mạnh 1.065 điểm, mức hỗ trợ tiếp theo là 1.005 điểm, đồng thời, trên đồ thị tuần, chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) đang hình thành tín hiệu phân kỳ, nếu tín hiệu được xác nhận thì thị trường có thể sẽ có một nhịp hồi phục dài hơn.

Vì vậy, Agriseco tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư thận trọng quan sát, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hợp lý, hạn chế và giảm tỷ lệ margin, chờ các tín hiệu xác nhận của thị trường.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt - BVSC nhận định, tâm lý nhà đầu tư hiện đang ở trạng thái tiêu cực với áp lực bán tăng mạnh ngay ở vùng giá thấp, trong khi dòng tiền bắt đáy hoạt động còn khá yếu. Tuy vậy, phiên hồi phục cuối tuần mở ra khả năng chỉ số VnIndex có thể sẽ có thêm các phiên hồi phục sau kỳ nghỉ lễ./.

>>> Nhiều sàn chứng khoán châu Á kết thúc tháng Tư trong sắc xanh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục