Nhận định chứng khoán tuần từ 2 – 6/7: Thị trường có thể tiếp tục giằng co và tích lũy

14:46' - 01/07/2018
BNEWS Với diễn biến của thị trường hiện tại, nhiều công ty chứng khoán nhận định rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn hiện hữu, nhiều khả năng thị trường diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm đan xen.
Thị trường chứng khoán tuần tới có thể tiếp tục giằng co và tích lũy. Ảnh: TTXVN
Tuần giao dịch cuối cùng của tháng 6, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, tuy nhiên điều đáng lo ngại nhất lúc này không phải là điểm số mà có lẽ là thái độ khá thờ ơ của nhà đầu tư với thị trường khiến thanh khoản ngày càng sụt giảm.

Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 22,39 điểm xuống 960,78 điểm; HNX-Index giảm 5,81 điểm xuống 106,17 điểm. Thanh khoản sụt giảm so với tuần trước đó và ở mức thấp với chỉ khoảng 4.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 9,2% xuống 19.927 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 6,1% xuống 781 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX giảm 15,1% xuống 2.740 tỷ đồng tương ứng khối lượng giao dịch giảm 18,2% xuống 171 triệu cổ phiếu.

Rõ ràng là tuần vừa qua, thị trường đã đón nhận những thông tin vĩ mô khá tích cực. Cụ thể là thông tin tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng năm 2018 ước tính tăng 7,08%. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây.

Hay thông tin về kết quả kinh doanh của một số ngân hàng rất khả quan nhưng chính nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm giảm giá mạnh và thanh khoản cũng rất “èo uột”.

Cụ thể, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tiếp tục suy giảm với hầu hết các mã như: VCB giảm 1,2%, BID giảm 5,5%, CTG giảm 6,4%, VPB giảm 12,8%, TCB giảm 3,5%, MBB giảm 6,1%, ACB giảm 9,6%, SHB giảm 5,7%...

Thậm chí, VCB có báo cáo kết quả kinh doanh rất đẹp. Trong 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (mã chứng khoán: VCB) đạt 7.722 tỷ đồng, tăng 52,7% so với cùng kỳ 2017 và đạt 55,2% kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên cổ phiếu này cũng ghi nhận giảm giá và thanh khoản thấp trong tuần qua.

Tuần qua, nhiều nhà đầu tư có thể đã nắm được kết quả kinh doanh 6 tháng của một số công ty, hoặc có thể ước tính được những kết quả cơ bản của doanh nghiệp, nhưng thị giá của cổ phiếu vẫn không tăng, đi kèm đó là thanh khoản rất yếu. Đây có lẽ là điều đáng ngại lớn nhất của thị trường, khi mà trong tháng 7, thị trường trông đợi vào “sóng” kết quả kinh doanh quý II.

Nếu thực sự nhà đầu tư kỳ vọng có “sóng” kết quả kinh doanh thì đáng lẽ cổ phiếu phải tăng giá và thanh khoản cũng tăng cao hơn do nhà đầu tư tích cực mua thêm cổ phiếu để tích lũy “chờ sóng”.

Ngay cả nhóm cổ phiếu “sáng” nhất tuần qua là nhóm dầu khí cũng có thanh khoản rất thấp. Cụ thể, nhóm dầu khí có nhiều mã tăng trưởng khá tốt như: PVD tăng 3,4%, PVC tăng 5,3%, PVB tăng 2,7%, BSR tăng 2,6%, OIL tăng 2,1%. Tuy nhiên mức thanh khoản của nhóm cổ phiếu dầu khí là rất thấp.

Sở dĩ nhóm cổ phiếu dầu khí có nhiều mã tăng giá là do được hưởng lợi từ đà đi lên của giá dầu thế giới. Trong tuần tới dự báo những biến động từ xu hướng đi lên của giá dầu thế giới còn tiếp diễn.

Giá dầu thế giới liên tiếp đi lên trong các phiên tuần qua, trước mối lo ngại về các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Tính chung cả tuần, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng hơn 8%, còn giá dầu Brent tăng hơn 5%.

Trước sự gián đoạn nguồn cung ngoài dự kiến tại Canada, Libya và Venezuela, nhiều nhà phân tích bày tỏ lo ngại các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ đẩy giá dầu đi lên và có thể chạm tới 90 USD/thùng.

Theo cuộc khảo sát đối với 35 nhà kinh tế và nhà phân tích do hãng Reuters tiến hành, giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 72,58 USD/thùng trong năm 2018, tăng so với dự báo 71,68 USD/thùng đưa ra trong cuộc khảo sát trước và cao hơn so với mức trung bình 71,15 USD/thùng kể từ đầu năm tới nay.

Ngược lại, nếu giá dầu còn tiếp tục đi lên và giữ ở mức cao thì có lẽ lợi nhuận ngành hàng không sẽ chịu tác động khá lớn từ giá nguyên liệu đầu vào. Từ đó, cổ phiếu ngành hàng không có thể bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực. Thực tế, tuần qua nhóm cổ phiếu hàng không cũng đã giảm giá với VJC giảm 2,7%, HVN giảm 2,1%.

Với diễn biến đi xuống của thị trường, trên nền tảng thanh khoản thấp thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giảm giá mạnh với SSI giảm 9,8%, VND giảm 8,2%, HCM giảm 7,3%, MBS giảm 1,9%, CTS giảm 2,7%, VCI giảm 3,8%, SHS giảm 6,9%...

Nhịp giảm của thị trường có sự tác động rất lớn của những mã cổ phiếu trụ cột. Tuy nhiên, do mức giảm của những mã cổ phiếu trụ cột đã được co hẹp nên diễn diễn biến thị trường chung cũng không biến động quá mạnh như những nhịp giảm trước đây.

Cụ thể, tuần qua, cổ phiếu SAB giảm 0,2%, VNM giảm 4,5%, VHM giảm 1,6%, HPG giảm 6,2%, VRE giảm 3%, MSN giảm 2,5%. Nhưng điều đáng lo ngại nhất của thị trường lúc này có lẽ vẫn là thanh khoản yếu. Thanh khoản của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn ngày càng thấp khiến thị trường thiếu động lực bật tăng trở lại.

Theo giới quan sát, hiện tại thị trường vẫn còn phải đối diện với những khó khăn do giới đầu tư lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có những tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán thế giới.

Bên cạnh đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) tại các ngân hàng thương mại liên tục được điều chỉnh tăng trong hai tuần trở lại đây. Giá đồng bạc xanh đã có lúc chạm ngưỡng 23.000 đồng/USD.

Theo giới phân tích, biến động này của đồng bạc xanh chủ yếu tác động bởi thị trường thế giới sau quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hôm 14/6.

Một số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu sẽ tăng hoặc giảm doanh thu khi tỷ giá điều chỉnh. Đây cũng là mối quan tâm của giới đầu tư vì tỷ giá tác động không nhỏ đến thị trường chứng khoán.

Việc điều chỉnh tăng tỷ giá sẽ giúp cho các công ty xuất khẩu có nhiều thuận lợi, khi có doanh thu bằng USD. Cũng chính vì lý do này nên các cổ phiếu của các công ty xuất nhập khẩu có thể có nhiều cơ hội được hưởng lợi.

Một điểm không tích cực là khối ngoại có xu hướng tiếp tục bán ròng mạnh cổ phiếu. Theo số liệu thì tuần qua khối ngoại mua ròng giá trị cổ phiếu; trong đó, khối ngoại mua ròng trên HOSE với hơn 2,026 tỷ đồng và bán ròng trên HNX với hơn 12,5 tỷ đồng. Nhưng nếu loại bỏ giao dịch thỏa thuận mua ròng đột biến từ YEG thì khối ngoại thực chất là bán ròng hơn 329 tỷ đồng trên HOSE.

Với diễn biến của thị trường hiện tại, nhiều công ty chứng khoán nhận định rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn hiện hữu, nhiều khả năng thị trường diễn biến giằng co với các phiên tăng giảm đan xen.

Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cho rằng: Thanh khoản trong giai đoạn này không tăng mà thậm chí còn thấp dần đi cho thấy dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại thị trường và diễn biến tăng giảm giằng co thời gian gần đây cũng cho thấy tâm lý nhà đầu tư có sự thận trọng và chán nản dần tăng lên.

“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm thị trường đang trong giai đoạn tích lũy với thanh khoản cạn kiệt, diễn biến trong thời gian này nhiều khả năng sẽ là các phiên tăng đan xen nhau. Dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo (2/7-6/7), VN-Index có thể sẽ tiếp tục giằng co và tích lũy với biên độ trong khoảng 950-1.000 điểm như diễn biến của 8 phiên trước đó", SHS nêu quan điểm.

Công ty cổ phần chứng khoán Rồng Việt – VDSC nhận định, phiên giao dịch cuối tuần cho thấy tín hiệu tích cực sau nhiều phiên giảm điểm liên tiếp. Tuy nhiên, một phiên giao dịch chưa chứng tỏ được nhiều và dòng tiền vẫn chưa trở lại thị trường.

“Rủi ro giảm điểm trong ngắn và trung hạn vẫn còn nên nhà đầu tư cần thận trọng nếu muốn mở vị thế mua”, VDSC khuyến nghị.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán FPT – FPTS: “Mặc dù phiên giao dịch cuối tuần VN-Index phục hồi đảo chiều, tuy nhiên các tiêu chuẩn kỹ thuật vẫn đang cảnh báo rủi ro khả năng chỉ số sẽ còn sụt giảm về điểm số trong diễn biến tuần kế tiếp. Về phân lớp cổ phiếu, nhóm Bluechips vẫn đang tiếp tục phân hóa mạnh. Đây có thể là nguyên nhân khiến dòng tiền vẫn tiếp tục do dự đứng ngoài khiến lực cầu không được cải thiện. Chúng tôi bảo lưu quan điểm thận trọng, giữ trạng thái quan sát trong các phiên đầu tuần tới.”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục