Nhận định chứng khoán tuần từ 9-13/8: Liệu có gặp áp lực điều chỉnh?

16:38' - 07/08/2021
BNEWS Nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định thận trọng về diễn biến thị trường trong tuần giao dịch tới (từ 9 -13/8).
Thị trường chứng khoán tiếp tục hồi phục trong tuần từ 2-6/8 với thanh khoản được cải thiện. Cùng đó, khối ngoại cũng mua ròng trong cả tuần với giá trị hơn 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc VN-Index gặp khó tại vùng cản 1.350 điểm và đảo chiều đi xuống vào phiên cuối tuần 6/8, khiến nhiều công ty chứng khoán đưa ra nhận định thận trọng về diễn biến thị trường trong tuần giao dịch tới (từ 9 -13/8).
*Áp lực điều chỉnh ngắn hạn
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phiên cuối tuần qua (6/8), chỉ số VN-Index vẫn chưa thể vượt được vùng cản 1.350 điểm và đảo chiều giảm điểm. Thanh khoản phiên này tăng so với các phiên trước và cao hơn mức trung bình 50 phiên gần nhất, cho thấy nhà đầu tư đang tranh thủ chốt lời ngắn hạn sau nhịp hồi phục khá nhanh. Dự kiến VN-Index sẽ tiếp tục bị cản và có thể điều chỉnh. Tuy nhiên, nhịp điều chỉnh nếu có chỉ mang tính chất cân bằng lại thị trường sau khi hoàn thành nhịp hồi phục.  
“Do vậy, nhà đầu tư tạm thời nên cân đối lại danh mục, chốt lời đối với các vị thế ngắn hạn hoặc các cổ phiếu đang chịu áp lực cản lớn. Đồng thời, nhà đầu tư tranh thủ tìm kiếm cơ hội đầu tư để giải ngân khi thị trường cân bằng và ổn định trở lại”, VDSC khuyến nghị.
Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đã thể hiện ở chuỗi 4 phiên tăng điểm liên tiếp đầu tuần qua. Trong phiên cuối tuần, VN-Index đã có lúc chạm ngưỡng 1.350 điểm cùng với diễn biến tăng trên diện rộng. Tuy nhiên, áp lực bán bất ngờ tăng mạnh trong nửa cuối thời gian của phiên giao dịch cuối tuần đã kéo chỉ số rời xa ngưỡng kháng cự quan trọng này.
Trong tuần khối ngoại diễn biến khá tích cực khi mua ròng cả 5 phiên với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng. VHM dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị đạt gần 1.000 tỷ đồng, bỏ xa vị trí thứ 2 và 3 là STB và SSI với giá trị mua ròng lần lượt đạt 602 và 522 tỷ đồng. Chiều bán ròng, VIC là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 340 tỷ đồng.
Theo Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, sau nhịp hồi phục gần 120 điểm trong 3 tuần, VN-Index đang gặp kháng cự ngắn hạn tại ngưỡng 1.350. Trong tuần sau khả năng thị trường sẽ chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của chỉ số là vùng 1.300 - 1.310 điểm.
Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, VN - Index đã hồi phục đáng kể từ vùng đáy ngắn hạn 1.250 điểm, ngay cả trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế vẫn đang tiếp tục bất ổn và những diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ tư tại Việt Nam.
VCBS nhận định chỉ số chung sẽ tiếp tục xu hướng dao động tích lũy trong vùng 1.300 - 1.350 điểm trong những tuần tới và trước mắt thì ngưỡng kháng cự gần nhất là 1.350 điểm.
Theo đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn có thể cân nhắc chốt lời một phần cổ phiếu đã đạt được lợi nhuận kỳ vọng, để bảo toàn thành quả, đồng thời chuyển sang nắm giữ các cổ phiếu vốn hóa trung bình chưa tăng mạnh trong giai đoạn trước đó.
Trong khi đó, nhà đầu tư dài hạn có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh giảm trong phiên để tiếp tục gia tăng tích lũy các cổ phiếu mục tiêu có tiềm năng tăng trưởng tốt và nền tảng tài chính lành mạnh trong năm 2021.
Có góc nhìn lạc quan, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vẫn cho rằng, phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần qua (6/8) có thể không gây ảnh hưởng nhiều đến xu hướng tăng của thị trường về vùng 1.350-1.380 điểm trong tuần tới.
Trở lại diễn biến thị trường tuần qua, kết thúc tuần giao dịch từ 2 - 6/8, VN-Index tăng 31,4 điểm lên 1.341,45 điểm; HNX-Index tăng 10,61 điểm lên 325,46 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất, với trung bình khoảng 23.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 21% lên 102.714 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 25,7% lên 3.249 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 53,6% lên 16.704 tỷ đồng, tương ứng khối lượng tăng 50,2% lên 668 triệu cổ phiếu.
Thị trường hồi phục giúp cho toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng. Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) tuần qua, cổ phiếu thuộc ngành bất động sản tăng mạnh. Cụ thể, các mã trụ cột như: NVL tăng 3,4%, VHM tăng 5,2%, VIC tăng 5,7%. Các mã thuộc ngành chứng khoán cũng bứt phá. Theo đó, HCM tăng 3%, SSI tăng 3,3%, VND tăng 8,7%, VCI tăng 9,2%.
Nhóm cổ phiếu thuộc ngành hàng không diễn biến tích cực với HVN tăng 0,9%, ACV tăng 1,2%, VCJ tăng 3,9%. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bán lẻ hàng công nghệ cũng có mức tăng mạnh. Các mã đầu ngành nhóm này là FRT tăng 3,9%, DGW tăng 4,2%, MWG 4,5%.
Nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin trên đà tăng trưởng với FPT tăng 2,8%, CMG tăng 6,7%. Các nhóm tiện ích cộng đồng, nguyên vật liệu, dầu khí, ngân hàng, hàng tiêu dùng, dược phẩm và y tế, công nghiệp đều có diễn biến tích cực.
Nếu nhìn vào kết quả giao dịch cả tuần thì có vẻ như sự tích cực đang chiếm ưu thế. Dù vậy, những diễn biến của thị trường trong phiên cuối tuần đã khiến nhiều công ty chứng khoán hoài nghi về đà hồi phục tiếp tục của chỉ số.
Thực tế, diễn biến trong phiên cuối tuần qua của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong xu hướng chung của các thị trường chứng khoán châu Á.
*Dịch COVID-19 làm gia tăng lo ngại         
Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên chiều 6/8, khi sự lây lan của biến thể Delta trên khắp châu lục này đang làm gia tăng những lo ngại về sự phục hồi kinh tế của các nước trong khu vực.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương trừ Nhật Bản đã giảm 0,25%. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,24%, hay 8,32 điểm và khép phiên với 3.458,23 điểm, còn chỉ số Hang Seng tại Hong Kong cũng để mất 0,1%, hay 25,29 điểm, xuống 26.179,40 điểm.
Với 124 ca mắc COVID-19 trong ngày 5/8, mức cao nhất trong đợt bùng phát dịch hiện tại, giới chức Trung Quốc đã ban hành nhiều lệnh hạn chế đi lại ở nhiều thành phố. Thái Lan và Malaysia cũng đều ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục trong ngày 5/8.
Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Bank of America (Mỹ) nhận định những diễn biến xung quanh biến thể Delta cho thấy các nền kinh tế châu Á rất dễ bị tổn thương khi tỷ lệ tiêm chủng ở khu vực này vẫn còn thấp.
Trong khi thị trường chứng khoán khoán châu Á giảm điểm phiên cuối tuần thì chứng khoán Mỹ lại tăng mạnh mẽ.
Đà tăng của hai phiên giao dịch cuối tuần (5-6/8) đã giúp cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đua nhau xác lập các mức cao nhất mọi thời đại và khép lại tuần giao dịch đi lên.
Sắc xanh của Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 5/8 ghi nhận mức cao kỷ lục của chỉ số S&P 500 và Nasdaq, nhờ thông tin số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm.
Tới phiên 6/8, chỉ số Dow Jones và S&P 500 tiếp tục chạm mức “đỉnh” mới, sau khi đón nhận báo cáo việc làm đầy lạc quan trong tháng 7/2021.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4% lên mức cao kỷ lục 35.208,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến gần 0,2%, cũng đóng cửa ở mức cao mới là 4.436,52 điểm. Trong khi đó chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,4% xuống 14,835.76 điểm.
Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,7%, đánh dấu tuần tăng thứ hai trong ba tuần. S&P 500 cộng 0,9% trong tuần qua và hiện đã tăng 18,1% từ đầu năm đến nay. Nasdaq Composite tăng 1,1% trong tuần./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục