Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam: Tiên phong trong đổi mới

10:04' - 12/10/2019
BNEWS Doanh nghiệp là lực lượng quan trọng nhất, có đóng góp to lớn đối với việc thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Tàu 22.000 tấn vào bốc xếp hàng hóa tại cảng Chu Lai, thuộc Công ty TNHH Một thành viên Cảng Chu Lai – Trường Hải (Quảng Nam). Đây là cảng nước sâu có hệ thống logistic đồng bộ, diện tích 140 ha, được đưa vào hoạt động từ tháng 5/2012, là cảng sông có quy mô lớn duy nhất tại miền Trung, góp phần phát triển lưu thông hàng hóa của khu vực. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp.

Hội nghị Trung ương lần thứ năm khóa XII đã ban hành 2 nghị quyết về doanh nghiệp là Nghị quyết 10-NQ/TW 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết 12/NQ/TW 2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Song song đó, Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách và nghị quyết để thúc đẩy sự phát triển nhanh và hiệu quả của khu vực doanh nghiệp như Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và hàng loạt Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tiếp nối các Nghị quyết 19, đầu năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Nhờ đó, có thể ghi nhận sự trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới với kết quả đạt trên 700.000 doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang trong giai đoạn vận động chờ chuyển đổi lên doanh nghiệp.

Cùng với đó là quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường lấy doanh nghiệp làm nòng cốt và là trung tâm của sự phát triển.

Bên cạnh sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và cơ quan chức năng thì chính các doanh nghiệp cũng nhận diện được vị thế, vai trò và chỗ đứng của mình trong nền kinh tế; nhìn nhận ra những tác động, ảnh hưởng và đóng góp tích cực từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình đối với sự tăng trưởng kinh tế, sự ổn định về an sinh xã hội, nhất là tạo công ăn việc làm cho người lao động; tham gia xóa đói và giảm tỷ lệ nghèo tại các địa phương, gây dựng các phong trào làm kinh tế để cải thiện đời sống người dân và từng bước vươn lên làm giàu...

Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch Tập đoàn Anh Quân, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhận định, doanh nghiệp, doanh nhân là thành phần kinh tế được  phát triển từ rất lâu ở các nước trên thế giới song còn khá mới mẻ ở Việt Nam.

Trong những năm gần đây, với sự đổi mới cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò và vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân ngày càng được khẳng định và coi trọng.

Muốn thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp hơn nữa và đạt các mục tiêu mà Chính phủ đề ra như phát triển 1 triệu doanh nghiệp tới năm 2020 thì các cơ chế, chính sách hiện tại có liên quan tới doanh nghiệp rất cần phải được đổi mới.

Hơn ai hết, các doanh nghiệp trẻ cũng cần phải tiên phong trong quá trình đổi mới này. Tuy nhiên, nếu đổi mới mà không vững vàng, không bền vững thì sẽ khó phát triển được.

Là điển hình trong ngành nông nghiệp - lĩnh vực xương sống của nền kinh tế, ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam và là Cố vấn cao cấp Ban Khởi nghiệp Quốc gia cho rằng, trong thời kỳ hội nhập, lĩnh vực nông nghiệp cũng cần phải đổi mới rất nhiều cả về công nghệ và sản xuất.

"Bản thân là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, chúng tôi luôn trăn trở làm sao để đổi mới được nền nông nghiệp Việt Nam. Đổi mới để phát triển hội nhập nhiều hơn nữa là xu hướng không thể tránh khỏi. Với thực trạng hiện nay thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa được biết đến nhiều đang đặt ra cho các doanh nghiệp trẻ những cơ hội và thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế", ông Thắng nói.

Theo ông Thắng, phải làm sao vừa đạt giá trị cao về mặt kinh tế và kinh doanh đối với các ngành nghề nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng, vừa đảm bảo phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện môi trường để đáp ứng các tiêu chí cũng như các cam kết cùng cộng đồng kinh doanh toàn cầu.

"Nếu chiểu theo định nghĩa về thế hệ 1.0, 2.0, 3.0 thì lớp doanh nhân như chúng tôi thuộc thế hệ 2.0. So sánh với thế hệ 3.0 tôi thấy có sự khác biệt khá xa. Sự cách biệt được thể hiện đó là: các bạn doanh nhân trẻ 3.0 là những người dám nghĩ, dám làm; hành trang vào đời của các bạn được trang bị đầy đủ, chu đáo, cẩn thận; được học tất cả những gì mà chúng tôi đã trải qua, được gặp gỡ giao lưu và chia sẻ thực tế với các doanh nhân của thế hệ đi trước. Nếu các bạn biết tận dụng những ưu thế đó, trang bị và trau dồi những kỹ năng mềm thì các bạn sẽ giỏi hơn chúng tôi rất nhiều", ông Thắng chia sẻ.

Cũng theo ông Thắng, nếu đánh giá về tri thức thì con người Việt Nam rất giỏi, có rất nhiều người giữ những vị trí chủ chốt ở các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới và được đánh giá cao.

Về năng lực, thì trên thực tiễn nhiều doanh nghiệp Việt vẫn còn phụ thuộc quá lớn vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên thiếu tính chủ động và khó phát huy tính sáng tạo đổi mới để nâng cao năng lực cạnh tranh cho chính mình.

"Trong quá trình hoạt động tới nay, chúng tôi chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước, nhất là với các chính sách dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi có con người, kỹ thuật nhưng thiếu sự hỗ trợ đồng bộ, nên nhiều lúc thất bại ngay trên sân nhà, thậm chí còn bị sự cạnh tranh của các tập đoàn đa quốc gia. Để làm được những mục tiêu đặt ra hay kỳ vọng thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhà nước, Chính phủ cần có cái nhìn tổng thể, khái quát hơn về thực trạng của doanh nghiệp để có sự hỗ trợ phù hợp, kịp thời giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn, vươn lên lớn mạnh và phát triển tốt ngay trên sân nhà", ông Thắng bày tỏ.

Theo ông Thắng, sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân là điều rất quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp, không chỉ là động lực mà còn là trách nhiệm đặt lên vai doanh nhân.

Việc doanh nhân được ghi nhận trong cộng đồng chung là bước ngoặt quan trọng, là sự ghi nhận cao nhất về vai trò của doanh nhân từ trước tới nay, để doanh nhân nhìn vào đó thấy động lực để thúc đẩy nền kinh tế phát triển và vững vàng trong hội nhập.

Là đơn vị từng có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Công ty Luật TNHH Lawpro có nhiều thực tiễn và trải nghiệm trong quan hệ đối tác với các doanh nghiệp FDI.

Bà Đoàn Thu Nga, Chủ tịch và là thành viên sáng lập Lawpro cho rằng, “Tiên phong đổi mới – vững vàng hội nhập” là khẩu hiệu hành động thiết thực và nhiều ý nghĩa đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đối với nền kinh tế, doanh nghiệp đóng vai trò là lực lượng nòng nốt, then chốt. Doanh nghiệp phải đổi mới thì nền kinh tế mới thay đổi, phát triển được. Đặc biệt, thế hệ các doanh nghiệp trẻ sẽ là lực lượng tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo đó, để tạo đà cho nền kinh tế phát triển, kéo theo cả nền kinh tế phát triển theo.

Chính phủ đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập của nền kinh tế Việt Nam. Trong một không gian mở và trên một thế giới phẳng như hiện nay, việc kinh doanh không thể tính đến biên giới và địa lý.

Mọi rào cản đang từng bước được gỡ bỏ; các cửa ngõ hợp tác đều mở rộng. Muốn phát triển hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiến xa hơn trên con đường hội nhập.

Nếu bị động, doanh nghiệp sẽ không thể có bước tiến để sáng tạo. Để vững vàng chắc chắn phải chủ động nhiều hơn. Chủ tịch Công ty Luật TNHH Lawpro chia sẻ.

Bà Nga bày tỏ, các doanh nghiệp trẻ cần sự chủ động về thị trường, chuẩn bị tốt để sẵn sàng đón nhận những thách thức và nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Không ai khác, chính doanh nghiệp phải là người tiên phong trong công cuộc đổi mới và sáng tạo, qua đó góp thêm động lực mạnh mẽ để phát triển nền kinh tế nước nhà.

Đánh giá về những vấn đề khó khăn nội tại của các doanh nghiệp hiện nay, bà Thu Nga cho rằng, nhìn nhận qua các cuộc thi quốc tế, thì năng lực cá nhân của người Việt Nam luôn được đánh giá rất cao.

Bởi, đã làm doanh nhân và phải vận hành doanh nghiệp thì ai cũng có tầm nhìn và năng lực. Mấu chốt ở đây chính là đang thiếu sự đồng bộ, sự phù hợp trong cả hệ thống lớn (thể chế quản lý Nhà nước) và hệ thống nhỏ (sự đồng bộ trong doanh nghiệp).

Bà Nga dẫn chứng, để Trung Quốc có thể trở thành công xưởng lớn của thế giới như hiện nay là bởi vì doanh nghiệp được Chính phủ miễn thuế đầu ra, đầu vào,… nên giá đầu ra trong sản xuất luôn thấp khiến cho các doanh nghiệp nước khác không thể cạnh tranh được.

Từ đó thấy rằng, nếu muốn thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp; trong đó, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực, hậu thuẫn cho sự phát triển vững chắc và lâu dài của doanh nghiệp.

"Xin nhắn gửi vài lời tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trẻ, các bạn cần sự kiện toàn nội bộ và bộ máy của doanh nghiệp, cần phải tập hợp được những đội ngũ cộng sự giỏi, thực hiện mục tiêu và chương trình hành động của doanh nghiệp đề ra, để đảm bảo được chiến lược và biến tầm nhìn của lãnh đạo thành hiện thực," bà Nga khuyến nghị.

Bà Nga cũng bày tỏ: "Mỗi một lãnh đạo hay một doanh nhân giỏi đến một tầm nào đấy sẽ muốn bay cao, bay xa, muốn tạo lập một cái riêng. Chúng ta thiếu tính tập đoàn, liên kết ở chỗ đó. Đây là trăn trở rất lớn của rất nhiều doanh nhân. Việc để có được cả một hệ thống, ê kíp có thể làm điểm tựa, mang tính cạnh tranh cao là cả một thách thức với chúng ta hiện nay"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục