Nhân tố Indonesia trong định hình chính sách của ASEAN

05:30' - 03/03/2019
BNEWS Báo Jakarta Post số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả John Lee nhận định về vai trò quốc gia nắm giữ "chìa khóa" của Indonesia trong bối cảnh ASEAN duy trì vị trí trung tâm ngoại giao.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Australia tại Sydney hồi tháng Ba năm ngoái, Thủ tướng Australia khi đó là ông Malcolm Turnbull đã nhắc lại rằng nước này tin tưởng vào vai trò trung tâm ASEAN. Việc cựu Thủ tướng Australia nhấn mạnh lại vấn đề đó cho thấy quốc gia này tiếp tục coi trọng ASEAN trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động.

Trong hai năm qua, Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đã tái lập cuộc họp của nhóm bộ Tứ ở cấp chính thức cao cấp hơn mức cuộc gặp của các bộ trưởng. Cùng với Trung Quốc, bốn quốc gia này là các cường quốc hải quân khu vực. Các thành viên nhóm bộ Tứ cam kết với khái niệm về “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Mở (FOIP)” mặc dù có sự khác biệt về ý nghĩa của mỗi quốc gia theo thuật ngữ đó. 

Khi Trung Quốc đang nỗ lực thay đổi trật tự chiến lược khu vực, các cường quốc ngoài ASEAN đã chuyển sang tư duy phản biện. Việc ASEAN tiếp tục thể hiện đóng vai trò trung tâm trong suy nghĩ của các quốc gia bộ Tứ phụ thuộc vào cách tổ chức này phản ứng với các vấn đề của khu vực. Nếu ASEAN muốn duy trì tính trung tâm ngoại giao thì phải thay đổi tư duy và Indonesia là quốc gia nắm giữ "chìa khóa".

Thoạt nhìn, FOIP là một sự tái khẳng định trật tự dựa trên các quy tắc kinh tế và an ninh đã tồn tại kể từ sau Thế chiến II, đặc biệt là tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do của các khu vực và toàn cầu như hàng không, hàng hải, không gian mạng và cách thức các quốc gia tiến hành quan hệ kinh tế.

Các quốc gia ASEAN nên thoải mái với các nguyên tắc của FOIP trong việc bảo vệ quyền lợi của tất cả các quốc gia bất kể quy mô và quyền lực. Nhưng phản ứng của các quốc gia ASEAN có vẻ chưa cho thấy rõ điều này, nhiều quốc gia thành viên ASEAN chưa dám bộc lộ quan điểm của mình do còn e ngại Trung Quốc.

Có những lo ngại rằng sự thay đổi và mở rộng trọng tâm địa chiến lược từ châu Á-Thái Bình Dương sang Ấn Độ-Thái Bình Dương sẽ làm giảm tính trung tâm ngoại giao và sự phù hợp của ASEAN, mặc dù các cuộc họp do ASEAN dẫn dắt như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á đã bao gồm Ấn Độ và Thái Bình Dương. Việc mối quan tâm mới được tìm thấy ở Ấn Độ-Thái Bình Dương là một sáng kiến của ba thành viên ngoài ASEAN làm tăng sự e ngại trong ASEAN rằng các sự kiện và thảo luận ngoại giao có thể vượt qua cả vai trò trung tâm của ASEAN.

Hơn nữa, các quốc gia ASEAN tìm cách quản lý các mối quan hệ với các cường quốc bằng cách áp dụng các nguyên tắc của tính bao gồm và tính trung lập (tối đa hóa đòn bẩy ngoại giao thông qua bảo vệ đặc quyền của mình để xác định các thuật ngữ này có nghĩa gì). Nếu ASEAN được xem là hỗ trợ cho FOIP, phần lớn nhằm vào Trung Quốc thì sự cam kết của tổ chức này đối với các nguyên tắc của FOIP sẽ làm thay đổi rất nhiều đến cách thức giải quyết các vấn đề quốc tế hiện nay và nó cũng sẽ làm chia rẽ ASEAN.

Thách thức đối với ASEAN là những gì hoạt động tốt trong quá khứ sẽ kém hiệu quả trong môi trường mới hiện nay. Trung Quốc đang ngày càng thách thức vai trò của Mỹ ở khu vực và các khía cạnh của trật tự dựa trên các quy tắc khi hiện nay họ đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện việc này. Chiến lược lớn của Trung Quốc là làm suy yếu vai trò chiến lược của Mỹ và làm giảm uy tín của Washington, với tư cách là nhà cung cấp bảo mật và dần dần phá hủy hệ thống liên minh.

Các nguyên tắc trung lập và bao gồm của ASEAN rất phù hợp với môi trường không có bất đồng lớn giữa các cường quốc. Các nguyên tắc như vậy bị căng thẳng, thách thức khi cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và các đồng minh diễn ra và đặc biệt là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

Hơn nữa, việc ASEAN có thiên hướng tránh xung đột đã khiến tổ chức này và nhiều quốc gia thành viên của mình có đường lối mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc đối với về vấn đề Biển Đông. Điều này đang xảy ra ngay cả khi Trung Quốc đang có các hành động cải tạo quy mô lớn và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông theo cách làm thay đổi cán cân chiến lược theo hướng có lợi cho họ.

Chỉ năm trong số 10 quốc gia ASEAN hiện có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ, Nhật Bản và Australia đang trở nên ít đồng cảm hơn với viễn cảnh bất đồng về Biển Đông chủ yếu là vấn đề giữa Trung Quốc-ASEAN và sẽ không ngồi yên nếu Bắc Kinh tiếp tục đạt được những tiến bộ chiến lược trong vùng biển quốc tế đó.

Do đó, vai trò trung tâm của ASEAN chỉ có ý nghĩa nếu tính trung tâm của nó được các cường quốc bên ngoài chấp nhận. Sự thiếu kiên nhẫn với ASEAN sẽ tăng lên nếu tổ chức này không biết cách vượt qua các thách thức khu vực, làm ảnh hưởng đến lợi ích, an ninh của các cường quốc bên ngoài.

Jakarta thoải mái với khái niệm Ấn Độ-Thái Bình Dương, một phần nhờ vào địa lý của đất nước như là một cửa ngõ giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Indonesia sẵn sàng nói chuyện cởi mở và thẳng thắn về những vi phạm của Trung Quốc, kể cả ở Biển Đông.

Trong một bài phát biểu vào tháng Một năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Retno Marsudi đã tăng sự quan tâm của Indonesia trong việc lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á khác xây dựng khuôn khổ khu vực tự do và cởi mở cho Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mục đích rõ ràng là đảm bảo ASEAN áp dụng chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương để bảo vệ lợi ích của các thành viên.

Đây không phải là điều đơn giản và không suy nghĩ về các ưu tiên của Mỹ và đồng minh. Nó báo hiệu một cách tiếp cận chủ động để thúc đẩy các lợi ích của Đông Nam Á trong một môi trường ngày càng bất ổn và nguy hiểm mà đòi hỏi ASEAN phải góp phần tìm ra cách giải quyết để nhằm duy trì sự ổn định khu vực.

Đó là một cách xây dựng để tham gia với Mỹ và các đồng minh và thậm chí tìm cách định hình các ưu tiên sau này theo cách phục vụ lợi ích của các quốc gia thành viên ASEAN. Có vẻ như Indonesia hiểu rằng tương lai ASEAN đang bị đe dọa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục