Nhân tố then chốt trong cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung

05:30' - 21/03/2021
BNEWS Trung Quốc đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề dân số, bao gồm tình trạng lão hóa dân số, nhưng quan trọng hơn là câu chuyện chất lượng dân số.

Cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày một gay gắt và Trung Quốc đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề dân số, bao gồm tình trạng lão hóa dân số, nhưng quan trọng hơn là câu chuyện chất lượng dân số.

Gần đây, một số học giả Mỹ cho rằng cuối cùng Trung Quốc khó có thể vượt qua Mỹ. Một trong những nguyên nhân quan trọng là vấn đề dân số. 

Theo học giả người Mỹ gốc Hoa Dị Phúc Hiền, nền kinh tế Trung Quốc sẽ không bao giờ vượt qua Mỹ vì vào năm 2021, Trung Quốc đã xuất hiện bước ngoặt về dân số kéo theo sự suy giảm về tốc độ tăng trưởng.

Do cản trở từ vấn đề dân số, Trung Quốc không chỉ không thể vượt Mỹ về tổng lượng kinh tế vào năm 2028 như nhiều dự báo, ngược lại vào năm 2035 còn xuất hiện tình trạng tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thấp hơn Mỹ.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Hành chính John F. Kennedy, Tiến sỹ khoa học chính trị Joseph Nye cũng cho rằng nước Mỹ có ưu thế về dân số. 

Theo tác giả cuốn “Tương lai của quyền lực” trong đó khuyến nghị một số giải pháp giúp Mỹ có thể duy trì được vị trí cường quốc số một thế giới, Mỹ là một trong số ít quốc gia đã phát triển duy trì được tăng trưởng dương về dân số. 

Về lâu dài, Trung Quốc, nước mà người dân chưa giàu đã già, rất khó để vượt Mỹ.

Một trong những nguyên nhân dẫn tới lão hóa dân số ở Trung Quốc là tỷ lệ sinh thấp kỷ lục. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ngày 17/1/2020, dân số Trung Quốc năm 2019 chính thức vượt mốc 1,4 tỷ người, nhưng tỷ lệ sinh lại lập mức thấp kỷ lục mới.

Cụ thể, trong năm 2019, mỗi 1.000 dân Trung Quốc chỉ có 10,48 trẻ sơ sinh, là mức thấp nhất kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được thành lập vào năm 1949. 

Tiếng chuông khủng hoảng dân số một lần nữa được gióng lên, nhưng theo số liệu của Bộ Công an Trung Quốc đầu năm 2021, trong năm 2020, số trẻ mới sinh ở Trung Quốc giảm 15% so với năm 2019.

Các yếu tố như chi phí nuôi dạy con cái, giá nhà đất cao, thiếu cơ sở trông giữ, nuôi dạy trẻ em… đã khiến mong muốn sinh con của người Trung Quốc giảm xuống ngay cả khi nước này đã xóa bỏ chính sách một con, cho phép sinh con thứ hai từ năm 2015.

Về phần mình, Trung Quốc đã nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề lão hóa dân số. 

Tại kỳ họp năm 2021 vừa bế mạc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc đã thông qua Quy hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 và Kiến nghị về viễn cảnh mục tiêu 2035, đề xuất thực thi chiến lược quốc gia tích cực ứng phó với tình trạng lão hóa dân số.

Đối sách thứ nhất được nêu ra là, tối ưu hóa chính sách sinh con, thúc đẩy sự phát triển dân số cân bằng lâu dài và nâng cao chất lượng dân số. 

Tăng cường các dịch vụ chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, tăng cường cung cấp giáo dục mầm non, tối ưu hóa giáo dục bắt buộc, giảm bớt áp lực đối với các gia đình trên phương diện giáo dục.

Thứ hai, tích cực khai thác nguồn nhân lực người cao tuổi, phát triển kinh tế “đầu bạc” (kinh tế người cao tuổi), thúc đẩy phát triển đồng bộ sự nghiệp dưỡng lão và ngành chăm sóc người cao tuổi.

Thứ ba, thúc đẩy các dịch vụ dưỡng lão cơ bản và xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại cơ sở cộng đồng kết hợp với viện dưỡng lão.

Thứ tư, phát huy văn hóa truyền thống, hỗ trợ gia đình đảm nhận chức năng phụng dưỡng người cao tuổi, phát huy hết vai trò cơ bản của gia đình trong việc chăm sóc người cao tuổi.

Những biện pháp này không có nhiều điểm mới. Khi Trung Quốc nêu cao nét đặc sắc văn hóa truyền thống hỗ trợ gia đình chăm sóc người già, từ nhiều năm trước Singapore đã có chính sách khuyến khích ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. 

Ngoài ra, theo tờ China Times, các biện pháp đưa ra chưa đề cập tới phương diện giáo dục, nhà ở, nâng cấp ngành nghề, xây dựng nông thôn…, cho nên, mức độ quan tâm chưa được rộng khắp.

Ban đầu, thế giới bên ngoài dự đoán tại kỳ họp Lưỡng hội vừa qua, Trung Quốc sẽ xem xét và thậm chí sửa đổi tuổi nghỉ hưu, nhưng vấn đề không nằm trong nghị trình. Hiện nay, độ tuổi nghỉ hưu theo luật pháp của nam giới ở Trung Quốc là 60 và nữ giới là 55. 

Trong khi đó, độ tuổi nghỉ hưu pháp định ở Mỹ là 67, Đức và Anh là 65, Hàn Quốc là 61 còn tại Nhật Bản, người dân nghỉ hưu vào năm 60 tuổi, nhưng bắt đầu nhận lương hưu từ năm 65 tuổi. 

Như vậy, so với các nước chủ chốt trên thế giới, Trung Quốc là quốc gia có tuổi nghỉ hưu thấp nhất. Điều này không chỉ gây ra gánh nặng tài chính quốc gia mà còn lãng phí nhân lực.

Trung Quốc đang theo đuổi công cuộc phục hưng dân tộc toàn diện trong khi sự cạnh tranh nước lớn giữa Trung Quốc và Mỹ ngày một gay gắt.

Trung Quốc đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề dân số và nâng lên tầm chiến lược, cần phải thúc đẩy. Nhưng phải thấy rằng dân số không phải là điều kiện duy nhất quyết định sự hùng mạnh của một quốc gia. 

Nhật Bản và Đức lâu nay phải đối mặt với tình trạng lão hóa dân số, nhưng vẫn đứng vững ở vị trí thứ ba và thứ tư trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Trong khi đó, Ấn Độ, nước theo sát Trung Quốc về quy mô dân số, tuy đứng thứ năm thế giới, nhưng tổng lượng kinh tế vẫn còn kém xa Trung Quốc.

Cho nên, xem xét “lợi tức dân số” (Demographic Dividend, đề cập đến sự tăng trưởng trong một nền kinh tế là kết quả của sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số một quốc gia) không chỉ quan tâm tới vấn đề sức lao động và năng lực tiêu dùng, mà vấn đề chất lượng dân số, nhất là tố chất lao động và chất lượng nhân tài ưu tú cũng rất quan trọng. 

Hàng năm, Trung Quốc đào tạo một số lượng lớn sinh viên đại học và kỹ sư, đồng thời tích cực thu hút nhân tài ở nước ngoài về nước, chẳng hạn như “Dự án ngàn nhân tài”.

Như vậy có thể nói Trung Quốc được hưởng một khoản “lợi tức nhân tài” đáng kể và lần này Quy hoạch Phát triển kinh tế xã hội 5 năm lần thứ 14 cũng đầu tư tương đối lớn cho nghiên cứu khoa học. 

Vì thế, trong cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ trong lĩnh vực dân số, Trung Quốc cũng có ưu thế của mình, không thể chỉ vì vấn đề lão hóa dân số mà không thể vượt qua Mỹ./.

Hà Ngọc (TTXVN tại Kuala Lumpur)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục