Nhập khẩu đường lỏng sirô ngô có xu hướng tăng

16:43' - 07/11/2023
BNEWS Chỉ trong 9 tháng năm 2023, lượng đường lỏng sirô ngô nhập khẩu đã nhiều hơn lượng nhập khẩu của cả năm 2020 và 2021 và xấp xỉ cả năm 2022.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tình hình nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS (mã HS 17026020) là chất tạo ngọt chính trong nước giải khát đang có xu hướng tăng dần qua các năm và đa số được nhập khẩu bởi các công ty sản xuất nước giải khát. Chỉ trong 9 tháng năm 2023, lượng đường lỏng sirô ngô nhập khẩu đã nhiều hơn lượng nhập khẩu của cả năm 2020 và 2021 và xấp xỉ cả năm 2022.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, mức độ gia tăng như vậy là mức bùng nổ. Ước tính cả năm 2023 lượng đường lỏng nhập khẩu sẽ là 232.597 tấn tương đương 290.746 tấn đường. Đường lỏng sirô ngô đổ vào Việt Nam đã dẫn đến hệ quả là thu hẹp thị phần đường trong ngành nước giải khát vụ 2022-2023 đến mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

 
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, nguồn cung đường dồi dào trong khi sức cầu đường trong nước chưa có dấu hiệu tăng nên thị trường tiếp tục trong tình trạng thừa cung. Mặc dù vậy, do giá đường quốc tế ở mức cao, giá đường trong nước cũng tăng nhưng vẫn ở mức thấp so với giá đường của các quốc gia trồng mía trong khu vực (Indonesia, Philippines) và Trung Quốc.

Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) dao động từ 21.400 – 23.400 đồng/kg. So với giá đường thị trường nội địa trong khu vực, bao gồm các nước sản xuất mía đường khối ATIGA (Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN) và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam dù đã tăng nhưng vẫn ở mức thấp.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, diễn biến giá đường Việt Nam so với các nước lân cận trong 9 tháng năm 2023 cũng cho thấy giá đường Việt Nam luôn ở mức thấp nhất.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các hoạt động nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn hoạt động phức tạp, tinh vi nhằm chống lại sự kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước.

Các hoạt động san chia, đóng gói hoặc sản xuất đường phèn từ đường nhập lậu cũng hoạt động tích cực. Các cơ sở san chia đóng gói mặt hàng đường và sản xuất đường phèn tại các tỉnh biên giới Tây Nam và các tỉnh không có nhà máy đường đều đã và đang sử dụng đường nhập lậu, vì hầu như tất cả các thành viên của Hiệp hội Mía đường Việt Nam đều không có giao dịch kinh doanh với các cơ sở này.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, vụ ép mía 2022-2023 được trên 9.645.000 tấn mía, sản xuất được 935.104 tấn đường các loại. Dự báo nhu cầu đường 2023 là 2,3 triệu tấn. Cân đối cung cầu, dự kiến lượng đường thừa cung cho năm 2024 là gần 479.000 tấn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục