Nhập khẩu lúa mì gặp khó khăn vì quy định cỏ dại Cirsium Arvense

22:06' - 08/10/2018
BNEWS Ngày 8/10, Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA) đã tổ chức Tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” tại Tp. Hồ Chí Minh.

Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho biết, gần đây FFA nhận được phản ánh của rất nhiều đơn vị về những khó khăn do thông tin một số lô hàng nhập khẩu bột mì có cỏ dại Cirsium Arvense có thể buộc phải tái xuất hoặc ngưng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, vừa qua đại diện phía Cục Bảo vệ thực vật có khẳng định phải cấm nhập khẩu lúa mì chứa cỏ dại Cirsium Arvense, cụ thể là quy định này sẽ áp dụng từ 1/11/2018.

Hoa cỏ kế đồng “cirsium arvense”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Theo bà Lý Kim Chi, việc quy định "cấm" thì rất đơn giản, nhưng phải làm sao để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, cũng như người dân Việt Nam nói chung mới là vấn đề cốt lõi cần xử lý.

Bởi trên thực tế hiện nay, có doanh nghiệp đang nhập khẩu về hoặc đã đặt đơn hàng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ngoài việc nhập khẩu lúa mì để tiêu thụ trong thị trường nội địa, doanh nghiệp Việt Nam còn xuất trở lại vào các nước trong khu vực ASEAN dưới dạng bột mì cho giá trị tốt. Loại nguyên liệu này không những giúp phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn mang lại giá trị xuất khẩu.

Thống kê trong 7 tháng năm 2018, khối lượng và giá trị lúa mì nhập khẩu là 3,13 triệu tấn, tương ứng 743 triệu USD, tăng 2,2% về khối lượng và tăng 16,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, Việt Nam nhập khẩu những nguồn lúa mì với sản lượng lớn và có giá trị tốt chủ yếu có xuất xứ từ Canada, Mỹ, Nga, Australia…

Lúa mì là nguyên liệu chủ yếu làm ra bột mì, sản xuất mì ăn liền, bánh kẹo… nhất là khi lối sống hiện đại ngày càng phát triển, người tiêu dùng có xu hướng sử dụng bột mì tăng lên kéo theo tiêu thụ lúa mì của Việt Nam tăng.

Ngoài ra, bột mì còn được sử dụng để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm; đặc biệt ngành sữa cũng có nhu cầu sử dụng bột mì đáng kể.

Tiêu thụ bột mì trên thị trường Việt Nam ngày càng tăng, lúa mì đang dần trở thành nguồn nguyên liệu có sức cạnh tranh và khó thay thế trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và thị trường thương mại toàn cầu, với yêu cầu nguồn thực phẩm ngày càng đa dạng hóa.

Liên quan đến vấn đề kiểm dịch thực vật, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để “canh cửa” bảo vệ cho môi trường thực vật Việt Nam, quan trọng nhất là cách thức triển khai đòi hỏi những giải pháp phù hợp điều kiện thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần có kết quả nghiên cứu khoa học chứng minh về tác hại của cỏ dại Cirsium Arvense, trên cơ sở đó ban hành những quy định quản lý phù hợp.

Trong trường hợp, cách làm chưa đúng thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.

Còn Tiến sĩ Trần Duy Khanh - chuyên gia phản biện chính sách, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đào tạo Doanh nhân APEC cho rằng, hiện có quan điểm là Việt Nam nên tìm kiếm nguồn cung lúa mì từ các nước khác để thay thế cho sản lượng nhập khẩu từ Mỹ, Canada, Nga…

Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển, các nước đều chọn những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Theo cơ chế thị trường, sản phẩm chất lượng tốt và giá cả hợp lý luôn là ưu tiên hàng đầu của người mua hàng, nên việc tìm kiếm nguồn cung từ quốc gia khác với các nước mà Việt Nam đang nhập khẩu là không khả thi và khó thực hiện.

Là đơn vị sản xuất bột mì từ nguồn nguyên liệu lúa mì, đồng thời đang xử lý vấn đề cỏ dại Cirsium Arvense theo quy định, ông Phan Thanh Hiếu – Phó giám đốc Công ty cổ phần Bột mì Bình An cho hay, doanh nghiệp khó tìm nguồn thay thế và cần thời gian để chuyển đổi.

Căn cứ vào nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp lên công thức sản phẩm, giá thành, đàm phán với đối tác… đây là những khó khăn rất thực tế mà doanh nghiệp đang đối mặt.

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Vu – Phó Tổng giám đốc Công ty Bột mì Bình Đông cho rằng, nhiều năm qua, doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu lúa mì từ Australia và Mỹ.

Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay, trước tình hình biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chuyển sang nhập khẩu từ Canada. Mặc dù vậy, trên thực tế, nguồn lúa mì từ Canada chỉ pha trộn chứ không thể thay thế được nguồn từ Australia và Mỹ, vì một số sản phẩm không phù hợp.

"Vừa qua, công ty cũng đặt vấn đề với đối tác về chứng nhận cỏ dại Cirsium Arvense, nhưng chưa thuyết phục và đàm phán được. Hiện nay, cạnh tranh đã khó, mà giờ gặp thách thức về nguyên liệu thì doanh nghiệp Việt không chỉ mất lợi thế với doanh nghiệp FDI, liên doanh mà còn với chính hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam", ông Lê Văn Vu cho hay.

Trước chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật là bắt đầu từ 1/11/2018 các lô vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvense sẽ áp dụng biện pháp xử lý tái xuất, đồng thời, xem xét ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu các loại vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại Cirsium Arvensetrên, Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp đã thống nhất kiến nghị "lùi hoặc gia hạn thêm thời gian" để doanh nghiệp có điều kiện tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vấn đề cỏ dại Cirsium Arvense không mới, nhưng đến thời điểm này chưa có một tài liệu nghiên cứu nào chứng minh gây thiệt hại, việc ban hành những quy định này trước tiên là gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiều sản lượng lúa mì nhập khẩu thì cần có lộ trình tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân.

Nhập khẩu lúa mì ảnh hưởng không chỉ riêng cộng đồng doanh nghiệp mà còn từ nhà hàng, khách sạn, đơn vị sản xuất kinh doanh, đời sống người dân… nên trong quy định cần cụ thể và chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề.

Đặc biệt, doanh nghiệp đề xuất cần có cơ sở phân biệt lúa mì làm giống, sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, sản xuất kinh doanh… cũng như thông tin nghiên cứu khoa học chính thống làm cơ sở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục