Khắc phục tình trạng lúa mì nhập khẩu có cỏ cirsium arvense

19:59' - 05/10/2018
BNEWS Tháng 5/2018, cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam đã phát hiện đối tượng phải kiểm dịch thực vật là cỏ cirsium arvense có trong lúa mì nhập khẩu.
Hoa cỏ kế đồng “cirsium arvense”. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Trước những quan điểm khác nhau, thậm chí tranh cãi về việc chấp nhận cho lúa mì có cỏ này được nhập hay không được nhập vào Việt Nam, chiều ngày 5/10, báo Nông thôn ngày nay đã tổ chức Tọa đàm “Lúa mì và chuyện nhập khẩu của doanh nghiệp Việt” với sự tham gia của cơ quan quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Theo ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, trên lúa mì nhập khẩu, lượng lúa mì nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật là cỏ cirsium arvense rất lớn.

Hiện đã phát hiện hơn 1,2 triệu tấn lúa mì bị nhiễm trong tổng số gần 4 triệu tấn (chiếm trên 30%). Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi loại cỏ này ngây hại cho cây trồng tại trên 40 quốc gia. Nhiều quốc gia xếp loai vào đối tượng rất gây hại nguy hiểm và là đối tượng cấm của nhiều nước như Australia, Hàn Quốc, Argentina, Brazil…

Nước Mỹ hàng năm mất hàng chục triệu đô la để phòng trừ cũng như thiệt hại do loại cỏ này gây ra mất mùa. Đây là đối tượng kiểm dịch thực vật và nguy cơ gây hại rất lớn, thậm chí Mỹ cũng có loại cỏ này nhưng cũng cấm trong nhập khẩu.

Ông Lê Sơn Hà cho biết, phải dùng thuốc diệt cỏ để xử lý loại cỏ này nên rất ảnh hưởng môi trường. Cỏ này vừa lây bằng hạt vừa mọc mầm từ rễ, dùng thuốc trừ cỏ cũng chỉ hạn chế. Để trừ cỏ này phải dùng các hoạt chất diệt cỏ như: paraquat, glyphosate mà đây là những hoạt chất đang xem xét loại bỏ không sử dụng tại Việt Nam vì tính độc hại của nó.

"Nguy hiểm hơn, nếu loại cỏ này xâm hại vào Việt Nam thì sẽ xảy ra nguy cơ các nước cấm nhập khẩu nông sản của Việt Nam. Như vậy thiệt hại rất lớn về kinh tế, môi trường, thậm chí là thị trường xuất khẩu. Do đó, đây là gánh nặng đối với ngành kiểm dịch là phải kiểm soát, giám sát loại cỏ này vào Việt Nam.", ông Hà cho hay.

Hạt cỏ này rất bé, nhẹ, mắt thường có thể nhìn không ra và nếu không kiểm sát chặt rất rễ phát tán, thậm chí hạt ngâm trong nước 20 năm vẫn có sức nảy mầm. Khi bị xâm hại thì việc diệt trừ, loại bỏ là gần như không thể.

Ông Hà cho biết, nếu dùng biện pháp xông hơi khử trùng loại cỏ này cũng không chết. Chỉ có thể chết khi bị sấy nóng, như vậy thì bột mì cũng hỏng. Nếu nghiền bột thì vẫn có nguy cơ lây lan theo đường tạp chất, khâu bốc dỡ…

“Mỗi ngày, ngành phải huy động trên 30 cán bộ kiểm dịch thực vật để theo dõi bốc dỡ và tiêu hủy trong tổng số 200 cán bộ. Đây là việc làm không thể làm mãi được”, ông Hà chỉ ra.

Theo QCVN 01 - 163: 2014/BNNPTNT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy trình giám định cây kê đồng (Cirsium arvense (L.) Scop.) thì đây là dịch hại kiểm dịch thực vật. Khi phát hiện cỏ “cirsium arvense” có trong lúa mì nhập khẩu, Việt Nam đã có những thông báo, cảnh báo với các nước xuất khẩu.

Việt Nam cấm loại cỏ này phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định thông lệ quốc tế về Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế (IPPC). Các nước có xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam và phát hiện có loại cỏ này như Nga, Canada… cũng đều tham gia công ước này.

"Khi phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật này, Cục Bảo vệ thực vật đã thông báo với các nước xuất khẩu, doanh nghiệp để chuẩn bị. Từ tháng 5/2018 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật vẫn cho phép nhập khẩu cùng với đó là có những biện pháp giám sát xử lý mặc dù rất vất vả, tốn kém vì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng, đây là việc khó. Bởi pháp luật các nước đều có các quy định về kiểm dịch rõ ràng. Vì vậy, doanh nghiệp nên hiểu và phải tuân thủ pháp luật trong nhập khẩu.", ông Hà cho biết.

Để khắc phục tình hình này, theo ông Hà doanh nghiệp nhập khẩu nên ký hợp đồng ràng buộc với doanh nghiệp xuất khẩu và cần có nguồn hàng sạch để nhập khẩu như ở Brazil, Achentina, Australia…

Về phía doanh nghiệp, ông Phan Thông Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Việt Nam kỹ nghệ bột mì cho biết, doanh nghiệp đã tính đến nguồn thay thế và đã sử dụng. Doanh nghiệp có thể nhập khẩu từ Australia, Brazil và giá có thể cao hơn nhưng vấn đề không phải là giá. Bởi chất lượng lúa mì ở Nam Mỹ không bằng lúa mì của Nga, Canada.

Bên cạnh đó, các nước trên nguồn cung cũng không nhiều nên doanh nghiệp sẽ khó khăn về nguyên liệu. Ông Phan Thanh Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần bột mì Bình An (vinabotmi) cũng cho rằng, chưa thể tìm kiếm nguồn thay thế được vì chất lượng và số lượng. Việc thiếu hụt nguyên liệu chắc chắn xảy ra./.

>>> Hạn hán làm giá lúa mỳ thế giới tăng cao nhất trong nhiều năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục